Phát triển bền vững rừng Tây Nguyên

Nhờ cơ chế, chính sách hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, thời gian qua, diện tích rừng toàn khu vực Tây Nguyên đã tăng trở lại. Tuy nhiên, tại một số địa phương tình trạng khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra, đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật và cộng đồng xã hội cần nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong thời gian tới...

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Chư Yang Sin phối hợp người dân xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông, Đác Lắc) tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: CÔNG LÝ

Lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Chư Yang Sin phối hợp người dân xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông, Đác Lắc) tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: CÔNG LÝ

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước

Ngày 18-3-2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 297/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016-2030”. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên đã thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên, không giao chỉ tiêu khai thác rừng theo phương án quản lý rừng bền vững; không cấp phép khai thác tận thu, tận dụng lâm sản trên diện tích rừng tự nhiên đã có quyết định chuyển đổi nhưng chưa thực hiện khai thác tận dụng. Đồng thời, giám sát, quản lý chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Các địa phương đã từng bước tổ chức quản lý hiệu quả các cơ sở chế biến lâm sản. Về cơ bản, nguồn nguyên liệu đưa vào chế biến đã được kiểm soát bảo đảm truy xuất nguồn gốc, tổ chức rà soát, sắp xếp quy hoạch lại các cơ sở chế biến gỗ, giải tỏa, thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động những cơ sở chế biến không tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đến nay, toàn khu vực Tây Nguyên có tổng số 751 dự án đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng, với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 49.000 ha, trong đó rừng tự nhiên 10.637 ha. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) thống nhất với các địa phương báo cáo xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ đối với 17 dự án, với diện tích rừng và đất lâm nghiệp 338 ha và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với 14 dự án. Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các tỉnh khu vực Tây Nguyên đã nghiêm túc triển khai việc sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp. Theo phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn Tây Nguyên có 38 công ty 100% vốn nhà nước, hiện đã có 31 công ty được phê duyệt hình thức duy trì mô hình công ty một thành viên 100% vốn nhà nước đang triển khai cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh; bảy công ty được phê duyệt hình thức chuyển thành công ty cổ phần.

Phó Tổng cục trưởng Lâm nghiệp Cao Chí Công cho biết, thời gian qua, Bộ NN và PTNT đã kịp thời đề xuất cơ chế chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các địa phương trên địa bàn Tây Nguyên cũng xác định điểm nóng phá rừng cần tập trung xử lý; kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản; phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật. Cùng với đó, các cơ quan đã kịp thời đưa tin phản ánh những mặt tích cực, tiêu cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, hỗ trợ chính quyền phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các hạn chế, thiếu sót, góp phần tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Nhờ đó, đến nay, bước đầu diện tích rừng toàn khu vực đã tăng trở lại, chấm dứt tình trạng suy giảm diện tích rừng của khu vực trong suốt gần 45 năm qua (kể từ năm 1975). Đây được coi là kết quả tốt nhất trong công tác bảo vệ rừng tại Tây Nguyên trong nhiều năm trở lại đây. Do đó, để đẩy mạnh hơn nữa công tác này, các tỉnh Tây Nguyên cần ưu tiên chính sách thúc đẩy hiệu quả công tác quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng. Triển khai nhiệm vụ cấp bách, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển lâm nghiệp công nghệ cao, quản lý rừng cộng đồng, cải thiện sinh kế, phát triển sản phẩm lâm nghiệp. Cần phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng, gắn sản xuất với tiêu thụ lâm sản theo hướng quy mô lớn, ổn định, bền vững.

Tập trung bảo vệ, phát triển rừng

Theo đánh giá của Thứ trưởng NN và PTNT Hà Công Tuấn, mặc dù đã có nhiều thành tích tốt, nhưng để đạt mục tiêu đến năm 2030, diện tích rừng Tây Nguyên đạt khoảng 2,72 triệu ha, nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 49,2% đòi hỏi các cấp chính quyền, cơ quan quản lý và cộng đồng xã hội toàn khu vực phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Trên thực tế, tại một số địa phương vẫn xảy ra tình trạng phá rừng, còn những điểm nóng về tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép với các thủ đoạn ngày càng tinh vi. Diện tích rừng của các công ty lâm nghiệp bị giải thể, hiện chưa được quản lý, bảo vệ phù hợp. Tại một số nơi, mặc dù tỉnh đã có quyết định giao đất nhưng các địa phương chưa nhận hiện trạng rừng, vì vậy phương án quản lý bảo vệ rừng khó khăn. Bên cạnh đó, việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp còn chậm, việc đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động chưa tốt. Có một thực tế là, phần lớn các công ty đã thực hiện xong việc rà soát, đo đạc, cắm mốc, nhưng chưa hoàn thiện được thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; chưa được phê duyệt phương án sử dụng đất do hầu hết còn vướng mắc về đất đai.

