Phát triển bền vững chăn nuôi đại gia súc
Nếu không quản lý tốt, việc phát triển của ngành chăn nuôi sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, sức khỏe, đời sống con người. Vì vậy, muốn phát triển bền vững thì công tác xử lý môi trường trong chăn nuôi phải được thực hiện đồng bộ, triệt để, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, việc giải quyết, xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi nông thôn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm vào cuộc, thực hiện hiệu quả.
BÀI CUỐI
PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI GẮN VỚI BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
MỞ HƯỚNG GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh được UBND huyện giao thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn; đồng thời theo dõi các chương trình hỗ trợ khác của các sở, ban, ngành, đoàn thể, MTTQ. Ông Phạm Huy Hân, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Qua nắm bắt tâm tư, nguyện vọng thực tế của các hộ dân, nhất là hộ DTTS đều có nhu cầu hỗ trợ bò giống nuôi nhân đàn. Sau khi hỗ trợ, các hộ được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phối giống, cách quản lý chuồng trại, xử lý chất thải, các dịch vụ thú y, chia sẻ kinh nghiệm phòng trị bệnh, chuẩn bị thức ăn trong mùa khô...
Qua nhiều năm hỗ trợ, theo dõi, hướng dẫn, ông Phạm Huy Hân đánh giá: Việc hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo, cận nghèo phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn lao động, kinh tế nông hộ trên địa bàn. Phát triển chăn nuôi không chỉ giải quyết việc làm tại chỗ mà còn tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập, giúp giảm nghèo nhanh và bền vững. Đây là cách tạo sinh kế được Huyện ủy, UBND huyện và các hội, đoàn thể đặc biệt quan tâm.
Bằng giải pháp thiết thực trao “cần câu”, đầu năm 2022, toàn huyện Lộc Ninh có 568 hộ nghèo, đến cuối năm còn 230 hộ, giảm 338 hộ nghèo đa chiều. Phấn đấu đến cuối năm nay, toàn huyện giảm thêm 191 hộ, từ 0,7% còn 0,12%/tổng số hộ dân; trong đó, các xã Lộc Hiệp, Lộc Thạnh, Lộc Thiện, Lộc Thịnh và Lộc Thái không còn hộ nghèo, cận nghèo đa chiều.
XÓA BỎ TẬP QUÁN CHĂN NUÔI LẠC HẬU
Với 46% người DTTS sinh sống, chăn nuôi đại gia súc không chỉ giảm nghèo hiệu quả mà còn đem lại thu nhập ổn định, thậm chí là làm giàu cho nhiều hộ dân xã Lộc Hòa. Tiêu biểu là hộ ông Điểu Ngân với 100 con bò lai sind, hộ Điểu Vức với 30 con bò và trâu… Phát triển chăn nuôi làm thay đổi đáng kể đời sống các hộ đồng bào DTTS, nhưng có tác động tiêu cực đến môi trường do tập quán của bà con chủ yếu nuôi theo hình thức chăn thả rông, buộc nhốt bên cạnh nhà, dưới sàn nhà... Vì vậy, sự vào cuộc của địa phương trong tuyên truyền, vận động để thay đổi nhận thức của người dân trong chăn nuôi đã đem lại kết quả tích cực. Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Hòa Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Bao đời nay, phong tục của người DTTS nơi đây là chăn nuôi thả rông và trước nhà. Để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo xã đã vào cuộc, thành lập các đoàn vận động người dân chăn, nhốt trâu, bò xa nơi ở, giữ vệ sinh môi trường chung. Hiện 100% hộ chăn nuôi đã chuyển chuồng trại ra xa nhà, có hộ còn chuyển vào trong rẫy để chăn nuôi”.
Trên địa bàn huyện Lộc Ninh, xã Lộc Khánh cũng có số lượng đàn trâu, bò nhiều với 196 hộ chăn nuôi/1.300 con, tăng 245 con so với thời điểm năm 2021. Đầu năm 2022, 100% hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn xã được hỗ trợ di dời. Trong đó, xã đã vận động xã hội hóa bê tông 146m2 và 200 ngày công để xây dựng 2 khu nuôi nhốt tập trung cho 13 hộ/97 gia súc do không có đất làm chuồng. Ngoài ra, những hộ khác có số lượng đàn trâu, bò ít và không có đất làm chuồng thì vận động gửi vào chuồng của người thân. “Hiện khu chăn nuôi tập trung vẫn chưa có điện và nước nên lãnh đạo xã đang tìm giải pháp khắc phục, tạo sự yên tâm cho người dân” - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Đỗ Quốc Ngữ chia sẻ.
