Phát triển bền vững: 'Chìa khóa' cho tăng trưởng dài hạn của doanh nghiệp

Phát triển bền vững đang trở thành nhu cầu tất yếu và là đòi hỏi cấp thiết đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) hiện nay, trong bối cảnh người tiêu dùng toàn cầu đang ngày càng quan tâm nhiều hơn đến phát triển bền vững và có xu hướng ưu tiên lựa chọn sử dụng sản phẩm của các DN phát triển bền vững.

Phát triển bền vững đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu. Ảnh minh họa: S.T

Phát triển bền vững đang trở thành xu hướng phát triển trên toàn cầu. Ảnh minh họa: S.T

Phát triển bền vững là yêu cầu chiến lược của doanh nghiệp

Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, bên cạnh những cam kết nổi bật về tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí methan toàn cầu” và thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”, Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ phấn đấu đưa mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Để thực hiện cam kết đó, chia sẻ tại Diễn đàn DN Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) 2024 với chủ đề “Net Zero 2050: Bồi đắp niềm tin - Kiến tạo chuyển đổi” mới diễn ra, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, Việt Nam đã đưa ra 2 lộ trình để thực hiện đồng thời. Thứ nhất là thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng khả năng chống chịu. Thứ hai là giảm thiểu biến đổi khí hậu bằng cách khử carbon trong quá trình tăng trưởng, thông qua việc cắt giảm theo lộ trình phù hợp lượng phát thải và hướng nền kinh tế theo hướng giảm dần tiêu thụ các nguồn năng lượng thâm dụng carbon. Để thực hiện thành công các lộ trình này, lãnh đạo VCCI nhấn mạnh cần sự chung tay thúc đẩy chuyển đổi đồng bộ của tất cả các bên, trong đó sự tham gia của cộng đồng DN là hết sức quan trọng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) chia sẻ thêm, DN không chỉ là nhân tố đóng góp vào sự thành công của các mục tiêu phát triển bền vững, mà còn thụ hưởng thành quả về uy tín thương hiệu, tăng trưởng dài hạn từ chính chiến lược phát triển bền vững.

Từ góc nhìn DN, ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam cho biết, ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn lối sống xanh và lựa chọn sản phẩm xanh dựa trên phát triển bền vững.

“Theo một số nghiên cứu, hiện nay có khoảng 97% người tiêu dùng toàn cầu mong muốn có một lối sống xanh bền vững, cùng với đó 80% người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm dựa trên tiêu chí phát triển bền vững” - ông Binu Jacob nói.

Trước xu thế phát triển bền vững đang được đề cập mạnh mẽ như hiện nay, một số ý kiến cho rằng, phát triển bền vững là một khoản đầu tư “dài hơi” và có thể không mang lại lợi nhuận ngay lập tức. Thậm chí, nhiều ý kiến còn cho rằng, đầu tư cho phát triển bền vững sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.

Về vấn đề này, ông Binu Jacob cho rằng, phát triển bền vững và lợi nhuận không phải là hai mặt của một đồng xu, mà là hai vế của một phép tính có kết quả bằng nhau. Thiếu một vế, chúng ta sẽ không thể có vế kia. Đặc biệt, các DN không nên coi đầu tư phát triển bền vững là chi phí và làm giảm lợi nhuận, bởi nếu phát triển bền vững đúng cách, sẽ gia tăng lợi nhuận cho DN về lâu dài.

“Trên cơ sở đó, muốn theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững, DN cần được định hướng ngay từ cấp lãnh đạo cao nhất” - ông Binu Jacob nói thêm.

