Phát triển bền vững cùng 'cặp song sinh' chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng, phát triển xanh là bước tiến lớn trong tiến trình văn minh nhân loại. Để phát triển bền vững, thế giới cần thay đổi tư duy, hành động quyết liệt và coi công nghệ đột phá là công cụ cốt lõi để giải bài toán kép bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng.

Trí tuệ con người và công nghệ là chìa khóa

Sáng 17/4, trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) đã diễn phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề “Công nghệ đột phá cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh”, với sự tham gia của lãnh đạo các bộ ngành, đại diện các tổ chức quốc tế, chuyên gia, doanh nghiệp và các địa phương trong và ngoài nước.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề “Công nghệ đột phá cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh”.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại phiên thảo luận cấp Bộ trưởng với chủ đề “Công nghệ đột phá cho chuyển đổi xanh và phát triển bền vững trong kỷ nguyên thông minh”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trí tuệ con người là nguồn tài nguyên vô hạn - đặc biệt khi được kích hoạt trước những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên hay phát thải nhà kính. Trong bối cảnh đó, những công nghệ đột phá như AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (Internet vạn vật), Big Data, chip bán dẫn, công nghệ hydrogen, pin thế hệ mới, công nghệ carbon thấp và tuần hoàn sẽ là động lực quan trọng cho chuyển đổi xanh.

Việt Nam xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là “bộ ba chiến lược” và đã đưa về cùng một đầu mối quản lý Nhà nước để đảm bảo tính đồng bộ, xuyên suốt. Trong đó, AI được xem là công nghệ cốt lõi, giúp tối ưu hóa tài nguyên, nâng cao hiệu quả và giảm thiểu lãng phí trong mọi lĩnh vực, từ sản xuất, nông nghiệp đến quản trị đô thị và đời sống hàng ngày.

“Việt Nam không tiếp cận AI theo hướng thay thế con người, mà để tăng quyền năng cho con người. AI giúp con người làm tốt hơn những việc mà con người giỏi nhất - sáng tạo, cảm xúc, đạo đức và quyết định vì cộng đồng”, Bộ trưởng phát biểu.

"Cặp song sinh" chuyển đổi số và chuyển đổi xanh

Tại phiên thảo luận, các đại biểu nhất trí rằng, chuyển đổi xanh và chuyển đổi số phải đi song hành. Chuyển đổi số giúp tiết kiệm vật chất, giảm tiếp xúc, loại bỏ trung gian và khoảng cách, nhờ đó góp phần thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên.

Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự xanh, các trung tâm dữ liệu - nơi tiêu tốn nhiều điện năng - cũng phải sử dụng năng lượng sạch và vận hành hiệu quả. Việt Nam đặt mục tiêu tất cả trung tâm dữ liệu mới phải có hiệu suất PUE (thước đo hiệu quả tiêu chuẩn cho mức tiêu thụ năng lượng trong các trung tâm dữ liệu) dưới 1.3, ngang với tiêu chuẩn cao nhất thế giới hiện nay.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái xanh toàn diện, bao gồm thể chế xanh, hạ tầng xanh, nhân lực xanh, công nghệ xanh, dữ liệu xanh và văn hóa xanh. Trong đó, công nghệ xanh giữ vai trò quyết định, là động lực phát triển mới.

Tại phiên thảo luận, Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất đáng chú ý nhằm thúc đẩy hợp tác toàn cầu trong chuyển đổi xanh:

- Thành lập Sàn giao dịch công nghệ xanh (Green Tech Sandbox) giữa các quốc gia thành viên P4G, giúp doanh nghiệp và tổ chức tiếp cận nhanh chóng các công nghệ, giải pháp và mô hình chuyển đổi xanh hiệu quả;

- Phát triển mô hình đổi mới sáng tạo mở, kết nối các nhà sáng chế, công ty công nghệ với tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu ứng dụng giải pháp xanh;

- Thúc đẩy xây dựng bộ tiêu chuẩn xanh toàn cầu, làm nền tảng cho đo lường, so sánh và công nhận lẫn nhau giữa các quốc gia.

Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh, chuyển đổi xanh không chỉ là vấn đề của các chính phủ hay doanh nghiệp, mà phải trở thành lối sống của từng người dân. Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, phát triển một trợ lý ảo 24/7 để hướng dẫn người dân sống xanh, tiêu dùng xanh và tiết kiệm tài nguyên có thể là giải pháp truyền thông hiệu quả nhất trong thời đại số.

“Chỉ khi tất cả cùng hành động, cùng chia sẻ công nghệ, cùng cam kết vì tương lai bền vững, chúng ta mới có thể bảo vệ được hành tinh này cho các thế hệ sau”, Bộ trưởng khẳng định.

Chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng AI tại Kenya, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya Soipan Tuya cho biết: “AI không chỉ là công cụ để thúc đẩy các mục tiêu phát triển bền vững mà còn là công cụ giúp chúng ta đối phó với các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Tại Kenya, chúng tôi đã thấy AI giúp tối ưu hóa năng lượng tái tạo và nâng cao sản lượng nông nghiệp thông qua các giải pháp nông nghiệp thông minh”.

Bà Soipan Tuya cũng nhấn mạnh sự quan trọng của việc phát triển các hệ thống AI nội địa và giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài: “Một ví dụ điển hình tại Kenya là M-Pesa, nền tảng thanh toán di động do chính người Kenya phát triển, giúp kết nối tài chính cho những người dân sống ở vùng sâu vùng xa, góp phần tạo ra công ăn việc làm và thúc đẩy tài chính toàn diện”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Kenya còn đề cập đến sự cần thiết phải đầu tư vào giáo dục và phát triển tài năng trong lĩnh vực AI.

“Việc đào tạo kỹ năng AI từ những năm đầu của hệ thống giáo dục là rất quan trọng để tạo ra một lực lượng lao động đủ năng lực, giúp quốc gia giảm bớt sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài và đóng góp vào nền kinh tế số toàn cầu”, Bộ trưởng Kenya nhấn mạnh.

Kết thúc phiên thảo luận, các đại biểu cùng thống nhất rằng chuyển đổi xanh không thể thành công nếu không có sự hợp tác toàn cầu. Một quốc gia không thể xanh khi phần còn lại của thế giới chưa xanh - và ngược lại.

Tại phiên thảo luận, các doanh nghiệp Việt Nam cũng nêu nhận định, chuyển đổi xanh của Việt Nam, được thúc đẩy bởi các chính sách tiến bộ, là hình mẫu truyền cảm hứng cho sự phối hợp hiệu quả giữa chính phủ và khu vực tư nhân trong đổi mới công nghệ và phát triển bền vững.

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện vai trò lãnh đạo đáng khen ngợi trong giảm thiểu rác thải nhựa, với các sáng kiến quan trọng như Kế hoạch Hành động Quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương - đặt mục tiêu giảm 75% rác thải nhựa đại dương vào năm 2030 và loại bỏ nhựa dùng một lần tại các khu vực ven biển. Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong ASEAN thực hiện quy định Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

Chính sách tiên phong này yêu cầu các nhà sản xuất và nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về việc thu gom và xử lý sản phẩm, bao bì sau sử dụng - tạo nền tảng cho nền kinh tế tuần hoàn. Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn đặt mục tiêu biến Việt Nam thành trung tâm đổi mới và đầu tư về công nghệ kinh tế tuần hoàn vào năm 2035.

Lê Kiều Linh/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/phat-trien-ben-vung-cung-cap-song-sinh-chuyen-doi-so-va-chuyen-doi-xanh-post1192683.vov