Phát triển bền vững, con đường tất yếu

Phát triển bền vững, trên ba trụ cột chính là kinh tế - môi trường – xã hội, là con đường không thể khác của cộng đồng doanh nghiệp.

Gắn kinh doanh với trách nhiệm xã hội

Sự có mặt của những tên tuổi như PVN, Sabeco, Vingroup, BRG, Geleximco, FPT, T&T… trong các hoạt động vì cộng đồng nhiều năm qua đã trở thành điều hiển nhiên. Sự hiển nhiên này được xác lập bởi ba yếu tố: đây là các doanh nghiệp quy mô hàng đầu Việt Nam, thương hiệu không chỉ có độ phủ lớn trong nước, mà đang khát vọng vươn ra khu vực và thế giới; những người đứng đầu đang là “mạnh thường quân” của nhiều hoạt động vì sự phát triển của đất nước, của xã hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Giải golf từ thiện Vì trẻ em Việt Nam - Swing for the Kids 2023 do Báo Đầu tư tổ chức lần thứ 15, diễn ra vào ngày 21/10 tới dự kiến sẽ thu hút đông đảo doanh nhân, doanh nghiệp tham gia. Họ cũng là những cái tên xuất hiện ở nhiều hoạt động cộng đồng khác. Môi trường kinh doanh khó khăn không cản trở các kế hoạch vì cộng đồng của họ.

Trước đó, trong lúc cả doanh nghiệp và người lao động đồng lòng “thắt lưng buộc bụng” để vượt qua giai đoạn khó khăn vì đại dịch Covid-19, vẫn có hàng trăm tỷ đồng được các doanh nghiệp đóng góp vào các quỹ từ thiện thông qua các tổ chức Trung ương và địa phương…

Việc thể hiện trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp đã tạo tác động lan tỏa cao. Đơn cử, Dự án Trường Hy Vọng (Hope School), nơi nuôi dưỡng các em nhỏ không may mất cha mẹ vì đại dịch Covid-19, do Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình sáng lập, đã bước sang năm thứ hai hoạt động và thu hút sự quan tâm của nhiều “mạnh thường quân”, như Chính phủ Nhật Bản, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới và Việt Nam. Đến nay, nhà trường đã nhận nuôi dạy hơn 300 em nhỏ đến từ mọi miền Tổ quốc. Riêng năm học 2023 - 2024, trường đón thêm 100 học sinh ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Bình, Quảng Trị.

Các dự án CSR (trách nhiệm xã hội) tốt không chỉ mang ý nghĩa xã hội tích cực mà còn có ý nghĩa lớn với nội bộ doanh nghiệp. Nghiên cứu của Deloitte mới đây cho thấy, người lao động cảm thấy gắn kết, hạnh phúc hơn khi làm việc cho các doanh nghiệp, tổ chức đề cao phát triển bển vững, triển khai nhiều chương trình cộng đồng có ý nghĩa.

Một số doanh nghiệp, cơ quan đã dành riêng một ngày để toàn thể cán bộ nhân viên dành thời gian suy nghĩ hoặc đóng góp một hành động thiết thực cho cộng đồng. Họ cũng khuyến khích mỗi nhân viên trực tiếp tham gia vào các hoạt động thiện nguyện, hoặc đóng góp 1 - 2 ngày lương vào các quỹ vì cộng đồng, từ đó, san sẻ với những hoàn cảnh bất hạnh và thực hiện các hoạt động thiện nguyện trên khắp cả nước.

Tại Công ty cổ phần Phân bón Cà Mau, hoạt động CSR được thể hiện qua nhiều chương trình, với 400 tỷ đồng đã được đóng góp cho các hoạt động trách nhiệm xã hội, cộng đồng, vì người lao động. Tổng cộng 1.485 căn nhà đại đoàn kết, 56 công trình trường học, 13 công trình y tế, 22 cây cầu, dự án giao thông nông thôn, nước sạch và vệ sinh môi trường… được Công ty đầu tư xây dựng đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân tại nhiều vùng khó khăn.

Phát biểu tại buổi họp báo công bố giải golf Swing for the Kids 2023 mới đây, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho rằng: “Doanh nghiệp không thể lớn mạnh nếu sống trong một xã hội không phát triển. Doanh nghiệp cũng không thể phát triển trong một môi trường bị hủy hoại. Đó chính là lý do doanh nghiệp cần đề cao các chiến lược phát triển bền vững, trong đó có việc thực hiện trách nhiệm cộng đồng bằng nhiều cách, ngang tầm với chiến lược kinh doanh của công ty. Thế giới ngày nay vận hành theo quy luật, doanh nghiệp nào giúp xã hội phát triển, xã hội sẽ giúp doanh nghiệp đó phát triển”.

Phát triển xanh, lựa chọn không thể khác của doanh nghiệp

Song, các hoạt động vì cộng đồng chỉ là một phần trong chương trình CSR cũng như chiến lược phát triển bền vững của các doanh nghiệp, bên cạnh các trụ cột môi trường và kinh tế.

Tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng trên toàn cầu nhằm giảm phát thải nhà kính, hướng tới mục tiêu trung hòa các-bon và phát triển bền vững. Ở khía cạnh khác, xu hướng phát triển xanh - bền vững đã và đang hình thành “luật chơi” mới trong sân chơi thương mại và đầu tư. Chấp nhận và thích nghi với “luật chơi” đó, doanh nghiệp mới có thể tồn tại và phát triển.