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn DN Phát triển bền vững Việt Nam 2024, do VBCSD thuộc VCCI tổ chức. Ảnh: D.T

Các đại biểu trao đổi tại Diễn đàn DN Phát triển bền vững Việt Nam 2024, do VBCSD thuộc VCCI tổ chức. Ảnh: D.T

Doanh nghiệp chuyển đổi xanh chung sức hiện thực hóa mục tiêu Net Zero

Từ góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trong hành trình hướng tới Net Zero, bên cạnh sự dẫn dắt, định hướng của cơ quan chức năng thì sự sáng tạo, tham gia mạnh mẽ và thúc đẩy chuyển đổi trong cộng đồng DN là rất quan trọng. Điều này thể hiện qua việc thay đổi nhận thức, thay đổi mô hình kinh doanh và lan tỏa lối sống xanh trong cộng đồng DN.

Cụ thể, liên quan đến thay đổi nhận thức, ông Lê Việt Anh cho rằng, trong “cuộc đua” xanh toàn cầu, lãnh đạo DN cần nhìn nhận phát triển bền vững không phải là gánh nặng hay chi phí, mà là sự đầu tư và đón đầu cơ hội. Các lãnh đạo DN cũng cần định nghĩa lại về tiêu chuẩn thành công của DN ngày nay.

“Giờ đây các doanh nhân cần thay đổi tư duy, xác định gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường. Chỉ khi gắn kết được mục tiêu tăng trưởng kinh tế với giảm phát thải khí nhà kính, trung hòa carbon, giảm thiểu việc tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên thì DN mới có được sự phát triển thành công, bền vững trong thời đại ngày nay” - ông Lê Việt Anh khẳng định.

Liên quan đến thay đổi trong mô hình kinh doanh, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế, mô hình kinh doanh truyền thống, kinh doanh “vị lợi nhuận” đã không còn là một lựa chọn tối ưu. Vì vậy, hơn lúc nào hết, DN cần nhanh chóng chuyển đổi sang kinh doanh “vị tự nhiên”. Theo đó, thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, cắt giảm phát thải khí nhà kính… là những hướng đi tiên tiến của DN kinh doanh “vị tự nhiên”. Các DN cũng cần thúc đẩy thực hành khung ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) trong quản trị DN thông qua việc tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các giải pháp công nghệ, chuyển đổi số.

Đặc biệt, cần lan tỏa chuyển đổi xanh trong cộng đồng DN nhỏ và vừa. Hiện nay, 97% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, các DN này cần xác định việc thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững không chỉ dành riêng cho các DN lớn, mà các DN nhỏ và vừa cũng cần phải tích cực và chủ động tham gia vào “cuộc đua” xanh này.

“Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế thông qua việc ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Theo đó, việc tham gia vào các FTA đòi hỏi cộng đồng DN các nước thành viên phải tuân thủ các cam kết đặt ra trong các FTA, trong đó có các tiêu chuẩn cao về bảo vệ môi trường. Do đó, các DN cần chủ động thực hiện chuyển đổi xanh thì mới có thể cạnh tranh và tham gia vào thị trường toàn cầu” - ông Lê Việt Anh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Vinh cũng nhấn mạnh, hướng tới Net Zero, DN không chỉ nghiên cứu mà cần thực hành các hoạt động sản xuất kinh doanh giảm phát thải, bảo vệ môi trường, quan tâm đến quản trị bền vững. Đồng thời, cần tăng cường sự cam kết của hội đồng quản trị trong việc xây dựng và triển khai chiến lược phát triển bền vững trong DN; cũng như chú trọng đầu tư phát triển nguồn nhân lực trong DN để có thể thực hiện thành công các mô hình sản xuất, kinh doanh xanh.

Bên cạnh đó, để giải quyết rào cản về thị trường tiêu thụ sản phẩm xanh, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, các DN cần có những sự sáng tạo trong phương thức kết nối với người tiêu dùng để làm sao thúc đẩy hơn nữa những xu hướng, sự lựa chọn tiêu dùng xanh. Ngoài ra, DN cũng cần quan tâm đến yếu tố đa dạng, bao trùm trong những sáng kiến thúc đẩy phát triển bền vững…/.

DIỆU THIỆN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phat-trien-ben-vung-chia-khoa-cho-tang-truong-dai-han-cua-doanh-nghiep-34528.html