Phát triển bền vững trong bối cảnh mới từ góc nhìn quốc gia và doanh nghiệp
Ngày 4/4, Trường Đại học Ngoại thương tổ chức Hội thảo quốc tế Phát triển bền vững trong bối cảnh mới: Từ góc nhìn quốc gia và doanh nghiệp.
Hội thảo quốc tế ICGE (International Conference for Graduate Education) do Trường Đại học Ngoại thương phối hợp với các đối tác uy tín trên thế giới tổ chức với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học, nâng cao kiến thức, kỹ năng và mở rộng mạng lưới kết nối của người học trên hành trình vươn tới những tầm cao.
Tham dự hội thảo có đại diện Quỹ Friedrich Naumann Foundation (FNF) tại Việt Nam; Viện Kinh doanh Australia, Australia; GS.TS Gayle Morris - Phó Trưởng khoa, Viện Kinh doanh Úc; Viện Nghiên cứu Châu Âu, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; các đối tác đến từ các trường đại học trong và ngoài nước; cùng lãnh đạo các đơn vị, các giảng viên, cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh và sinh viên Trường ĐH Ngoại thương.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương đã bày tỏ kỳ vọng Hội thảo ICGE là cơ hội để các nhà quản lý, nhà khoa học, giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế trao đổi kinh nghiệm và ý tưởng trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Chia sẻ ý tưởng nghiên cứu mới và nhận được góp ý từ các nhà khoa học giàu kinh nghiệm tại các phiên song song
Với gần 100 bài tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài được đã chia sẻ, thúc đẩy hoạt động trao đổi và nghiên cứu, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng đào tạo ở bậc sau đại học của Trường ĐH Ngoại thương trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và những lĩnh vực mang tính liên ngành khác. Các bài viết xem xét nhiều khía cạnh khác nhau về phát triển bền vững trong các lĩnh vực như: Kinh tế, Kinh doanh, Tài chính và Luật.
TS Uwe Kaufmann - Điều phối viên chương trình nghiên cứu và giảng viên cao cấp, Viện Kinh doanh Úc (Australian Institute of Business - AIB) với tham luận "Yêu cầu mới cho phát triển và quản trị bền vững" đã khuyến nghị các quốc gia và doanh nghiệp cần nhận thức, điều chỉnh cơ chế gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, chỉ ra cơ hội và thách thức ở Việt Nam trong việc khẳng định mình là nhà cung cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu xanh trong khu vực với mục tiêu xanh hóa thương mại quốc tế để đưa các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào chuỗi giá trị địa phương và toàn cầu.
Tham luận của TS Nguyễn Thu Hằng - Giảng viên Trường ĐH Ngoại thương Cơ sở II tại Tp Hồ Chí Minh chỉ ra các chuẩn mực tín dụng và khoảng cách tín dụng phụ thuộc vào sự thay đổi theo chu kỳ kinh tế trong việc giám sát khoản vay. Ngân hàng tăng cường giám sát các khoản vay gần và quy mô lớn, ít giám sát các doanh nghiệp đi vay ở xa và các khoản vay nhỏ. Trên cơ sở đó, nghiên cứu giải thích các kết quả này bằng một mô hình đơn giản, trong đó, năng lực giám sát của ngân hàng có hạn chế và việc giám sát là một hàm nội sinh của chi phí đi lại và lợi suất của việc giám sát gia tăng trong điều kiện khủng hoảng.
Tiếp nối phiên toàn thể của Hội thảo là 12 phiên thảo luận song song diễn ra trong sáng và chiều ngày 4/4. Các tác giả, trong đó có nhiều nghiên cứu sinh và học viên cao học đã có cơ hội trình bày nội dung nghiên cứu của mình và nhận được rất nhiều nhận xét, góp ý để hoàn thiện các luận cứ khoa học làm sáng tỏ nhiều nội dung liên quan đến quốc gia và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế trong bối cảnh mới..