Phát sóng chương trình tiếng dân tộc: Đưa ý Đảng đến gần hơn với lòng dân

Nhân viên Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh sửa chữa một cụm loa không dây ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bị hư hỏng. ẢNH: NGỌC CƯỜNG

Hơn 17 năm nay, mỗi tuần một lần, đồng bào dân tộc Ê Đê ở huyện miền núi Sông Hinh chăm chú lắng nghe nhạc hiệu và câu chào “Anei tơ loi puê mơng Sông Hinh, hdră puê hong tơ loi Ê Đê” (đây là Đài Truyền thanh - Truyền hình Sông Hinh, chương trình phát thanh tiếng Ê Đê).

Chương trình phát thanh tiếng Ê Đê đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc kết nối ý Đảng - lòng dân tại huyện miền núi này, nơi có 51.800 người là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đồng bào Ê Đê chiếm trên 50%.

Đài huyện duy nhất xây dựng chương trình tiếng dân tộc

Khoảng 20-22 năm trước, mỗi buổi sáng và buổi chiều ngồi nghe chương trình của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh, nhà văn Y Điêng lúc đó đang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam luôn trăn trở. Ông gặp những người có chức trách của huyện, của đài đề nghị xây dựng chương trình phát thanh tiếng Ê Đê. Ông bảo: “Đồng bào ở Sông Hinh hầu hết là dân tộc Ê Đê, mình cũng là người Ê Đê, biết cái chữ thì phải nói, phải dịch tiếng Việt sang tiếng Ê Đê cho bà con mình nắm bắt kịp thời tin tức thời sự trong nước, trong tỉnh; thấu hiểu chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước”.

Những năm đó, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh gặp rất nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và biên chế. Mãi đến năm 2002, đài mới bắt đầu xây dựng chương trình phát thanh tiếng Ê Đê. Đài đã đặt vấn đề với nhà văn Y Điêng, mời ông cộng tác trong việc dịch, đọc tiếng Ê Đê và được ông đồng ý. Vậy là, sau một thời gian thai nghén, lúc 16 giờ 15 ngày 14/3/2002, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh phát sóng chương trình phát thanh tiếng Ê Đê đầu tiên trên sóng FM tần số 98MHz. Chương trình đầu tiên này chỉ có 7 tin và một bài đọc “chay”, gói gọn trong 15 phút, nhưng được nhiều bạn nghe đài hoan nghênh và cổ vũ.

Hơn 17 năm qua, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh đã duy trì đều đặn chương trình phát thanh tiếng Ê Đê trên sóng với tần suất 4 kỳ/tháng. Nội dung chủ yếu phản ánh về những đổi thay của các buôn làng trong xây dựng, phát triển kinh tế; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Giới thiệu cho bà con những cách làm ăn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi sao cho đạt hiệu quả.

Tuyên truyền những chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Vận động, tuyên truyền, giải thích âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch nhằm nêu cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân. Chương trình đã được đồng bào Ê Đê trong huyện hoan nghênh, đón nhận. Theo nhiều già làng và những người uy tín, có chương trình phát thanh tiếng Ê Đê, bà con rất vui vì được nghe tiếng của đồng bào mình, do người mình nói. Chương trình có tác dụng rất lớn trong việc tuyên truyền, giải thích những âm mưu, ý đồ của kẻ xấu để bà con biết và không nghe theo lời xúi giục của chúng.

Đến thời điểm này, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh là đài cấp huyện duy nhất ở tỉnh sản xuất chương trình tiếng dân tộc thiểu số phục vụ hiệu quả nhu cầu thông tin bằng tiếng mẹ đẻ của người Ê Đê trên địa bàn huyện.

Năm 2008, bằng nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ kinh phí trang bị thiết bị truyền hình tiếng dân tộc thiểu số của Trung ương, huyện Sông Hinh đã triển khai dự án Nâng cấp Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện. Công trình gồm 2 hạng mục chính: xây lắp trụ ăng ten và cung cấp thiết bị phát thanh tiếng dân tộc thiểu số với tổng kính phí hơn 1,2 tỉ đồng. Từ dự án này, đài đã được trang bị phần mềm tiếng Ê Đê, nên công tác biên dịch được thuận lợi hơn rất nhiều.

