Phát triển bền vững chăn nuôi đại gia súc

Với lợi thế về diện tích đồng cỏ, nguồn lao động, kinh nghiệm lâu năm nên Lộc Ninh là huyện có điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi đại gia súc. Hiện toàn huyện có hơn 12.000 con trâu, bò được nuôi ở hầu hết các xã, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Việc phát triển chăn nuôi trâu, bò không chỉ là giải pháp giảm nghèo hiệu quả mà còn giúp nhiều hộ dân có thu nhập ổn định, vươn lên khá, giàu.

BÀI 1

THU NHẬP ỔN ĐỊNH TỪ CHĂN NUÔI

Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ngoài hỗ trợ xây nhà ở và các nhu cầu thiếu hụt thì hỗ trợ bê, bò giống cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhờ tận dụng nguồn thức ăn dồi dào cùng với lực lượng lao động sẵn có nên việc hỗ trợ, phát triển đàn gia súc đã giúp hàng trăm hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

TRAO “CẦN CÂU CƠM”

Là xã được đầu tư cán đích nông thôn mới (NTM) năm 2021 nên từ đó đến nay, Lộc Khánh đã được Nhà nước hỗ trợ 60 cặp bê giống cho 60 hộ dân, mỗi hộ 2 con, mỗi con trị giá 20 triệu đồng. Ấp Chà Đôn được hỗ trợ nhiều nhất với 20 cặp/20 hộ. Trưởng ban công tác mặt trận ấp Chà Đôn Lâm Khên vui mừng chia sẻ: Nhờ diện tích đồng cỏ rộng cũng như biết cách chăm sóc nên 100% số hộ được hỗ trợ bê giống nay đã có bò sinh sản. Đơn cử như 2 cha con tôi, nhờ Nhà nước hỗ trợ bê cuối năm 2021, nay đã nhân đàn lên 4 con/hộ và sắp tới nhân lên 6 con/hộ. Cùng với hỗ trợ nhà ở, tivi, xe máy, nông cụ sản xuất thì việc hỗ trợ bê giống là “cần câu cơm” giúp 20 hộ dân trong ấp thoát nghèo.

Huyện Lộc Ninh có diện tích đồng cỏ rộng lớn là lợi thế phát triển chăn nuôi đại gia súc

Huyện Lộc Ninh có diện tích đồng cỏ rộng lớn là lợi thế phát triển chăn nuôi đại gia súc

Việc hỗ trợ bê giống và các dự án hỗ trợ khác đã giúp nhiều hộ DTTS ở xã Lộc Khánh vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ 87 hộ nghèo năm 2021, đến đầu năm 2023, xã Lộc Khánh giảm còn 33 hộ nghèo. Đây là điều kiện để Lộc Khánh cán đích NTM năm 2021 và đang từng bước hoàn thành xây dựng NTM nâng cao.

Là địa phương được đầu tư về đích NTM năm 2023, thời gian qua, 50 hộ nghèo, cận nghèo ở xã Lộc Phú được hỗ trợ 100 con bê giống, mỗi hộ 2 con. Nhờ phát huy thế mạnh sẵn có nên hiện nay số bê giống hỗ trợ đều khỏe mạnh, lớn nhanh, trong đó nhiều hộ đã có bò sinh sản. Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú Trần Văn Tiến cho biết, việc phát triển chăn nuôi đại gia súc được khuyến khích bởi địa phương có nhiều khu đất trống, thuận lợi trồng cỏ chăn nuôi, đồng thời lấy phân bón cây trồng, tạo vòng tuần hoàn khép kín hiệu quả.

Thống kê từ năm 2021 đến nay, 200 hộ nghèo ở huyện Lộc Ninh được Nhà nước hỗ trợ bê giống, mỗi hộ 2 con, mỗi con trị giá 20 triệu đồng; 100 hộ nghèo, khó khăn được hỗ trợ bò giống nuôi luân phiên, mỗi hộ 2 con, mỗi con trị giá 40 triệu đồng. Sau khi bò sinh sản, bê con đủ điều kiện tách mẹ sẽ chuyển giao bò mẹ cho hộ khác nuôi... Đến nay, phần lớn các hộ được hỗ trợ bê và bò giống đều đã có bò sinh sản, nhân đàn.

TĂNG ĐÀN GIA SÚC

Không chỉ giúp nhiều hộ vươn lên thoát nghèo từ hỗ trợ bê, bò giống mà việc phát triển chăn nuôi đại gia súc đang mang lại nguồn thu ổn định cho nhiều nông hộ ở huyện Lộc Ninh.

Lộc Ninh có diện tích đồng cỏ rộng lớn là lợi thế cho phát triển chăn nuôi đại gia súc

Lộc Ninh có diện tích đồng cỏ rộng lớn là lợi thế cho phát triển chăn nuôi đại gia súc

Có 1 ha đất sản xuất nên trước đây gia đình ông Vũ Văn Huỳnh ở ấp Sóc Rung, xã Lộc Phú trồng tiêu, cà phê phát triển kinh tế nhưng không mấy hiệu quả. Khoảng 5 năm trở lại đây, gia đình chuyển sang trồng cỏ, xây dựng chuồng trại nuôi trâu sinh sản và bò vỗ béo thương phẩm. Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật cũng như chăm sóc tốt nên đàn trâu, bò lớn nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế cao với thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Điều đặc biệt là chất lượng đàn gia súc luôn đảm bảo nên không lo về đầu ra.

