Phát triển các sản phẩm nông nghiệp lợi thế ở xã Cẩm Bình
Những năm qua, xã Cẩm Bình (Cẩm Thủy) đã tận dụng tối đa quỹ đất và lao động để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn mở rộng quy mô sản xuất, phát huy giá trị của những sản phẩm lợi thế.
Nghề sản xuất miến dong mang lại thu nhập ổn định cho người dân xã Cẩm Bình.
Với lợi thế về diện tích bãi bồi ven sông Mã, UBND xã đã rà soát, lồng ghép các chương trình, dự án, nhất là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng... phục vụ sản xuất quy mô lớn. Nhờ đó, Nhân dân trên địa bàn xã đã phát triển được vùng sản xuất mía nguyên liệu hơn 195 ha, dong riềng 25 ha và rau, củ, quả an toàn hơn 6 ha. Đồng thời, thông qua HTX dịch vụ nông nghiệp và nhiều cá nhân, tổ chức, các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn trên địa bàn xã đã phát triển được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tiêu biểu như: chuỗi liên kết tiêu thụ mía nguyên liệu với Công ty CP Mía đường Lam Sơn, Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan; chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn tại thôn Hạc Sơn. Nhờ đó, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Từ lâu sản phẩm miến dong truyền thống của xã Cẩm Bình đã được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Do đó, trên địa bàn xã có nhiều hộ đã mở rộng diện tích sản xuất cây dong riềng, miến dong. Theo thống kê của UBND xã, trên địa bàn có 150 hộ, với khoảng 300 lao động tham gia sản xuất miến dong. Trung bình mỗi hộ sản xuất từ 15 - 20 tấn miến/năm, doanh thu khoảng 300 - 350 triệu đồng/hộ. Do đó, UBND xã đã và đang đề xuất với UBND huyện Cẩm Thủy xây dựng cơ chế hỗ trợ phát triển đối với nghề làm miến. Đồng thời, năm 2021, UBND xã Cẩm Bình đã hỗ trợ thành lập HTX miến dong Đồi Ao, với 15 thành viên nhằm gắn kết các hộ sản xuất, bảo đảm về công nghệ và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm miến dong truyền thống của địa phương. Nhờ đó, sản phẩm miến dong của địa phương được đánh giá cao về chất lượng và được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2021, hạng 3 sao.
Bên cạnh sản phẩm miến dong, rau, củ, quả an toàn được xem là một trong những sản phẩm có lợi thế, mang lại lợi nhuận cao cho người dân. Hiện trên địa bàn xã có 6 ha sản xuất rau, củ, quả tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP. Là người đầu tiên xây dựng mô hình phát triển sản xuất rau, củ, quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, anh Phạm Văn Lĩnh, thôn Hạc Sơn, cho biết: Để tận dụng diện tích đất bãi bồi ven sông Mã, gia đình đã đầu tư hơn 300 triệu đồng cải tạo đất, lắp đặt hệ thống nước tưới, giàn leo... Đồng thời, lựa chọn những loại cây trồng chất lượng cao, theo xu hướng và thị hiếu của thị trường. Nhờ đó, sản phẩm làm ra của gia đình luôn dễ dàng tiêu thụ ở các chợ đầu mối, cửa hàng thực phẩm.
Ông Đỗ Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình, cho biết: Trên địa bàn xã hiện có một số sản phẩm lợi thế trong ngành nông nghiệp, như: miến dong, rau, củ, quả an toàn, mía chất lượng cao... UBND xã đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để khuyến khích sản xuất, hỗ trợ thúc đẩy sản phẩm lợi thế, như: tăng cường liên kết sản xuất, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, sản xuất tập trung quy mô lớn... Với những quan tâm kịp thời, các hộ sản xuất, HTX trên địa bàn đã có “trợ lực” để ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42 triệu đồng/năm.