Phát triển bền vững ngành hàng sầu riêng: Từ tăng trưởng nóng đến chiến lược dài hạn

Chiều 24/5, Hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tổ chức sản xuất, nâng cao năng lực chế biến và kiểm soát chất lượng sầu riêng xuất khẩu.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - Đỗ Đức Duy và Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk - Nguyễn Thiên Văn. Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh - Đinh Thị Phương Khanh chủ trì tại điểm cầu Long An.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sầu riêng đã và đang trở thành một trong những ngành hàng có tốc độ tăng trưởng và xuất khẩu mạnh mẽ nhất của Việt Nam, đặc biệt là sau khi ký kết Nghị định thư với Trung Quốc. Chỉ trong chưa đầy một thập niên, diện tích sầu riêng cả nước đã tăng gấp 6 lần, từ 32.000 ha lên gần 180.000 ha, với sản lượng hơn 1,5 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2024 ấn tượng với 3 tỉ USD, đưa sầu riêng trở thành mặt hàng nông sản có doanh thu xuất khẩu hấp dẫn. Song, ngành hàng này cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.

Tuy phát triển “nóng” về quy mô sản xuất nhưng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Chính sự lệ thuộc này đã khiến hoạt động xuất khẩu dễ bị ảnh hưởng, đặc biệt khi thị trường nhập khẩu có biến động về nhu cầu, chính sách hoặc áp lực cạnh tranh. Năm 2025, Việt Nam dù giữ vị trí nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc nhưng sản lượng và kim ngạch xuất khẩu lại sụt giảm.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Long An

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Long An

Trước thực trạng này, các đại biểu đã phân tích và đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm nhằm phát triển ngành hàng sầu riêng một cách bền vững. Trong đó, nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và mở rộng hệ thống mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn. Hiện cả nước có 1.396 mã vùng trồng và 188 cơ sở đóng gói sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - Đỗ Đức Duy cảnh báo nếu không sớm có những giải pháp quản lý căn cơ và đồng bộ, ngành hàng sầu riêng Việt Nam có thể rơi vào vòng xoáy thừa sản lượng, rớt giá, mất thị trường. Do đó, các địa phương cần khẩn trương rà soát lại các vùng trồng phù hợp, tránh tình trạng mở rộng tự phát, lạm dụng đất rừng và đất dốc; quản lý nghiêm ngặt quy hoạch, không để việc phát triển “nóng” làm tổn hại đến cân bằng sinh thái và an toàn sản xuất.

Bên cạnh đó, việc siết chặt quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói là yêu cầu cấp thiết. Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh phải xác định rõ trách nhiệm của từng chủ sở hữu mã số theo đúng quy định; đồng thời, phát triển hệ thống kiểm soát nội bộ tại từng địa phương. Việc kiểm tra định kỳ, xử lý nghiêm các hành vi gian lận mã số sẽ được quy định rõ trong Thông tư sắp ban hành.

Bên cạnh đó, hỗ trợ doanh nghiệp hình thành chuỗi liên kết khép kín, trong đó cần khuyến khích đầu tư kho lạnh, trung tâm logistics và cơ sở sơ chế hiện đại; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho hợp tác xã và nông dân về quy trình canh tác bền vững và trách nhiệm trong việc duy trì mã số đã được cấp. Đặc biệt, ông đề xuất nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển sầu riêng chất lượng cao nhằm nâng tầm thương hiệu và giá trị sản phẩm trên thị trường quốc tế./.

Thu Nhất - Đức Cảnh

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phat-trien-ben-vung-nganh-hang-sau-rieng-tu-tang-truong-nong-den-chien-luoc-dai-han-a195871.html