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT chia sẻ, chiến lược tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm, hệ sinh thái hướng tới phát triển xanh đã đem lại nhiều trái ngọt cho FPT ở thị trường nước ngoài. Hiện nhà máy của một hãng sản xuất truyền thống trong ngành công nghiệp ô tô tại Đức đang sử dụng giải pháp nhà máy thông minh của FPT, giúp tối ưu toàn bộ quy trình sản xuất, logistics, vận hành, giảm khí thải, phát thải, tiết kiệm năng lượng.

Trong lĩnh vực xe ô tô điện, FPT phát triển các phần mềm quản lý hệ thống trạm sạc, các phần mềm nhúng chạy trên trạm sạc giải quyết vấn đề tối ưu quản lý, tiêu thụ năng lượng điện. Một số ứng dụng xanh (green apps) của tập đoàn này cùng đối tác phát triển đang được sử dụng phổ biến ở Singapore như Changi (hệ sinh thái tiện ích sân bay và thương mại điện tử), Parkway MyHealth360 (giải pháp số toàn diện cho bệnh nhân)...

Trong khi đó, sản phẩm bao bì nhựa sinh học của Tập đoàn An Phát Holdings xuất sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cách đây 10 năm, khi nhận thấy ô nhiễm rác thải nhựa ngày càng trở nên nhức nhối, An Phát Holdings đã bắt tay vào nghiên cứu vào cho ra đời những sản phẩm nhựa xanh thân thiện với môi trường. Tập đoàn đã đầu tư vào công nghệ, nghiên cứu phát triển, thay đổi dây chuyền sản xuất, đến năm 2015 cho ra đời thương hiệu AnEco với các sản phẩm túi phân hủy sinh học hoàn toàn.

“Với việc đưa AnEco ra thị trường, An Phát Holdings mong muốn thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh diễn ra ngày càng mạnh mẽ góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó tổng giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings chia sẻ.

Tại Sabeco, nhiều năm qua, doanh nghiệp này đã triển khai các sáng kiến về môi trường, xã hội và quản trị thông qua 4 trụ cột phát triển bền vững bao gồm tiêu thụ, bảo tồn, văn hóa và đất nước. Các nhà máy của Sabeco được lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Công ty này cũng nghiên cứu việc tích hợp hệ thống lưu trữ năng lượng tại các nhà máy để quản lý việc gián đoạn nguồn cung. Sabeco cũng nỗ lực tiết kiệm tài nguyên nước và sử dụng nhiên liệu sinh khối từ thực vật…

Dự kiến, trong tháng 10 này, 27 quốc gia thành viên EU sẽ bắt đầu thực hiện thí điểm cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon. Trong ba năm đầu tiên thực hiện cơ chế này, kể từ ngày 1/10/2023, EU mới chỉ yêu cầu doanh nghiệp phải lập tờ khai bóc tách lượng khí thải liên quan đến sản phẩm. Đây là một cách để doanh nghiệp làm quen dần với quy định. Đến tháng 1/2026, cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon bắt đầu được đưa vào song song với việc loại bỏ dần hạn ngạch miễn phí của EU ETS (thị trường mua bán khí phát thải của Liên minh châu Âu).

Để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đến các quy định này.

Việc thực thi các tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) tại Việt Nam được đánh giá là cấp thiết, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài. Bà Đỗ Thị Thu Hà, Trưởng bộ phận tư vấn phát triển bền vững, KPMG Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng đến KPMG chia sẻ họ không thể cam kết đầu tư vào Việt Nam nếu không có sự đảm bảo ít nhất 50% năng lượng tiêu thụ trong hoạt động là năng lượng xanh. Trong lĩnh vực bất động sản, ngày càng nhiều nhà đầu tư yêu cầu đặt trụ sở tại những tòa nhà có chứng chỉ công trình xanh.

ESG đang trở thành một yếu tố quan trọng trong bức tranh phát triển của doanh nghiệp, phản ánh doanh nghiệp có bước đi cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững. Dòng vốn chảy vào các quỹ đầu tư ESG được đánh giá là xu hướng tất yếu khi hàng loạt quốc gia trên thế giới đều tập trung thúc đẩy các tiêu chí ESG nhằm cải thiện chất lượng môi trường và cân bằng xã hội.

Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Dệt may Thành Công (TCM)

Phát triển bền vững là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Trong đó, các chỉ số ESG là yếu tố quan trọng, thể hiện toàn cảnh bức tranh về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ năm 2017, TCM đã xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển kinh doanh (R&D) nhằm đẩy mạnh đầu tư vào nghiên cứu, thử nghiệm, cải tiến để ứng dụng những nguyên liệu tái chế, thân thiện với môi trường, sản xuất ra các loại sợi vải xanh từ vật liệu được làm từ mật mía, bắp, tảo biển, những vật liệu tái chế từ chai nhựa, quần áo cũ, sản phẩm tái chế có nguồn gốc từ gỗ và bột giấy bền vững, đến từ các nguồn được chứng nhận.

Bất kỳ hoạt động sản xuất nào cũng có những tác động đến môi trường xung quanh. Vì thế, chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm các giải pháp giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên và năng lượng.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Ngay từ giai đoạn 2020-2021, khi nền kinh tế còn đang chịu tác động bởi đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đã bàn đến việc chuyển đổi xanh, thúc đẩy nền kinh tế xanh.

Kinh tế tuần hoàn như một giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế.

Doanh nghiệp Việt Nam không nằm ngoài cuộc chơi này, phát triển bền vững cần được ưu tiên.

Thủy Thanh – Hải Minh – Hoàng Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/phat-trien-ben-vung-con-duong-tat-yeu-post331386.html