Phát ngượng vì chồng thích công việc… bếp núc
Chiều hôm ấy về nhà, thấy Vinh loay hoay thay nước cái lọ hoa, tôi gắt: 'Mấy việc đó để phụ nữ làm là được rồi, anh mó tay vào làm gì?'. Vinh cười hiền khô: 'Anh thích'.
Sau một lần mời đồng nghiệp về nhà tôi ăn cơm, tôi nghe thấy hai chị cùng phòng to nhỏ: “Cái Vân xinh thế mà lấy cái thằng khù khờ, lại lù lù một đống thịt, chẳng chuẩn men tí nào”. Chị kia lại nói: “Em thấy thằng cha ấy nấu nướng đâu ra đấy, lại còn vừa nấu nướng vừa lau chùi, cứ như đàn bà í, chắc cái Vân khổ với lão này lắm. Dễ đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành”. “Nghe nói chẳng bao giờ đi đâu, lúc nào cũng loanh quanh ở nhà, chán ngấy”...
Quả thật Vinh, chồng tôi là thế. Anh vốn cục mịch, lại già trước tuổi, mặc dù hơn tôi có 3 tuổi nhưng cứ như bằng tuổi bố tôi. Anh là kỹ sư phần mềm, lương đủ chia sẻ với vợ, đi làm về là ở nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Không rượu, không thuốc, không thể thao, cũng chẳng tụ tập bạn bè bao giờ. Ai nhìn vào cũng nghĩ Vinh có vấn đề, có người còn bảo anh bị đần đồn, bị “đao”.
Mỗi khi tôi mời anh đi cùng cơ quan hoặc bạn cùng lớp, anh rất ngại đi, nhưng vì chiều vợ nên mới chịu ra ngoài. Sánh bước bên nhau, hai vợ chồng cứ như đôi đũa lệch. Tôi thì cao ráo, nhỏ gọn, anh thì cục mịch, chậm chạp. Ở đâu anh cũng không rời vợ nửa bước. Khi ăn tiệc thì anh từ chối rượu, ngồi cạnh vợ chăm bẵm, gắp cho vợ từng món ăn, gỡ xương gà, bóc vỏ tôm bỏ vào bát vợ.
Đối với một số người thì được chồng chăm sóc là hạnh phúc, nhưng một số lại chỉ chỏ, bảo rằng chồng tôi cung cúc tận tụy quá, chẳng khác nào... đàn bà. Đàn ông phải giao lưu, uống rượu, nói năng hoạt bát, chứ đằng này thì chỉ ru rú một chỗ, nấp sau “váy” vợ. Dần dần, tôi cũng ngại đi với anh đến chỗ đông người.
Nghe hai chị cùng phòng “nói xấu” Vinh thế, tôi bỗng dưng cảm thấy khó chịu, bực tức. Chiều hôm ấy về nhà, thấy Vinh loay hoay thay nước cái lọ hoa, tôi gắt: “Mấy việc đó để phụ nữ làm là được rồi, anh mó tay vào làm gì?”. Vinh cười hiền khô: “Anh thích”. Tôi càng tức hơn: “Đàn ông mà thích làm mấy việc đó, có mà dở người. Sao anh không đi uống bia, đi tập thể thao, hoặc tụ tập chơi với bạn bè đi. Từ hồi nào tới giờ em chẳng thấy có bạn nào của anh đến nhà hay rủ anh đi chơi cả”. “Anh không thích tụ tập, vô bổ lắm”. Tôi gắt lên: “Vậy chứ mấy cái việc bếp núc của đàn bà ở nhà là bổ hả?”.
Vinh ngạc nhiên nhìn tôi, anh không nói gì, quay ra bắc nồi cơm rồi nhặt rau. Tôi cảm thấy bức bối một cách vô cớ, cũng không nói năng gì. Mọi lần khi tôi khó chịu, Vinh sẽ hỏi han trêu chọc, nhưng lần này anh cũng lặng thinh. Đến bữa cơm hai đứa con cứ ngơ ngác khi thấy bố mẹ chẳng ai nói với ai câu nào.
Đêm đến, tôi lên giường trước rồi nằm sát vào góc tường, quay lưng ra ngoài. Tôi vẫn ấm ức với chuyện Vinh không “chuẩn men” như những đàn ông khác. Chỉ cần anh mạnh dạn giao lưu, tôi sẵn sàng làm hết việc nhà cho anh đi chơi. Ít nhất anh cũng làm tôi đỡ xấu hổ vì bị nghĩ là có ông chồng suốt ngày quanh quẩn xó bếp. Đêm hôm đó, lần đầu tiên Vinh ngủ mà không ôm vợ.
Chiều hôm sau đi làm về tôi không thấy anh ở nhà, đợi mãi đến 10 giờ đêm anh mới về, miệng đầy hơi men. Anh lẳng lặng đi ngủ. Hôm sau tình trạng đó lại tiếp diễn, hôm sau nữa cũng thế. Cái bếp buổi chiều không có bóng dáng ục ịch của anh sao vắng lạ. Bữa cơm không có anh ba mẹ con chẳng buồn ăn... Tôi chợt nhận ra, tôi không cần một người đàn ông “chuẩn men” mà Vinh đang cố trở thành, hoặc do tôi bắt anh trở thành. Tôi cần anh, như mỗi ngày, là người đàn ông luôn tận tụy, dành hết thời gian cho vợ, cho con và chăm sóc gia đình. Bấy lâu nay, tôi vẫn hạnh phúc vì anh không “chuẩn men” như thế.
Đêm hôm ấy Vinh về, tôi vòng tay ôm qua cái eo quá khổ của anh, nói rằng, tôi cần anh trở lại, bởi tôi yêu con người vốn có của anh, dù thiên hạ nói gì, tôi cũng không quan tâm nữa.