Để khắc phục tình trạng người dân chăn nuôi gần nhà, thực hiện chủ trương của Huyện ủy, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề và thành lập tổ triển khai thực hiện di dời chuồng trại, điểm buộc gia súc gây ô nhiễm môi trường vùng DTTS. Tổ thực hiện di dời chuồng trâu, bò phối hợp ban, ngành, đoàn thể xã, ấp tuyên truyền trực tiếp đến người dân về việc đảm bảo vệ sinh môi trường trong chăn nuôi. Đồng thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như khó khăn trong việc di dời chuồng trại để đề xuất hỗ trợ. Qua quá trình tuyên truyền, vận động với phương châm “mưa dầm thấm đất”, nhận thức của người dân từng bước thay đổi, cải thiện tốt và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh
Việc di dời chuồng trại gia súc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư trên địa bàn thực hiện theo chỉ đạo của Huyện ủy Lộc Ninh tại Công văn số 218 ngày 14-10-2021. Qua rà soát, toàn huyện có 5.298 hộ nuôi/94.748 con gia súc, trong đó 910 chuồng trại, điểm buộc/4.578 con gia súc gần nhà gây ô nhiễm môi trường cần được di dời, chiếm 17,2% số hộ chăn nuôi toàn huyện. Di dời chuồng trại chăn nuôi hướng đến việc bảo vệ môi trường sống, xây dựng nếp sống văn minh và đảm bảo hoàn thành tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, khu dân cư kiểu mẫu.
Ông Lê Khắc Phú, Phó trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết, thực hiện chỉ đạo của Huyện ủy, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, các địa phương còn cho các hộ dân ký cam kết việc di dời chuồng trại và dựng chuồng trại mới hợp vệ sinh. Đồng thời tiến hành chỉnh trang, cải tạo, san lấp các vị trí chuồng trại, điểm buộc đã di dời; vận động nhân dân nạo vét mương thoát nước, dọn dẹp vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường, đường làng ngõ xóm sạch đẹp, khu dân cư văn minh. Đặc biệt qua việc làm này, nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân được nâng lên, tạo sự đồng thuận cao và chuyển biến rõ nét, tích cực.
Qua quá trình tuyên truyền, vận động, triển khai hỗ trợ, đến cuối tháng 5-2022, 14/14 xã của huyện Lộc Ninh hoàn thành việc di dời chuồng trại gây ô nhiễm môi trường sống khu dân cư. Toàn huyện có 910/910 chuồng trại, điểm buộc được di dời với tổng 4.578 con gia súc, đạt 100%. Tổng kinh phí thực hiện hơn 2,1 tỷ đồng, trong đó hơn 50% do người dân đóng góp đối ứng, số còn lại vận động xã hội hóa và địa phương hỗ trợ.
Ông Lê Khắc Phú khẳng định: “Việc di dời chuồng trại được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ nên đảm bảo đúng số lượng, chất lượng công việc đề ra. Thành công đó là nhờ chủ trương đúng đắn, kịp thời, hợp lòng dân của Ban Thường vụ Huyện ủy. Cùng với đó đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện với nhiều cách làm hay, sáng tạo, linh hoạt, như ghép các hộ nuôi, mượn đất để dựng chuồng cho các hộ ít quỹ đất, hoán đổi công di dời chuồng trại, xây dựng mô hình nuôi nhốt tập trung...”. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn quá trình thực hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế nhất định, như thiếu quỹ đất để xây dựng chuồng trại mới hợp vệ sinh; gia súc được xem là tài sản lớn nên người dân còn e ngại trong việc gửi nhốt, nuôi xa nhà vì sợ mất trộm… Do đó, cùng với việc tiếp tục tuyên truyền, động viên bà con thực hiện, chính quyền các xã vẫn đang tìm giải pháp khắc phục những khó khăn hiện hữu để đảm bảo tính bền vững của quyết sách.