Phát triển các khu công nghiệp Hải Dương: Chọn lựa nhà đầu tư đủ tầm
Các khu công nghiệp (KCN) có hạ tầng tốt và năng lực chủ đầu tư mạnh đã khẳng định được vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư của Hải Dương.
Hạ tầng quyết định điểm đến
“Lựa chọn được nhà đầu tư hạ tầng KCN tốt, thì việc thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp coi như đã thành công một nửa”, ông Nguyễn Đình Kiêm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương khẳng định.
Thực tế cũng đã chứng minh, năng lực của chủ đầu tư các KCN tạo nên sự thành công của dự án đó. KCN Đại An và Đại An mở rộng do Công ty cổ phần Đại An làm chủ đầu tư, có tổng diện tích hơn 640 ha là một trong những KCN kiểu mẫu của tỉnh Hải Dương. Nhờ sự đầu tư đồng bộ và bài bản, KCN này đã thu hút được 60 dự án (trong đó có 52 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,5 tỷ USD.
Còn Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam có đến 3 KCN tại Hải Dương. Trong đó, KCN Phúc Điền và Nam Sách đã được lấp đầy, KCN Tân Trường cũng đạt 95%. Tính chung, cả 3 KCN này đã thu hút được 70 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Ví dụ khác là KCN VSIP Hải Dương và KCN Lai Vu cũng đang trong lộ trình tái đầu tư và đã có kết quả ban đầu, sau khi được thay bằng chủ đầu tư có năng lực.
Bài học kinh nghiệm
Trường hợp KCN Việt Hòa - Kenmark là một bài học đắt giá cho việc lựa chọn nhà đầu tư của tỉnh Hải Dương. Yếu kém về năng lực của chủ đầu tư đã khiến một dự án hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi về vị trí, về hạ tầng như vậy bị bỏ không.
Quay lại KCN VSIP Hải Dương, trước khi KCN Cẩm Điền - Lương Điền dừng thi công từ năm 2010, nhưng chỉ sau hơn 1 tháng kể từ ngày về tay VSIP, dự án thứ cấp đầu tiên đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn là 88 triệu USD và đến tháng 3/2016, tổng số vốn đăng ký vào KCN VSIP Hải Dương đã là 152 triệu USD.
Dự án KCN Lai Vu cũng tương tự. Kể từ năm 2004 đến nay, dự án này đã liên tục xảy ra khiếu kiện liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, cộng với những khó khăn về tài chính của chủ đầu tư đầu tiên, nên không thể triển khai đúng kế hoạch ban đầu là xây dựng hoàn chỉnh vào năm 2009. Đến đầu tháng 4/2014, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bàn giao nguyên trạng toàn bộ KCN này (bao gồm cả Công ty TNHH MTV KCN Lai Vu) từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) về tỉnh Hải Dương quản lý. Ngay sau đó, chính quyền tỉnh Hải Dương đã nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan để các nhà đầu tư thứ cấp như Tinh Lợi và Pacific Crystal triển khai xây dựng hai nhà máy tại KCN này, với tổng vốn đăng ký hơn 557 triệu USD. Hiện nay, cả hai dự án này đều đã đi vào hoạt động ổn định.
Khẳng định vai trò của KCN
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XV(2010-2015) cũng đã xác định, việc quy hoạch, phát triển các KCN là khâu đột phá trong việc đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp. Kết quả là, trong giai đoạn này, 10 KCN đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã có những đóng góp rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Các KCN đã thu hút được trên 200 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4 tỷ USD. Trong đó, có trên 150 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp lớn. Các dự án đầu tư vào KCN hầu hết có công suất đầu tư cao với số vốn lớn, bình quân gần 20 triệu USD/dự án. Đó là nhân tố chính đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Hơn nữa, các KCN thông qua việc thu hút các dự án đầu tư thứ cấp, đã khẳng định vai trò quan trọng, tác động và ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển các khu đô thị của tỉnh. Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương khẳng định, chính hạt nhân từ các KCN đã góp phần hình thành các trục công nghiệp và đô thị của tỉnh, thúc đẩy liên kết hạ tầng kỹ thuật, góp phần tạo lập và phân bố không gian kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo sự phát triển đồng đều.
Bên cạnh đó, việc phát triển các KCN cũng góp phần hình thành và phát triển các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như dịch vụ tín dụng - ngân hàng, dịch vụ bưu chính - viễn thông, dịch vụ nước - điện, dịch vụ logicstic…
Có thể thấy, các KCN đóng vai trò rất quan trọng đối với phát triển kinh tế của Hải Dương. “Bởi vậy, với kế hoạch phát triển thêm 3 đến 5 KCN và 3 đến 4 cụm công nghiệp trong giai đoạn 2016-2020, chúng tôi hy vọng sẽ tạo nên sức hấp dẫn mời gọi các nhà đầu tư có uy tín và có tiềm lực tài chính để thực hiện dự án”, ông Thái khẳng định.