Phát triển bền vững nghề đón 'lộc trời'

BPO - Bình Phước có nhiều điều kiện thuận lợi cho chim yến sinh trưởng, phát triển và thực tế có rất nhiều nông hộ, doanh nghiệp thành công từ nghề nuôi chim yến cũng như chế biến các sản phẩm tổ yến. Tuy nhiên, do phần lớn các nhà nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh là tự phát, cơi nới từ nhà ở, nhà nghỉ và gần khu dân cư nên ít nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, nhất là âm thanh phát ra từ loa dẫn dụ. Vì vậy, cần thiết phải quy hoạch vùng nuôi chim yến để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây cũng là điều kiện để nghề đón “lộc trời” phát triển bền vững.

Bài 1:
“ĐẤT LÀNH CHIM ĐẬU”

So với nhiều khu vực khác trong cả nước, Bình Phước được thiên nhiên ưu ái với khí hậu, thời tiết ôn hòa, ít cực đoan. Đặc biệt, Bình Phước có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn với nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn trái - nơi sản sinh nhiều nguồn thức ăn như hoa, trái, vi sinh vật và côn trùng. Đây là những điều kiện thuận lợi cho chim yến đến làm tổ, sinh trưởng và phát triển.

Cơ duyên với “lộc trời”

“Khoảng năm 2002, trên địa bàn xã Tiến Thành (nay là phường Tiến Thành) có một hộ dân xây dựng nhà để ở. Khi căn nhà hoàn thành thì xuất hiện từng đàn chim yến về làm tổ. Để sử dụng hiệu quả nguồn “lộc trời”, gia đình này liên hệ với một tổ chức kinh doanh yến sào tại tỉnh Khánh Hòa đến thu hoạch, tìm đầu ra cho sản phẩm tổ yến. Nhận thấy có hiệu quả nên nhiều hộ dân trên địa bàn làm theo và thực tế rất nhiều hộ đã thành công, bình quân thu từ 3-20kg tổ yến thô/năm” - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đồng Xoài Vũ Văn Mười chia sẻ về nguồn gốc hình thành nghề đón “lộc trời” trên địa bàn.

Tổ 5B, khu khố Tân Trà 2, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài có nhiều nhà nuôi chim yến xây dựng mới hoặc cải tạo, cơi nới từ nhà cũ "mọc" lên san sát nhau

Tổ 5B, khu khố Tân Trà 2, phường Tân Bình, TP. Đồng Xoài có nhiều nhà nuôi chim yến xây dựng mới hoặc cải tạo, cơi nới từ nhà cũ "mọc" lên san sát nhau

Hiện trên địa bàn thành phố Đồng Xoài có khoảng 200 hộ làm nghề dẫn dụ nuôi chim yến, trong đó nhiều hộ kiêm thêm chế biến sản phẩm từ tổ yến thô thành yến tinh để tạo việc làm, tăng nguồn thu. Theo ghi nhận của phóng viên, địa bàn tổ 5B, khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình là khu vực có nhiều hộ dân phát triển nghề dẫn dụ nuôi chim yến. Các nhà nuôi yến ở đây xây dựng san sát, trong đó có nhà xây mới, nhưng cũng có nhà được cải tạo, cơi nới từ nhà ở. Và các chủ nhà yến này không phải ai cũng thường trú tại chỗ mà đến từ nhiều nơi khác.

Anh Phùng Văn Hậu ở khu phố 5, phường Tiến Thành nhưng có nhà dẫn dụ nuôi chim yến tại tổ 5B, khu phố Tân Trà 2, phường Tân Bình khoảng 10 năm nay. Anh Hậu cho biết, muốn có số lượng yến nhiều, tổ yến thô sạch thì phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ khâu kỹ thuật lắp đặt, cách dẫn dụ đến chăm sóc, vệ sinh an toàn dịch bệnh, sơ chế, chế biến. Chỉ một nhà yến nhưng mỗi năm gia đình thu hoạch từ 35-36kg tổ yến thô với giá bình quân từ 23-25 triệu đồng/kg, tùy chất lượng và thời giá. Để tạo việc làm và nâng cao thu nhập, gia đình không bán thô mà sơ chế, loại bỏ tạp chất, sấy khô, đóng gói cung ứng cho thị trường với giá từ 28-30 triệu đồng/kg. “Chúng tôi là nông dân nên so với các ngành nghề khác thì nghề dẫn dụ nuôi chim yến, sơ chế tổ yến cho thu nhập khá cao. Đồng thời giảm chi phí về nhân công và tạo việc làm cho người thân cũng như hàng xóm” - anh Hậu chia sẻ.

