Phát triển bền vững là mục tiêu của ngành du lịch
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói về giải pháp để ngành du lịch Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh...
Tập trung cải thiện cơ bản điểm yếu về hạ tầng dịch vụ, nâng cao nhóm chỉ số mức độ ưu tiên cho ngành du lịch như mức độ chi tiêu của Chính phủ cho ngành du lịch, mức độ kịp thời của thông tin về du lịch... Ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói về giải pháp để ngành du lịch Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhìn lại thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam được cho là có những bước phát triển vượt bậc. Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển du lịch trong thời gian qua?
Trong những năm qua, du lịch Việt Nam liên tục đạt được những thành tựu quan trọng và là một trong những điểm sáng về kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 2018, du lịch Việt Nam đã đón 15,5 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 80 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch ước đạt 637.000 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp của ngành du lịch ước đạt 8,39% GDP của cả nước. Trong 8 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đã đón 11.309.232 lượt khách, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2018 và tổng thu từ khách du lịch đạt 442.200 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Cùng với đó, ngành du lịch đã nhận được sự quan tâm của toàn xã hội khi thu hút nhiều nguồn lực đầu tư phát triển làm thay đổi cơ bản diện mạo ở nhiều địa phương... Những thành tựu của du lịch Việt Nam đã được các cơ quan, tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận, trong đó nổi bật là "Giải thưởng Điểm đến hàng đầu châu Á" do Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới bình chọn.
Hiệp hội Du lịch Mỹ bình chọn Việt Nam nằm trong danh sách 10 điểm đến mới nổi và 10 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Tạp chí Forbes bình chọn là 1 trong 14 điểm đến của năm 2019...
Tuy có sự tiến bộ vượt bậc nhưng thực tế năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt so với thế giới và ngay trong khu vực ASEAN là chưa cao. Theo ông, chúng ta cần làm gì để nâng cao hơn nữa vị thế của du lịch Việt?
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) (ngày 4/9/2019) đã công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch 2019 cơ bản của 140 nền kinh tế dựa trên các số liệu về kết quả hoạt động năm 2017-2018.
Theo báo cáo, Việt Nam xếp hạng 63/140 nền kinh tế. Nếu so sánh trong Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 5, còn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương Việt Nam đứng thứ 13/22. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh các nước trong khu vực cải thiện hạn chế, thậm chí giảm về thứ hạng.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam, cần tập trung triển khai các giải pháp như: tập trung cải thiện cơ bản điểm yếu về hạ tầng dịch vụ; nâng cao nhóm chỉ số mức độ ưu tiên cho ngành du lịch; nâng cao nhóm chỉ số quan trọng về mức độ mở cửa quốc tế và hạ tầng hàng không, cải thiện năng lực vận chuyển hàng không quốc tế và nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng nhân lực và mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin để thúc đẩy các hoạt động du lịch.
Còn về nguồn nhân lực của ngành du dịch, xin ông cho biết quan điểm về thực trạng, phương hướng khắc phục những hạn chế, cũng như phát huy thế mạnh của nguồn nhân lực?
Vấn đề phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt nhân lực có chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu của tình hình mới. Hiện nay, theo thống kê sơ bộ, ngành du lịch có khoảng 2,5 triệu lao động, trong đó có khoảng 800.000 lao động trực tiếp.
Theo dự báo, năm 2020 ngành du lịch cần khoảng 1 triệu lao động trực tiếp, năm 2025 cần khoảng 1,6 triệu và năm 2030 cần khoảng 2,25 triệu lao động trực tiếp. Như vậy, trong giai đoạn tới mỗi năm ngành du lịch cần bổ sung khoảng 100 ngàn lao động được đào tạo.
Tuy nhiên, vấn đề của ngành du lịch hiện nay là thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao đặc biệt là quản trị cấp cao trong doanh nghiệp du lịch. Trình độ ngoại ngữ của lao động ngành du lịch còn hạn chế, thiếu lao động cục bộ trong mùa cao điểm ở một số trung tâm du lịch...
Do đó, trong thời gian tới phải củng cố, phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo, đặc biệt là ngoại ngữ; đẩy mạnh đào tạo tại chỗ trong các doanh nghiệp, đào tạo trực tuyến...; huy động nguồn lực xã hội trong việc bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực; đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng và sử dụng bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN trong đào tạo du lịch.
Có ý kiến cho rằng, "Phát triển du lịch phải trong tầm kiểm soát, tránh tình trạng 'tăng trưởng nóng' hay 'đánh đổi môi trường'," ông có nhận định như thế nào về ý kiến này?
Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu được đặt ra trong "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050" mà ngành du lịch đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, ngành du lịch phải triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra trong Nghị quyết 08 về phát triển du lịch; đẩy mạnh công tác xúc tiến quảng bá du lịch mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm du lịch; triển khai các chính sách về khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện môi trường; tăng cường phối hợp với các ngành và liên kết giữa các địa phương để phát triển du lịch bền vững...