Phát thanh và Hòa bình
Ngày phát thanh thế giới là một diễn đàn để gắn kết và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các đài phát thanh trên thế giới cũng như tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và khuyến khích sự phát triển của truyền thông trong thời đại ngày nay.
Kể từ năm 2011 đến nay, các tổ chức truyền thông, các đài phát thanh trên thế giới đã đề xuất nhiều ý tưởng cho hoạt động kỷ niệm ngày này trên khắp thế giới.
Năm 2023, UNESCO cùng với Viện Phát triển Phát thanh Truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương lựa chọn chủ đề của Ngày Phát thanh thế giới là “Phát thanh và Hòa bình”. Phát thanh giúp cung cấp thông tin, khuyến khích đưa ra các sáng kiến về hòa bình, kêu gọi sự chung tay, nỗ lực giải quyết mâu thuẫn, xung đột thông qua các giải pháp hòa bình. Phát thanh tạo ra không gian cho các cuộc đối thoại, trao đổi, cho phép mọi người thể hiện, bày tỏ quan điểm về những vấn đề họ quan tâm. Phát thanh chính là đại diện cho tiếng nói của những cộng đồng, những nhóm người yếu thế trong xã hội, góp phần làm giảm căng thẳng, ngăn chặn xung đột trước khi mâu thuẫn bùng phát thành bạo lực, nâng cao nhận thức, hoặc đưa ra các cảnh báo kịp thời về các yếu tố có thể gây ra mâu thuẫn, căng thẳng ở một số khu vực nhất định, xóa bỏ những hiểu lầm, xây dựng lại niềm tin thông qua các chương trình phát thanh cụ thể.
Chủ đề “Phát thanh và Hòa bình” năm nay nhấn mạnh vai trò của phát thanh trong việc thúc đẩy sự gắn kết, sự cảm thông, chia sẻ, lên tiếng chống lại sự bất công trong xã hội, cùng nhau giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp để hướng tới xây dựng một xã hội hòa bình và nhân ái.
Nhân dịp này, UNESCO kêu gọi và phát động các Đài Phát thanh trên thế giới đưa ra các sáng kiến và triển khai thực hiện các hoạt động để kỷ niệm sự kiện có ý nghĩa này. Năm nay, Viện Phát triển Phát thanh truyền hình Châu Á – Thái Bình Dương (AIBD) sẽ tổ chức một hội thảo trực tuyến vào ngày 16/2/2023 với chủ đề: “Hướng tới hòa bình: Sức mạnh của Phát thanh”.
Ngày Phát thanh Thế giới 13/2 ra đời từ ý tưởng của UNESCO vào năm 2011 nhằm mục đích thúc đẩy nhận thức của công chúng về vai trò của phát thanh, đẩy mạnh mạng lưới hợp tác giữa các tổ chức phát thanh, tôn vinh những đóng góp của đài phát thanh trong đời sống xã hội của toàn nhân loại, trong nhiều thời khắc lịch sử của từng quốc gia…
Ngày phát thanh thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012 và mỗi năm UNESCO chọn một chủ đề liên quan đến xu hướng phát triển của phát thanh như: Bình đẳng giới, Sự tham gia của thanh niên, Phát thanh trong các tình huống nhân đạo và thiên tai, Phát thanh chính là Bạn; Phát thanh và Thể thao; Đối thoại, Khoan dung và Hòa bình...
Theo UNESCO, Đài phát thanh vẫn luôn là một phương tiện truyền thông phổ cập toàn cầu, có tính đồng nhất, đặc biệt là phổ cập tới những khu vực nghèo, khu vực chưa được quan tâm đầy đủ, khu vực nông thôn và những khu vực khó tiếp cận, ở những nơi đó, đài phát thanh vẫn là một trong số ít những nguồn thông tin giải trí sẵn có, chi phí thấp mà lại đáng tin cậy. Đối với một số khu vực, đây còn là nguồn thông tin duy nhất. Phát thanh trao cho tất cả mọi người, không kể trình độ học vấn hay địa vị kinh tế xã hội, những cơ hội để tưởng tượng, để giải trí và để tham gia vào những cuộc tranh luận công khai, tương tác trên làn sóng. Các Đài Phát thanh từ khắp mọi nơi trên thế giới cùng nhau sản xuất, nhằm tôn vinh giá trị của phát thanh trong việc xây dựng một thế giới hòa bình./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phat-thanh-va-hoa-binh-post1000062.vov