Phát triển bền vững là động lực thúc đẩy doanh nghiệp
Thực thi các hành động, giải pháp hướng tới phát triển bền vững không còn là lựa chọn, mà là xu hướng tất yếu của doanh nghiệp.
“ESG (môi trường, xã hội và quản trị) không còn là lựa chọn, mà đã trở thành xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp”, TS. Lê Thị Hồng Na, Giám đốc chiến lược về phát triển bền vững của CTCP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phuc Khang Corporation) khẳng định tại Hội thảo Phát triển bền vững 2023 với chủ đề “Trách nhiệm - Hành động của chúng ta” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 16/11.
Chia sẻ về hành trình từ CRS (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp) đến ESG của Phuc Khang Corporation, TS. Lê Thị Hồng Na cho biết, việc thực hành ESG không làm thay đổi hoàn toàn tính chất, chiến lược hay hoạt động của Công ty, mà giúp doanh nghiệp nhìn rõ hơn phương hướng và có con đường phát triển phù hợp và bền vững. ESG vừa là thước đo, vừa là động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Có thể nói, trong bối cảnh phát triển bền vững ngày càng trở thành xu thế bao trùm trên thế giới. Không chỉ riêng Phuc Khang Corporation, mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang thực hiện các chiến lược hướng đến phát triển bền vững.
Ông Wong Wai Foo, Giám đốc Bộ phận Tái tạo đô thị bền vững (Tập đoàn Keppel tại Việt Nam) cho biết, doanh nghiệp này đang triển khai công nghệ SUR (tái tạo đô thị bền vững) tại các dự án của mình và sẽ hợp tác với các đối tác tốt nhất trong nước và quốc tế để ứng dụng các giải pháp đô thị sáng tạo như an ninh và di chuyển thông minh, cũng như các giải pháp hạ tầng môi trường vào các dự án.
“Không như tòa nhà mới xây dựng có thể được thiết kế với các công nghệ tiết kiệm năng lượng mới ngay từ đầu, việc triển khai những công nghệ đó cho một tòa nhà đang vận hành hiện tại khó khăn hơn nhiều. Nhưng ở Singapore, chúng tôi đã cải tạo thành công Keppel Bay Tower, tòa nhà 20 năm tuổi để trở thành dự án thương mại đầu tiên sử dụng năng lượng tái tạo để tự cung cấp năng lượng cho mọi hoạt động của tòa nhà”, ông Wong Wai Foo cho hay.
Keppel cũng nhận thấy cơ hội hấp dẫn trong lĩnh vực năng lượng và trung tâm dữ liệu khi kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn ngày càng được quan tâm.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, những phương thức và mô hình phát triển mới như tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cùng với tiến bộ khoa học và công nghệ đang mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều lựa chọn để tăng trưởng nhanh và bền vững.
Tuy nhiên, là một nước đang phát triển, còn rất nhiều khó khăn, Việt Nam cần bước đi, lộ trình phù hợp và cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các nước phát triển, các đối tác về nguồn vốn, đào tạo nhân lực, xây dựng thể chế, công nghệ, quản trị.
Với vai trò là cơ quan đầu mối quốc gia về tăng trưởng xanh, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy, chuyển đổi việc thực hiện các mục tiêu phát trển vững trong thời gian tới.
Đầu tiên là hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định.
“Đồng thời, cần tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững”, Thứ trưởng Phương nói.
Thứ trưởng cũng lưu ý việc huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/phat-trien-ben-vung-la-dong-luc-thuc-day-doanh-nghiep-d203181.html