Phát triển 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cần giải pháp đột phá

Mặc dù ghi nhận những tín hiệu khởi sắc trong năm 2024, thị trường nhà ở xã hội vẫn đang đối mặt với không ít thách thức, từ thủ tục pháp lý, quỹ đất đến nguồn vốn. Theo các chuyên gia, nếu không có những giải pháp đột phá, mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2025 sẽ khó có thể về đích.

nếu không có những giải pháp đột phá, mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2025 sẽ khó có thể về đích.

nếu không có những giải pháp đột phá, mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2025 sẽ khó có thể về đích.

Nhà ở xã hội tăng tốc, nhưng chưa đủ

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, thị trường nhà ở xã hội trong năm 2024 đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2025. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều thách thức cần được giải quyết để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng của người dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp.

Số liệu từ Bộ Xây dựng cho thấy, tính đến thời điểm hiện tại, cả nước đã triển khai 657 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 597.000 căn. Trong đó, 103 dự án đã hoàn thành, cung cấp hơn 66.700 căn hộ cho thị trường. Đặc biệt, năm 2024 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc so với năm 2023, với số lượng dự án hoàn thành tăng khoảng 146%, dự án được cấp phép và khởi công xây dựng tăng khoảng 113% và số lượng dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư tăng khoảng 201%.

Ông Chử Văn Hải - Trưởng phòng Phát triển và Quản lý nhà ở xã hội, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: "Tổng số căn hộ chúng ta đã khởi công và hoàn thành đến nay đạt khoảng 45% so với mục tiêu đến năm 2025. Đây là một kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội".

Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận rằng, so với nhu cầu thực tế, kết quả này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có thể kể đến thời gian triển khai dự án. Do Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mới được phê duyệt năm 2023, các bộ, ngành, địa phương và chủ đầu tư cần thêm thời gian để hoàn thiện các thủ tục, quy hoạch, bố trí quỹ đất và triển khai dự án.

Theo quy định, các dự án nhà ở xã hội cũng phải trải qua các thủ tục tương tự như các dự án khác, dẫn đến thời gian triển khai kéo dài. Quá trình từ khi khởi công đến khi hoàn thành dự án thường mất từ 1 đến 2 năm.

Trong khi đó cũng theo ông Hải, mặc dù nhiều địa phương đã bố trí quỹ đất cho nhà ở xã hội, nhưng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn ngân sách và thủ tục lựa chọn chủ đầu tư phức tạp.

Ông Lê Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đất đai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, Luật Đất đai và Luật Nhà ở còn có những bất cập, đặc biệt là quy định về việc giao đất và đấu thầu dự án nhà ở xã hội, gây mất thời gian và kéo dài tiến độ. Bên cạnh đó, việc quy hoạch quỹ đất cho nhà ở xã hội trước đây còn mang tính thụ động, dẫn đến tình trạng thiếu hụt quỹ đất ở những khu vực có nhu cầu cao.

Đề xuất thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia

Để giải quyết những thách thức trên, TS. Cấn Văn Lực đề xuất nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia, với các nguồn vốn đa dạng như ngân sách nhà nước, trái phiếu, tiền tiết kiệm của người mua nhà và vốn từ các tổ chức tài chính. Quỹ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tài chính cho các dự án nhà ở xã hội, giúp giảm chi phí và tăng khả năng tiếp cận nhà ở cho người có thu nhập thấp.

Ông Lê Văn Bình nhận định, việc sử dụng Quỹ để xây dựng trực tiếp các dự án nhà ở xã hội là không khả thi do nguồn lực hạn chế. Thay vào đó, ông đề xuất sử dụng quỹ này cho công tác thu hồi mặt bằng và tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án nhà ở xã hội.

"Cần tập trung sử dụng Quỹ phát triển nhà ở quốc gia một cách hiệu quả. Việc "rót" toàn bộ quỹ vào phát triển dự án sẽ không đủ, bởi không có nguồn quỹ nào đủ lớn để đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội hiện tại", ông Bình lưu ý.

Cho rằng Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia chỉ nên đóng vai trò "vốn mồi" quan trọng để thu hút đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, ông Bình nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải xây dựng cơ chế hoàn vốn rõ ràng để đảm bảo tính bền vững của Quỹ. Để triển khai hiệu quả, ông đề nghị cần có các quy định và hướng dẫn cụ thể, đưa vào dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Chử Văn Hải cho biết, Bộ đang nghiên cứu và xây dựng đề án thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia với mục tiêu hình thành quỹ nhà ở cho thuê, hỗ trợ lãi suất cho chủ đầu tư và hỗ trợ địa phương giải phóng mặt bằng. Quỹ này sẽ hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận, công khai, minh bạch và hiệu quả.

"Về vấn đề nguồn vốn, chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu khả năng huy động từ ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các nguồn thu và mô hình thu từ quỹ phát triển đất cũng đang được xem xét kỹ lưỡng. Sau khi tổng hợp, chúng tôi sẽ xác định các nguồn vốn bổ sung ngoài ngân sách và trình báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt", ông Chử Văn Hải chia sẻ.

Hải Yến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/phat-trien-1-trieu-can-ho-nha-o-xa-hoi-can-giai-phap-dot-pha-162259.html