Phát triển bền vững du lịch Ninh Bình: Tăng yếu tố văn hóa, ưu tiên du lịch xanh
Mặc dù chịu thiệt hại nặng nề bởi đại dịch COVID-19 nhưng ngành du lịch Ninh Bình đã, đang triển khai nhiều giải pháp để thích ứng và quyết tâm phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Dưới đây là cuộc trao đổi của phóng viên qdnd.vn với đồng chí Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình để hiểu rõ hơn về các giải pháp phục hồi hoạt động du lịch trong tỉnh.
Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhìn lại năm 2021, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình?
Đồng chí Bùi Văn Mạnh: Năm 2021, toàn tỉnh chỉ đón được hơn 1,3 triệu lượt khách (bằng 50,47% so với cùng kỳ năm 2020), doanh thu đạt 935 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn phải đóng cửa, thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động; các khu, điểm du lịch phải tạm dừng vì dịch COVID-19. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch tại các hội chợ, hội nghị trong và ngoài nước bị hạn chế. Nhiều hoạt động trong chương trình Năm Du lịch quốc gia 2021 - Hoa Lư, Ninh Bình phải thu gọn. Vấn đề hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp duy trì và phục hồi hoạt động du lịch cũng gặp khó khăn.
PV: Du lịch Ninh Bình sẽ thay đổi như thế nào để thích ứng với dịch bệnh, phục hồi và phát triển trong thời gian tới?
Đồng chí Bùi Văn Mạnh: Ngày 2-2 (tức mồng Hai Tết Nhâm Dần), Khu du lịch sinh thái Tràng An chính thức mở cửa sau thời gian dài không đón khách. Tiếp đó, vào ngày 6-2, Lễ khai hội chùa Bái Đính Xuân Nhâm Dần 2022 được tổ chức với quy mô nhỏ, rút gọn phần lễ và không tổ chức phần hội. Theo thống kê, từ ngày 28 tháng Chạp đến mồng 6 Tết Nhâm Dần, trên địa bàn tỉnh đón gần 180.000 lượt khách, tăng 35,52% so với dịp Tết Tân Sửu 2021.
Để thích ứng với dịch COVID-19, phục hồi phát triển trong năm 2022, ngành Du lịch Ninh Bình đã ban hành bộ 30 tiêu chí cần phải thực hiện trong hoạt động du lịch. Các tiêu chí này sẽ giúp doanh nghiệp căn cứ vào đó để thực hiện, ký cam kết bảo đảm an toàn cho du khách, người lao động cũng như những quy trình xử lý khi có vấn đề xảy ra.
Đặc biệt, ngành Du lịch Ninh Bình đã khai thác và sử dụng khá hiệu quả các nền tảng số, mạng xã hội để quảng bá, tổ chức các tour online hằng tuần; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống thông tin số du lịch Ninh Bình. Trong năm 2022, ngành sẽ tập trung vào công tác hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức từ 15 đến 20 lớp đào tạo bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm công tác quản lý Nhà nước về du lịch...
PV: Ngành Du lịch Ninh Bình phải làm gì để hoàn thành mục tiêu đạt doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng vào năm 2025?
Đồng chí Bùi Văn Mạnh: Trong thời gian tới, ngành Du lịch Ninh Bình tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Trong đó, du lịch Ninh Bình sẽ đầu tư hình thành các khu du lịch quốc gia Tràng An và Kênh Gà-Vân Trình; tăng cường hợp tác công tư, hợp tác quốc tế để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch. Xây dựng các cơ chế, chính sách thông thoáng trong đầu tư cho các dự án du lịch; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về đào tạo nguồn nhân lực; quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch, thương hiệu du lịch. Phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình gắn với hình ảnh, giá trị lịch sử-văn hóa Cố đô Hoa Lư, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An theo hướng chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, có tính dài hạn và cạnh tranh cao.
PV: Du lịch Ninh Bình có cách gì để mời gọi và giữ chân du khách?
Ông Bùi Văn Mạnh: Cùng với việc mở cửa du lịch, để thu hút và giữ chân du khách, ngoài việc nâng cấp hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách đến tham quan, lưu trú, ngành du lịch của tỉnh còn triển khai xây dựng các sản phẩm mới, nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của khách sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Ngành Du lịch Ninh Bình sẽ tập trung nâng cấp phát triển các sản phẩm du lịch mang lợi thế của địa phương, đặc biệt chú trọng các hoạt động như trải nghiệm tại khu phố cổ Hoa Lư, phố cổ Tràng An; khuyến khích các doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm du lịch về đêm độc đáo nhằm níu chân du khách. Du lịch Ninh Bình sẽ tiếp tục đa dạng hóa các sản phẩm bằng cách đưa yếu tố văn hóa vào trong các sản phẩm du lịch hiện có, tăng tính trải nghiệm cho du khách. Ưu tiên phát triển sản phẩm "du lịch xanh", tôn trọng yếu tố tự nhiên và văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư xưa.
Bên cạnh đó, tập trung vào khai thác các tiềm năng, thế mạnh về du lịch biển, sông, hồ, các làng nghề truyền thống, thiết kế; kết nối các sản phẩm tạo thành các tour, tuyến du lịch riêng có... Tin rằng trong năm 2022, ngành du lịch Ninh Bình sẽ phục hồi tích cực.
PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí Giám đốc!