Phát triển các dịch vụ ngoài vận tải đường sắt là hướng đi trong tương lai

Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, việc phát triển các dịch vụ ngoài vận tải là một hướng đi trong tương để khai thác tối đa lợi thế của kết cấu hạ tầng đường sắt, tăng doanh thu bù đắp cho hoạt động vận tải đang gặp nhiều khó khăn.

Việc phát triển các dịch vụ ngoài vận tải là một hướng đi trong tương để khai thác tối đa lợi thế của kết cấu hạ tầng đường sắt. Ảnh minh họa

Theo VNR, hiện hệ thống đường sắt quốc gia hiện có 297 khu ga trải dài từ Bắc vào Nam nằm trên địa bàn 34 tỉnh thành trên toàn quốc. Trong 297 khu ga này có rất nhiều ga nằm tại trung tâm các thành phố lớn.

Lưu lượng khách đi tàu, người thân đến đón tiễn hành khách tại các ga này cũng rất lớn, đặc biệt vào các giai đoạn cao điểm như Tết, hè và các dịp nghỉ lễ. Tại các khu ga cũng là các đầu mối giao thông để kết nối với các loại hình vận tải khác như xe bus, taxi.

Đây là lợi thế rất lớn để Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có thể phát triển các trung tâm thương mại mua sắm, dịch vụ tiện ích phục vụ khách hàng như nhà hàng, khách sạn lưu trú, văn phòng cho thuê, quảng cáo…

Thống kê lượng khách đi tàu trong những năm vừa qua thì vào giai đoạn cao điểm trung bình mỗi ngày có từ 3 - 4 vạn người di chuyển qua lại các nhà ga của hệ thống đường sắt quốc gia để tham gia đi tàu, đón tiễn hành khách và giao dịch.

Phát triển các trung tâm thương mại mua sắm, dịch vụ tiện ích phục vụ khách hàng như nhà hàng, văn phòng cho thuê, quảng cáo,...sẽ đem lại doanh thu lớn cho ngành đường sắt

Lượng khách này tập trung lên xuống tàu tại các ga lớn trên tuyến đường sắt Bắc - Nam và tuyến Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai; các ga cũng có vị trị rất tốt tại các đô thị. Một số ga nằm trong lõi trung tâm đô thị có tốc độ phát triển rất nhanh với mật độ dân số lớn, dân số trẻ và thói quen dành cho chi tiêu, tiêu dùng ngày càng nhiều như ga Hà Nội, ga Đà Nẵng, ga Sài Gòn, ga Nha Trang, ga Hải Phòng,…

Sau khi tham khảo kinh nghiệm đường sắt ở một số nước, đặc biệt là đường sắt Nhật Bản nơi có doanh thu dịch vụ ngoài vận tải chiếm tới 32% tổng doanh thu, VNR nhận thấy việc phát triển các dịch vụ ngoài vận tải là một hướng đi cần phải phát triển trong tương lai.

Nhằm khai thác tối đa lợi thế của kết cấu hạ tầng đường sắt nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách đi tàu và tăng doanh thu để bù đắp cho hoạt động vận tải đang gặp nhiều khó khăn do những tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.

Các sản phẩm dịch vụ có thể triển khai bao gồm: Dịch vụ cho thuê kho, bãi, nhà xưởng; Dịch vụ cho thuê địa điểm bán hàng; Dịch vụ cho thuê văn phòng, phòng làm việc; Dịch vụ cho thuê nhà lưu trú, nhà tập thể, nhà công vụ; Dịch vụ cho thuê quảng cáo; Dịch vụ cho thuê mặt bằng để đặt máy móc, thiết bị;...

Khu vực ga Kyoto (Nhật Bản) có Cửa hàng bách hóa Isetan và ba trung tâm lớn với hai trung tâm nằm dưới lòng đất,... thu hút đông đảo khách hàng mua sắm

Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã và đang nghiên cứu để phát triển các Trung tâm thương mại mua sắm bên trong các nhà ga. Đây là mô hình kinh doanh đặc biệt thành công tại các nước trên thế giới, làm thay đổi toàn bộ bộ mặt của ngành đường sắt và trở thành một điểm nhấn về quy hoạch, kiến trúc và tổ chức đô thị tại các nước.

Các trung tâm thương mại mua sắm được phát triển trên nền các kết cấu hạ tầng đường sắt không liên quan đến chạy tàu tại các nhà ga. Có thể là xây mới hoặc cải tạo lại từ các vị trí hiện hữu. Căn cứ và tình hình thực tế tại các nhà ga để có thể phát triển theo các quy mô khác nhau. Ưu tiên quy mô lớn, hiện đại tại các ga trung tâm có lưu lượng khách và người dân qua lại lớn.

Trong các Trung tâm thương mại mua sắm có các dịch vụ tiện ích đầy đủ phục vụ khách đi tàu, người đưa tiễn và dân cư xung quanh cũng như thu hút thêm người dân đến mua sắm, sinh hoạt, vui chơi.

Tuy nhiên để các ý tưởng này có thể thành hiện thực, theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Đề án “Quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia” do Nhà nước đầu tư để triển khai Nghị định 46/2018/NĐ-CP cần sớm được Chính phủ phê duyệt. Trong đó Tổng công ty được giao trực tiếp quản lý, sử dụng và khai thác các kết cấu hạ tầng đường sắt.

Khi đó hành khách và nhân dân là những người sẽ được thụ hưởng các tiện ích khi đi tàu cũng như biến các kết cấu hạ tầng đường sắt trở nên hấp dẫn hơn trong con mắt các nhà đầu tư.

Kỳ vọng của VNR là việc phát triển các dịch vụ ngoài vận tải nói chung cũng như đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại mua sắm tại các nhà ga sẽ làm tăng doanh thu cho ngành đường sắt nơi mà hiện nay chủ yếu thu từ nguồn vận tải.

Các dịch vụ này cũng sẽ giúp khai thác hiệu quả các kết cấu hạ tầng đường sắt và biến các nhà ga thành các địa điểm thu hút người dân đến sinh hoạt, mua sắm. Nguồn thu này cũng sẽ làm gia tăng thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc nộp tiền sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt.

Thế Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-trien-cac-dich-vu-ngoai-van-tai-duong-sat-la-huong-di-trong-tuong-lai-post140069.html