Cách gia đình ông Huỳnh không xa là trang trại nuôi gia súc quy mô lớn của nông hộ Trịnh Lan Hương. Trước đó, gia đình bà Hương cũng từng trồng tiêu, cao su nhưng không hiệu quả rồi chuyển sang chăn nuôi. Hiện trang trại của gia đình bà có 200 con dê, 50 con bò và 400 con heo rừng lai với lợi nhuận khoảng 1 tỷ đồng/năm. Theo kinh nghiệm của bà Hương, để nghề chăn nuôi phát triển bền vững, gia đình luôn thực hiện phương châm “tự cung, tự cấp”, tức nguồn thức ăn và giống phần lớn tự sản xuất, vừa đảm bảo chất lượng vừa phòng, chống dịch hiệu quả. Đặc biệt, người chăn nuôi không được dao động, lo lắng trước thị trường giá cả mà kiên trì chăm sóc tốt, đảm bảo chất lượng thật.

Tại ấp Ba Ven, xã Lộc Khánh, nhờ có diện tích đồng cỏ rộng nên phần lớn các hộ dân phát triển chăn nuôi kết hợp làm ruộng, vườn. Hiện toàn ấp có 120 con trâu, 150 con bò, hộ nuôi nhiều nhất 30 con, ít nhất 4 con. Ông Lâm Mây, Trưởng ấp Ba Ven khẳng định: “Trước đây hoàn cảnh khó khăn, trình độ hạn chế nên bà con thường bán trâu, bò để lấy tiền tiêu xài nhưng nay đã khác. Nhận thấy hiệu quả từ chăn nuôi trâu, bò nên hộ nào nhiều hoặc trâu, bò không sinh sản được mới bán một vài con để trang trải cuộc sống, số còn lại đều để lại nuôi nhân đàn”.

Trong số các xã trên địa bàn huyện Lộc Ninh thì Lộc Hòa là địa phương có số lượng trâu, bò nhiều và phát triển nhanh, mạnh nhất. Hiện toàn xã có khoảng 4.000 con trâu, bò; thời gian gần đây, số lượng đàn gia súc tăng nhanh, mỗi năm khoảng 300 con. Từng là hộ nghèo, khó khăn nhưng nhờ siêng năng, kiên trì và kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm nên giờ đây các hộ anh Điểu Vức, Điểu Ngân, Điểu Xuyên, Điểu Dụng có kimh tế khá, giàu từ nuôi trâu, bò, quy mô mỗi hộ 40 con.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hòa Đậu Xuân Ngọc cho biết, ngoài các điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi đại gia súc thì trâu, bò còn là động vật có khả năng chống chịu bệnh tật tốt, không đòi hỏi cao về kỹ thuật nuôi, trong khi thị trường tiêu thụ khá ổn định. Đặc biệt, người dân địa phương nuôi trâu, bò thường kết hợp trồng lúa nên đem lại lợi ích kép. Đó là tận dụng các phế phẩm từ lúa để chăn nuôi và lấy phân trâu, bò để bón cho lúa.

CẦN BÌNH TĨNH TRƯỚC THỊ TRƯỜNG

Giá trâu, bò thương phẩm thời gian gần đây lên xuống thất thường do việc nhập khẩu gia súc từ biên giới vào nhiều. Trước tình trạng này, chính quyền, ngành chức năng khuyên người chăn nuôi bình tĩnh bám trụ, không dao động trước diễn biến thị trường, bởi nếu bán ồ ạt thời điểm này không khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”.

Với nhiều năm kinh nghiệm cũng như qua thời gian dài theo dõi diễn biến giá cả, cách thức chăn nuôi, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Phú Trần Văn Tiến cho rằng, giá chăn nuôi bất ổn là do thời gian qua bò từ Thái Lan nhập qua nhiều; cách thức chăn nuôi của họ khác xa mình dẫn đến giá thấp. Trong khi đó, hiện giá thức ăn chăn nuôi, nhân công trong nước tăng cao, nhưng giá bán thương phẩm không tăng, lợi nhuận đạt thấp. Tuy nhiên, không vì thế mà bỏ cuộc, phải cải tiến cách thức chăn nuôi, tận dụng những lợi thế sẵn có, không nhân rộng nhưng phải duy trì đàn.

Bò thương phẩm Thái Lan thời gian qua có nhập vào Việt Nam qua một số đường, trước đó có nhập từ Campuchia, Lào nhưng thị hiếu của người Việt Nam vẫn ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Bởi trên thực tế bò thương phẩm chưa cung cấp đủ, chưa hướng đến xuất khẩu nên nông dân không vội băn khoăn, lo lắng. Giá thịt bò luôn ổn định, không xuống quá thấp nên bà con cứ yên tâm chăn nuôi.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh PHẠM HUY HÂN

Tình trạng nhập lậu, vận chuyển trái phép trâu, bò qua biên giới vào Việt Nam diễn ra khá phổ biến, phức tạp trong thời gian qua. Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lưu ý, việc nhập lậu trâu, bò vào Việt Nam có thể làm gia tăng nguy cơ lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm. Hơn nữa, trâu, bò nhập lậu không rõ nguồn gốc, có thể được cho ăn các sản phẩm cấm dùng trong chăn nuôi, không bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân. Bộ đề nghị các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương khẩn trương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò, hợp thức hóa nguồn gốc, làm giả giấy tờ kiểm dịch vận chuyển ra khỏi địa bàn cấp tỉnh.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/142746/phat-trien-ben-vung-chan-nuoi-dai-gia-suc