Phát triển các loại hình dịch vụ tại khu công nghiệp
Hiện nay, toàn tỉnh có 17 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 4,3 nghìn héc-ta, trong đó, 8/17 KCN đã đi vào hoạt động và tiếp nhận dự án đầu tư, bao gồm: KCN Phố Nối A, KCN Dệt may Phố Nối, KCN Thăng Long II, KCN Minh Đức, KCN Yên Mỹ II, KCN Yên Mỹ, KCN Minh Quang và KCN Sạch. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của các doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, góp phần thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Trạm biến áp 110kV Phố Nối bảo đảm cấp điện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN Phố Nối A
Theo báo cáo của Ban Quản lý các KCN tỉnh, đến hết tháng 5/2023, các KCN của tỉnh có hơn 521 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm: 287 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,6 tỷ USD và 234 dự án có vốn đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,1 nghìn tỷ đồng. Số dự án đã đi vào hoạt động là 446 dự án, các dự án khác đang tiếp tục tiến hành đầu tư xây dựng. Tổng số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong các KCN có khoảng 78.000 người. Hiện nay, việc thực hiện các cam kết của tỉnh đối với nhà đầu tư, trong đó có nhiều cam kết về dịch vụ phục vụ doanh nghiệp đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Các dịch vụ về hạ tầng được cung cấp đến chân hàng rào doanh nghiệp và ngày càng được nâng cao về chất lượng, đáp ứng cơ bản nhu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Các KCN đã được đầu tư trạm 110kV để lấy điện từ lưới điện quốc gia phục vụ sản xuất của doanh nghiệp. Cùng với đó, các trạm biến áp chuyên dùng của doanh nghiệp cũng được lắp đặt thiết bị ngắt điện tự động recloser để ngắt các trạm biến áp khi có sự cố xảy ra nhằm bảo đảm lưới điện được cấp điện ổn định, thường xuyên.
Hiện nay, các KCN đã được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước mưa chạy dọc theo đường nội bộ và thoát ra các kênh thủy lợi hiện có chung quanh. Các đơn vị đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đã triển khai xây dựng đồng bộ các hạng mục bảo đảm an toàn giao thông theo quy định trên các tuyến đường, như biển báo, tín hiệu, sơn kẻ vạch, gờ giảm tốc; thường xuyên duy tu, sửa chữa hệ thống đường giao thông, đèn chiếu sáng, cây xanh để bảo đảm nhu cầu của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các đơn vị viễn thông, công nghệ thông tin đã tiến hành cải tạo, nâng cấp hệ thống viễn thông tại các KCN nhằm bảo đảm an toàn thông tin cho các doanh nghiệp. Cùng với đó, hệ thống ngân hàng, các tổ chức tài chính, tín dụng đã đặt văn phòng giao dịch xung quanh các KCN, tăng cường lắp đặt máy ATM tại các doanh nghiệp, tuyến đường trong KCN nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người lao động sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng. Các dịch vụ vận tải hàng hóa, xe buýt công cộng phục vụ đưa đón công nhân lao động cũng được duy trì…
Nhằm đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động cho các doanh nghiệp, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm củng cố, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo hướng tập trung các ngành nghề trọng điểm. Các trường cao đẳng, trung cấp nghề chú trọng công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh cũng chú trọng triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo lao động cho các doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc theo hướng gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp. Đánh giá về chất lượng dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh, ông Lê Anh Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Hợp Lực (Hà Nội) cho biết: So với nhiều năm trước, chất lượng các dịch vụ trong các KCN của Hưng Yên đã được cải thiện, nâng lên rõ rệt, nhất là đường giao thông, dịch vụ cấp điện, hệ thống tiêu thoát nước và công tác bảo đảm an ninh trật tự.
Đồng chí Phạm Trường Tam, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết: Hiện nay, chất lượng các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong các KCN của tỉnh đã cơ bản từng bước đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp... Hầu hết các KCN của tỉnh đang hoạt động đã có trạm xử lý nước thải tập trung với tổng công suất xử lý hơn 30.000m3/ngày đêm. Các KCN đều được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý nhà nước. Hệ thống chiếu sáng, cây xanh, vệ sinh môi trường, cảnh quan trong KCN cơ bản đáp ứng yêu cầu… Tuy nhiên, một số dịch vụ phục vụ doanh nghiệp trong KCN vẫn còn hạn chế như: Hạ tầng cấp thoát nước chưa đạt yêu cầu; một số trạm thu gom, xử lý nước thải công suất còn thấp, chất lượng chưa đạt yêu cầu; một số doanh nghiệp thứ cấp chưa chấp hành tốt việc xử lý, thu gom, vận chuyển nước thải và chất thải rắn. Cùng với đó, việc xây dựng các khu nhà ở cho công nhân làm việc tại các KCN còn hạn chế, dịch vụ vận tải, đưa đón công nhân chưa phát triển nhiều, chưa có nhiều tuyến xe buýt đến các KCN…
Hạ tầng KCN Thăng Long II được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu dịch vụ của doanh nghiệp trong KCN
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển các lĩnh vực dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng và chuyên nghiệp, phục vụ hoạt động của doanh nghiệp tại các KCN. Trong đó, tập trung xây dựng cơ chế, chính sách để thu hút, kêu gọi đầu tư dự án xây dựng nhà ở cho công nhân; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích và xã hội hóa dịch vụ vận tải đưa đón công nhân trong các KCN; đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong KCN… Chỉ đạo các sở, ngành thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc các đơn vị kinh doanh hạ tầng KCN tiến hành duy tu, sửa chữa hệ thống giao thông, đèn chiếu sáng, vệ sinh, hệ thống thoát nước, cắt tỉa cây xanh… nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp trong các KCN.