Năm 2018, toàn khu vực Tây Nguyên đã phát hiện hơn 4.110 vụ vi phạm quy định về bảo vệ và phát triển rừng với diện tích rừng bị thiệt hại gần 400 ha. Riêng trong bốn tháng đầu năm 2019, đã phát hiện gần 1.200 vụ vi phạm với diện tích rừng bị thiệt hại 255 ha. Trong đó, tại tỉnh Đác Nông đã xảy ra 183 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 43,93 ha rừng; tại tỉnh Đác Lắc số vụ vi phạm bị phát hiện là 188 vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của chi cục kiểm lâm các tỉnh, số vụ vi phạm về rừng đã giảm đáng kể so với thời gian trước đây. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đác Nông Lê Quang Dần cho biết, so với cùng kỳ năm 2018, tổng số vụ vi phạm pháp luật về rừng năm tháng đầu năm 2019 trên địa bàn tỉnh đã giảm 26,33%, tỷ lệ xử lý vi phạm đạt cao hơn đã cho thấy, công tác ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong bảo vệ và phát triển rừng, nhất là hành vi phá rừng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm, vào cuộc; ý thức của các chủ rừng và cộng đồng dân cư được nâng cao, tình trạng vi phạm được kiểm soát tốt hơn.

Cùng với việc tập trung bảo vệ rừng hiệu quả, các tỉnh Tây Nguyên đã đẩy mạnh công tác phát triển rừng. Năm 2018, toàn khu vực đã trồng được hơn 11.500 ha rừng, trong đó rừng phòng hộ, đặc dụng là 940 ha; rừng sản xuất 10.600 ha; khoanh nuôi tái sinh hơn 4.500 ha; trồng được hơn hai triệu cây phân tán. Bên cạnh đó, việc chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng được đẩy mạnh. Năm 2018, kết quả thu tiền dịch vụ môi trường rừng của các tỉnh Tây Nguyên đạt hơn 965 tỷ đồng, năm nay, dự kiến kế hoạch thu khoảng gần 1.000 tỷ đồng. Đến nay, Tây Nguyên đã hoàn thành việc mở tài khoản và thanh toán tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản đối với các chủ rừng là tổ chức và UBND xã.

Để thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên đến năm 2030”, các tỉnh Tây Nguyên cần tập trung bảo vệ tốt hơn 2,2 triệu ha rừng tự nhiên hiện có; ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép và mua bán vận chuyển lâm sản, động vật hoang dã trái pháp luật, chống người thi hành công vụ; chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống cháy rừng, phát hiện và tổ chức chữa cháy kịp thời. Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế, chính sách lâm nghiệp đặc thù theo hướng khuyến khích hình thành hệ thống quản lý rừng cộng đồng, trên cơ sở giao rừng gắn với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần ổn định đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài; xã hội hóa đầu tư hình thành vùng lâm sản ngoài gỗ. Kiện toàn đổi mới tổ chức sản xuất, tập trung nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ cơ cấu lại ngành.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó ngành gỗ và các sản phẩm lâm sản đang đứng trước nhiều cơ hội đan xen những thách thức. Do đó, cùng với cả nước, các tỉnh khu vực Tây Nguyên cần đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát triển rừng, chống buôn bán gỗ bất hợp pháp, động vật hoang dã; đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu gỗ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, chế biến và xuất khẩu lâm sản, quản lý rừng bền vững... Các địa phương cần tiếp tục rà soát, đánh giá các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội có tác động đến diện tích, chất lượng rừng, nhất là đối với rừng tự nhiên và rừng phòng hộ. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ phá rừng trên địa bàn, qua đó làm rõ trách nhiệm liên quan đối với các cấp, ngành ở địa phương…

Khu vực Tây Nguyên có tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp là 3,2 triệu ha, chiếm 19,9% diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp cả nước. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2018, tổng diện tích có rừng của các tỉnh Tây Nguyên là 2,55 triệu ha, tăng 3.502 ha so với năm 2017, tỷ lệ che phủ rừng toàn vùng đạt 46,01%.

(Nguồn: Bộ NN và PTNT)

VŨ THÀNH và TUẤN NGỌC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41175702-phat-trien-ben-vung-rung-tay-nguyen.html