Phát triển các thành phần kinh tế ở Thanh Sơn

Nhận thức tầm quan trọng của các thành phần kinh tế (TPKT) trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thời gian qua, huyện Thanh Sơn đã tạo điều kiện, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN), tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế-xã hội.

Phát triển kinh tế hộ cá thể ở xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn đã tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống người dân địa phương.

Huyện có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ các DN, THT, HTX tiếp tục thực hiện công tác dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai phát triển sản xuất nông nghiệp; khuyến khích nông dân phát triển các vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung thành từng vùng và khuyến khích trồng rừng sản xuất phát triển kinh tế. Đồng thời chú trọng thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2016-2020...Đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, hàng năm, huyện luôn có chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng gắn với xây dựng nông thôn mới như giao thông, thủy lợi, điện, nước… tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, trong đó có phát triển các TPKT, nhất là các DN, THT, HTX. Huyện chỉ đạo các phòng chuyên môn, các xã, thị trấn lựa chọn và cử cán bộ, xã viên tham gia các lớp tập huấn; thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn các DN, THT, HTX áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới năng suất cao, xây dựng các mô hình trình diễn để các HTX nhân rộng, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, như áp dụng theo tiêu chuẩn “5 không” (không dư lượng kháng sinh, không kích thích tăng trưởng, không chất tạo màu, không biến đổi gen, không hóa chất khi giết mổ) trong chăn nuôi. Đồng thời huyện quan tâm chỉ đạo trồng, chế biến chè an toàn đảm bảo an toàn thực phẩm, ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp; gắn tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm như: Gà của HTX nông nghiệp An Phú, chuối phấn vàng của các xã Tân Lập, Tân Minh… cùng với thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại cho sản phẩm đến các thị trường trong và ngoài tỉnh. Bà Đinh Thị Kiều An - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát triển các TPKT đúng đắn, rõ ràng, ngày càng hoàn thiện, tạo sự nhất quán trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với phát triển các TPKT. Trên địa bàn huyện, một số cơ chế chính sách khuyến khích đối với thành phần các TPKT đã dần phát huy tác dụng, tạo động lực cho sự phát triển. Điển hình như, cùng với sự phát triển của các DN, có 22 HTX được thành lập và chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 đã phát huy thế mạnh, hỗ trợ cho kinh tế hộ, xã viên phát triển với tổng nguồn vốn tăng trên 28 tỉ đồng, tổng doanh thu tăng trên 116 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế, tổng giá trị tài sản ngày càng tăng… Đặc biệt, đã thể hiện được nguyện vọng của hộ xã viên trên tinh thần tự nguyện, gắn bó với HTX để tổ chức sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống. Một số HTX sau chuyển đổi tiếp tục củng cố, tập hợp được đông đảo thành viên và nhân dân tham gia, cùng góp vốn, cùng sản xuất kinh doanh và cùng chịu trách nhiệm, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, giải quyết việc làm khu vực nông thôn, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho thành viên”. Đến nay, toàn huyện có gần 300 DN, trên 4.000 hộ kinh doanh cá thể đăng ký; 29 THT dịch vụ nông nghiệp, trồng rừng sản xuất, được hỗ trợ trên 2,6 tỉ đồng trồng lúa chất lượng cao và trồng rừng sản xuất; 26 HTX đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực như: Dịch vụ nông nghiệp, thủy lợi, điện năng; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; vệ sinh môi trường; vận tải; quỹ tín dụng nhân dân. Bình quân các HTX, quỹ tín dụng đạt doanh thu trên 2,2 tỉ đồng, lợi nhuận đạt gần 400 triệu đồng, thu nhập bình quân người lao động thường xuyên trong HTX đạt 4 triệu đồng… Thời gian tới, huyện tập trung củng cố giữ vững, nâng cao chất lượng các DN, HTX, THT hiện có, tích cực vận động, tạo điều kiện xây dựng các DN, HTX, THT mới với nhiều hình thức đa dạng, hoạt động có hiệu quả, bền vững làm nền tảng cho việc phát triển các TPKT, đặc biệt là hỗ trợ các địa bàn có xu hướng phát triển mạnh, tập trung cho những xã trong kế hoạch xây dựng xã nông thôn mới. Tiếp tục thực hiện việc đổi mới HTX trên các mặt, đẩy mạnh phát triển các hình thức hợp tác đa dạng, tự nguyện, kết hợp với thành lập các DN, THT, HTX liên kết sản xuất. Phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025, vị trí, vai trò quan trọng của khu vực các TPKT trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện được thể hiện rõ nét, thu hút số đông hộ nông dân, các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, một số DN vừa và nhỏ, các tổ chức tham gia, góp phần đưa các TPKT vươn lên phát triển nhanh, bền vững, trở thành thành phần kinh tế quan trọng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở cơ sở.

Quỳnh Anh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202109/phat-trien-cac-thanh-phan-kinh-te-o-thanh-son-179456