Ngoài nuôi chim yến, anh Phùng Văn Hậu ở khu phố 5, phường Tiến Thành còn sơ chế tổ yến bán ra thị trường để tăng nguồn thu

Ngoài nuôi chim yến, anh Phùng Văn Hậu ở khu phố 5, phường Tiến Thành còn sơ chế tổ yến bán ra thị trường để tăng nguồn thu

Không chỉ phường Tân Bình mà nhiều địa bàn khác ở thành phố Đồng Xoài cũng có các hộ dân cải tạo, cơi nới nhà ở để dẫn dụ nuôi chim yến. Năm 2014, gia đình chị Đoàn Thị Phượng, trú khu phố 5, phường Tiến Thành đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng nhà ở, đồng thời tận dụng lầu trên làm nhà dẫn dụ nuôi chim yến. Trung bình mỗi năm gia đình chị thu khoảng 20kg tổ yến thô, tương đương hơn 400 triệu đồng. Chị Phượng chia sẻ, nghề dẫn dụ yến trời cũng hên xui, có duyên thì chim yến về ở với mình nhiều chứ không phải ai cũng thành công. Trong thực tế, có nhiều hộ xây nhà cao to, đầu tư tốn kém nhưng chim chưa vào làm tổ hoặc làm tổ rất ít dù đã vận hành một thời gian dài.

Thu nhập tiền tỷ

So với các địa phương khác, phong trào dẫn dụ nuôi chim yến và sản xuất, chế biến sản phẩm từ tổ yến ở thị xã Chơn Thành những năm gần đây tăng nhanh và phát triển mạnh nhất trong tỉnh, với 297 hộ nuôi. Trong đó, nhiều hộ có kỹ thuật lắp đặt, dẫn dụ cũng như vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh hiệu quả nên cho thu hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/năm từ bán tổ yến. Đặc biệt, thấy hiệu quả kinh tế mà sản vật thiên nhiên này ban tặng, nhiều hộ dân đã phát triển hàng chục nhà dẫn dụ kết hợp với sơ chế, chế biến các sản phẩm từ tổ yến, đem lại nguồn thu rất lớn. “Nhà dẫn dụ nuôi chim yến của gia đình xây dựng cách đây hơn 10 năm. Hiện mỗi tháng cho thu khoảng 10kg tổ yến thô với số tiền hơn 200 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả cao nên những năm gần đây, gia đình tôi làm thêm chuỗi nhà nuôi yến khác tại các tỉnh Lâm Đồng, Gia Lai, Tây Ninh và do còn mới nên nguồn thu ít hơn, khoảng 2kg/tháng” - ông Trần Minh Thơ, chủ nhà dẫn dụ nuôi chim yến ở khu phố 2, phường Hưng Long, thị xã Chơn Thành chia sẻ.

Gia đình ông Thơ là một trong số rất nhiều hộ dân ở Chơn Thành làm giàu từ nghề yến sào. Với 16 ha đất, gia đình ông Đinh Văn Sơn, khu phố 10, phường Hưng Long trồng cây ăn trái kết hợp xây hơn 10 nhà dẫn dụ nuôi chim yến và chế biến các sản phẩm từ tổ yến với tên gọi “Yến sào Thiên Thành” cung ứng ra thị trường, đem lại nguồn thu lớn. Mô hình dẫn dụ nuôi yến của gia đình ông Sơn được xem là hộ có quy mô lớn, khép kín trong vườn nhà tại Chơn Thành.

Không chỉ vậy, nhiều hộ còn thành lập doanh nghiệp kết hợp làm nhiều khâu, công đoạn tạo thêm nguồn thu, việc làm cho lao động địa phương. Điển hình, từ nuôi thí điểm 2 nhà yến vào năm 2015 với tên gọi Cơ sở yến sào Nam Phú, 2 năm sau đó, cơ sở này nâng lên thành Công ty TNHH MTV yến sào Nam Phú ở khu phố 1, phường Thành Tâm, thị xã Chơn Thành. Ngoài dẫn dụ nuôi chim yến, công ty còn tư vấn, lắp đặt thiết bị, xây dựng nhà nuôi, thu mua, bao tiêu sản phẩm tổ yến, sơ chế và làm các sản phẩm từ tổ yến nguyên chất, yến tinh. Với sản phẩm sạch, chất lượng từ thiên nhiên, sản phẩm yến của Công ty TNHH MTV yến sào Nam Phú đã được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 3 sao năm 2020, cung ứng ra thị trường hàng chục kilôgam/tháng. Ngoài ra, tại thị xã Chơn Thành còn thành lập các tổ hợp tác nuôi yến nhằm liên kết để chia sẻ kinh nghiệm nuôi, sơ chế, chế biến và tìm đầu ra ổn định, như Tổ hợp tác nuôi yến ở phường Minh Hưng với 12 thành viên…

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Bình Phước có khoảng 1.400 nhà dẫn dụ nuôi chim yến, tập trung nhiều nhất ở thị xã Chơn Thành, Phước Long, thành phố Đồng Xoài và huyện Bù Đăng. Diện tích mỗi nhà dẫn dụ nuôi chim yến từ 100-200m2, có nhà lên đến 1.000m2. Sản lượng tổ yến cũng không đồng đều và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trung bình khoảng 4kg tổ yến thô/nhà/năm.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Văn Phương cho biết, Bình Phước có khí hậu cũng như điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, nguồn thức ăn dồi dào rất thích hợp cho chim yến phát triển. Trong khi đó, tổ yến là thực phẩm có giá trị cao, đã được chế biến thành nhiều sản phẩm bổ dưỡng cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Hiện nay, Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đang triển khai hướng dẫn xây dựng mã, cơ sở đóng gói chế biến tổ yến đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Từ đó sẽ góp phần tăng thêm giá trị và hiệu quả của ngành yến.

Vũ Thuyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/146298/phat-trien-ben-vung-nghe-don-loc-troi