Phát triển bền vững nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng Việt Nam
Các chuyên gia đều thống nhất rằng thời gian tới cần tiếp tục tập trung phát triển bền vững nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng.
Trong kế hoạch hoạt động năm 2024 của Hiệp hội An ninh mạng quốc gia đã được các thành viên Ban chấp hành thống nhất thông qua tại phiên họp ngày 14/12 vừa qua, một trong những hoạt động sẽ được Hiệp hội này tập trung thời gian tới là tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về an ninh mạng cho các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trong đó, nội dung trang bị cho các tổ chức, cá nhân sẽ tập trung vào các chủ đề mang tính thời sự đang được người dân, cộng đồng quan tâm như nhận diện lừa đảo, bảo vệ trẻ em, người lớn tuổi, cẩm nang, kỹ năng an ninh mạng.
Bên cạnh đó, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia cũng lên kế hoạch trong thời gian tới xây dựng Đề án thành lập Mạng lưới đào tạo, huấn luyện an ninh mạng trực thuộc tổ chức này để cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, nâng cao trình độ, nhận thức, kiến thức, chứng chỉ, kỹ năng về an ninh mạng cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Trao đổi tại phiên họp lần thứ nhất của Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng, các thành viên Ban chấp hành đều thống nhất rằng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực an ninh mạng là một nhiệm vụ cần được tập trung, chú trọng.
Theo đại diện Bộ TT&TT, qua việc triển khai đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin” những năm qua, số liệu thống kê cho thấy trong 5 năm tới Việt Nam vẫn sẽ thiếu hụt nhân lực làm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Vì thế, Hiệp hội An ninh mạng nên xem xét để chủ trì tổ chức các cuộc thi về an ninh mạng cấp quốc gia dành cho đối tượng học sinh và sinh viên, qua đó giúp khơi dậy, tạo nguồn nhân lực đầu vào cho lĩnh vực này.
Thiếu tướng Bạch Thành Định, nguyên Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho rằng, để xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng cần xác định đối tượng tuyên truyền, đặc biệt là học sinh, sinh viên, do đó cần tạo kết nối với Bộ GD&ĐT để đào tạo ra những công dân có kiến thức và hiểu biết pháp luật về không gian mạng.
Cùng với đó, Thiếu tướng Bạch Thành Định cũng đề xuất, để xây dựng lực lượng chuyên trách, có thể huy động khi cần thiết, Hiệp hội An ninh mạng cần nghiên cứu việc xây dựng mạng lưới liên kết các chuyên gia an ninh thông tin có khả năng hoạt động trên không gian mạng.
Với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA, trong hơn 16 năm hoạt động, góp phần phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin luôn là một định hướng, chủ trương hoạt động quan trọng của tổ chức này.
Trên thực tế, với nhiều chương trình thiết thực, VNISA đã và đang có những đóng góp lớn vào việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhân lực an toàn thông tin mạng Việt Nam.
Cụ thể, trong năm 2023, VNISA đã tiếp tục tổ chức các cuộc thi “Học sinh với An toàn thông tin”, “Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN”.
Việc duy trì thường niên việc tổ chức các cuộc thi này đã góp phần thực hiện có hiệu quả các đề án “Tuyên truyền nâng cao nhận thức và phổ biến kiến thức về an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” và “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin giai đoạn 2021 - 2025” của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng trong năm 2023, VNISA đã tổ chức 2 khóa đào tạo về an toàn thông tin mạng cho chuyên gia của các đơn vị hội viên và đối tác về chủ đề “Phòng chống, xử lý mã độc” và “Kỹ năng kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin”.
Qua các khóa đào tạo này, kiến thức và khả năng chuyên môn của các học viên thuộc các tổ chức, doanh nghiệp đã được nâng cao hơn.
Trong phương hướng hoạt động năm 2024, bên cạnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động thường niên, trong đó có 2 cuộc thi “Sinh viên với An toàn thông tin ASEAN” dành cho sinh viên các trường đại học, học viện của các nước trong khu vực và “Học sinh với An toàn thông tin” dành cho học sinh THCS trên toàn quốc, VNISA cũng dự kiến sẽ tập trung đào tạo và cấp chứng chỉ của VNISA cho một số chuyên đề đào tạo an toàn thông tin.
Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế và nước ngoài trong lĩnh vực an toàn thông tin, đặc biệt là các hoạt động liên quan tới phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực an toàn thông tin mạng, thời gian qua, Bộ TT&TT, trực tiếp là Cục An toàn thông tin đã có nhiều giải pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực an toàn thông tin, đặc biệt đội ngũ nhân sự làm an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước.
Trong đó, có việc triển khai các nhiệm vụ của đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin các giai đoạn 2016 – 2020 và 2021 – 2025; đào tạo chuyên sâu về an toàn thông tin khoảng 6.000 lượt người mỗi năm cho các cơ quan nhà nước; xây dựng và ban hành chuẩn kỹ năng an toàn thông tin...
Nhiều giải pháp để hướng tới phát triển bền vững nguồn nhân lực bảo vệ an toàn không gian mạng Việt Nam sẽ tiếp tục được Bộ TT&TT phối hợp cùng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tập trung thời gian tới, như: đào tạo cho mỗi địa phương 1 chuyên gia kỹ thuật; tổ chức sát hạch, đánh giá năng lực nhân sự an toàn thông tin theo chuẩn kỹ năng.
Bên việc chủ trì các chương trình diễn tập thực chiến quy mô quốc gia, Bộ TT&TT cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn các cơ quan nhà nước tổ chức diễn tập trên hệ thống thật tối thiểu 1 lần/năm để qua đó nâng cao năng lực đảm bảo an toàn thông tin, ứng phó sự cố của đội ngũ nhân sự làm an toàn thông tin.