Hiện tại, ngoài việc phát sóng chương trình tiếng Ê Đê từ 5 giờ 15-5 giờ 30 sáng và từ 16 giờ 45-17 giờ chiều, hàng tuần, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh còn tiếp âm chương trình phát thanh tiếng dân tộc của Đài Phát Thanh - Truyền hình tỉnh vào thứ 3 và thứ 6 cũng vào khung giờ như trên.

Các buôn làng vùng sâu vùng xa ở huyện Sông Hinh rất cần thông tin bằng tiếng mẹ đẻ qua hệ thống truyền thanh không dây. ẢNH: NGỌC CƯỜNG

Các buôn làng vùng sâu vùng xa ở huyện Sông Hinh rất cần thông tin bằng tiếng mẹ đẻ qua hệ thống truyền thanh không dây. ẢNH: NGỌC CƯỜNG

Cần sự kết nối giữa đài địa phương và đài Trung ương

Do nhiều yếu tố khách quan, như hạn chế về nhân lực, tài chính nên hiện nay thời lượng phát sóng tiếng Ê Đê của Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh cũng như Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu thông tin bằng tiếng mẹ đẻ của đồng bào Ê Đê.

Hiện nay, nhiều bà con Ê Đê ở Sông Hinh nghe chương trình phát thanh tiếng mẹ đẻ của mình, nhưng chủ yếu nghe qua loa truyền thanh không dây, còn qua radio thì rất ít người nghe. Lý do, chương trình truyền hình với lợi thế hấp dẫn về hình ảnh, cộng với mạng viễn thông phát triển, nên phần lớn giới trẻ đồng bào dân tộc thiểu số tìm kiếm thông tin qua ti vi, điện thoại thông minh. Dẫu vậy, thông tin bằng tiếng Ê Đê vẫn được ưa chuộng. Và loa truyền thanh không dây vẫn phát huy tác dụng tích cực. Trong khi đó, đài cấp huyện ở vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số chỉ tiếp sóng đài tỉnh và chương trình thời sự của Đài Tiếng nói Việt Nam, chứ không tiếp sóng chương trình tiếng dân tộc.

Để đáp ứng nhu cầu nghe đài bằng tiếng mẹ đẻ của bà con Ê Đê, đề nghị các ban ngành chức năng liên quan cần có cơ chế kết nối giữa đài địa phương và đài Trung ương trong sản xuất, phát sóng chương trình tiếng dân tộc.

Trước hết, cần có cơ chế cụ thể về tiếp, phát sóng chương trình tiếng dân tộc thiểu số từ đài Trung ương, đài tỉnh, huyện tới các đài cơ sở (đài xã). Hệ thống cụm loa không dây của các đài xã nhiều nơi đã hư hỏng, hiệu quả hoạt động thấp.

Thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn huyện Sông Hinh có 46 trong tổng số 152 cụm loa bị hư hỏng. Vì vậy, việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp các cụm truyền thanh không dây phải được làm ngay. Bởi khi khâu thông tin thông suốt thì mới đến được tai người dân.

Về sản xuất nội dung, đài Trung ương cần hỗ trợ tích cực, phải là “nhạc trưởng”, kết nối các đài địa phương có cùng chương trình tiếng dân tộc để trao đổi chương trình, đặc biệt là các chương trình ca nhạc, giải trí bằng tiếng dân tộc, làm giàu tài nguyên cho mỗi đài và người được hưởng lợi chính là thính giả. Việc chuyển âm thanh, chương trình trong thời công nghệ số, thời internet hiện nay không còn rào cản nào, chỉ cần cơ chế và cách làm cụ thể.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần điều chỉnh chính sách đưa thông tin về vùng dân tộc thiểu số, cấp phát, hoặc bán rẻ radio cho đồng bào, bởi đây vẫn là phương tiện truyền thông dễ sử dụng, tiện lợi trong điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân những vùng khó khăn.

NGỌC CƯỜNG

(Trưởng Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/229293/phat-song-chuong-trinh-tieng-dan-toc--dua-y-dang-den-gan-hon-voi-long-dan.html