Phát triển câu lạc bộ Ngoại ngữ trong trường học song hành lượng và chất
Tổ chức câu lạc bộ (CLB) Ngoại ngữ trong trường học giúp nâng cao kết quả dạy - học.
Tuy nhiên, cần có giải pháp cụ thể, phù hợp để không chỉ “phủ” CLB này ở các trường học, mà còn bảo đảm hoạt động chất lượng, hiệu quả.
Đa dạng mô hình CLB Ngoại ngữ
Tiền thân là trường bán công cấp 2 - 3 chuyên Ngoại ngữ nên THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội) có lợi thế trong mở các CLB Ngoại ngữ. Chia sẻ của cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ, CLB Ngoại ngữ của trường gồm 9 lớp: 4 lớp Toastmaster, 2 lớp IELTS; mỗi tiếng Đức, Nhật, Hàn đều có một lớp. Các CLB hoạt động hàng tuần vào thứ 7 và rất sôi nổi với những giờ học vui tươi, bổ ích ngoài giờ lên lớp. Được như vậy đòi hỏi thời gian, nhiệt huyết không chỉ của 1 - 2 thầy cô, mà còn là cả tổ nhóm chuyên môn.
Theo quan sát của của cô Đinh Thị Bích Liên, hầu hết trường trên địa bàn Hà Nội đều phát triển mô hình CLB tiếng Anh rất hiệu quả. Nhờ đó, HS không chỉ học trong không gian gò bó của lớp học, với vẻn vẹn 45 phút. Thành lập CLB tập hợp những người cùng yêu thích môn học, tạo điều kiện để HS giao lưu, gặp gỡ, tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh và bồi đắp thêm tình yêu với môn học.
Chính vì vậy, Chương trình “Hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ và hội nhập quốc tế cho thanh, thiếu nhi Việt Nam giai đoạn 2022 – 2030” đặt mục tiêu đến 2030, phấn đấu 100% trường ĐH, CĐ, THPT… thành lập hoặc duy trì thường xuyên ít nhất 1 CLB Ngoại ngữ là khả thi, phù hợp với xu thế.
Tại Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu (An Giang), thông tin từ Hiệu trưởng Đặng Thị Kim Phượng, CLB Ngoại ngữ ESC hoạt động thường xuyên và ổn định từ 2016 thông qua 2 hình thức. Thứ nhất là tổ chức các sự kiện mang đặc trưng văn hóa phương Tây như Halloween, Hát tiếng Anh và Prom. Thứ hai là tổ chức buổi gặp gỡ nói tiếng Anh vào chiều thứ 5, thứ 6 hàng tuần dưới hình thức conversation groups của nhóm EOS, dẫn dắt bởi một nhóm gồm 6 người được tuyển chọn từ HS có khả năng nói tiếng Anh, năng lực lãnh đạo và làm việc nhóm tốt của trường.
Là cơ sở giáo dục ĐH, hiện hầu hết khoa, viện của Trường ĐH Mở Hà Nội đều có CLB Ngoại ngữ dành cho sinh viên (tiếng Anh, tiếng Trung). Theo ThS Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, các CLB này thường do Liên chi đoàn thành lập, hoặc khoa, viện thành lập và giao cho Liên chi đoàn quản lý, vận hành. Số lượng thành viên mỗi CLB dao động từ 80 - 100 người và tuyển thành viên mới mỗi năm vào những dịp đón tân sinh viên.
Trong các buổi sinh hoạt, thành viên CLB được tham gia, trải nghiệm nhiều hoạt động bổ ích, như: Tranh luận, thảo luận sâu theo chủ đề trong chương trình học trên lớp hoặc vấn đề “hot” trong xã hội. Ban chủ nhiệm CLB kết hợp với Liên chi đoàn thường xuyên tổ chức thi hùng biện, hát tiếng Anh, tiếng Trung; tổ chức giao lưu trực tiếp với người bản xứ, chuyên gia người nước ngoài đang giảng dạy tại các khoa; giao lưu giữa các CLB Ngoại ngữ trong trường...
Là trường vùng khó, THPT Mường Chiềng (Đà Bắc, Hòa Bình) đã triển khai các văn bản của cấp trên về vai trò và tổ chức thành lập CLB tiếng Anh trong nhà trường; bước đầu thành lập được CLB. Tuy nhiên, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh cho biết, số lượng HS đăng ký tham gia còn ít (do chất lượng đầu vào quá thấp và HS thiếu tự tin thực hành giao tiếp bằng tiếng Anh...).
Chất lượng, khả năng tổ chức các hoạt động CLB của GV còn hạn chế. Hoạt động CLB Tiếng Anh chưa hiệu quả. Hình thức tổ chức hoạt động của CLB Tiếng Anh còn đơn điệu, chưa phong phú, hấp dẫn, chưa lôi cuốn HS tham gia. Điều kiện hỗ trợ (kinh phí, thiết bị...) cho hoạt động của CLB Tiếng Anh còn hạn chế…
Tuy nhiên, dù trường thuận lợi hay khó khăn đều chung quan điểm về sự cần thiết và lợi ích thiết thực của CLB Tiếng Anh. Trong đó, tổ chức tốt, có hiệu quả hoạt động của CLB góp phần nâng cao chất lượng dạy học Tiếng Anh trong nhà trường; kích thích niềm yêu thích học Tiếng Anh cho HS. HS được tạo điều kiện để giao lưu, gặp gỡ, tăng cường khả năng giao tiếp bằng Tiếng Anh; có cơ hội rèn kỹ năng thuyết trình, tự tin giao tiếp, hùng biện trước đám đông...
Quan tâm đến chất lượng
Dù đã có những bước phát triển, nhưng CLB Ngoại ngữ trong nhà trường còn khó khăn, hạn chế. Từ thực tế Trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, cô Đặng Thị Kim Phượng chia sẻ, việc gây quỹ để duy trì, mở rộng hoạt động của CLB gặp nhiều khó khăn; công tác xã hội hóa, tìm nguồn tài trợ chưa mang lại hiệu quả cao. Nhiều HS còn ngại nói tiếng Anh và chưa thực sự quyết tâm tham gia đầy đủ hoạt động của CLB. GV, HS có ít thời gian rảnh nên duy trì hoạt động thường xuyên của CLB vẫn hạn chế.
“Để nâng cao và duy trì hiệu quả hoạt động CLB đòi hỏi quyết tâm cao từ ban giám hiệu nhà trường đến GV bộ môn, đặc biệt là các trưởng nhóm. Cần xây dựng cơ chế làm việc cũng như nội quy CLB rõ ràng, trong đó tổ trưởng chuyên môn làm chủ nhiệm CLB và chịu trách nhiệm đôn đốc, giám sát mọi hoạt động của CLB. Các GV bộ môn được phân công giám sát, định hướng cho hoạt động của mỗi nhóm nhỏ.
Mỗi nhóm cần có lãnh đạo là HS có năng lực ngôn ngữ, kỹ năng tổ chức, quản lý, kỹ năng lãnh đạo nhóm tốt. Mọi hoạt động, từ lên ý tưởng, lập kế hoạch, thiết kết, thực thi… đều được các lãnh đạo trực tiếp thực hiện dưới sự giám sát, định hướng của GV phụ trách. Có như vậy, hoạt động mới phong phú, đa dạng, gần gũi với HS, thu hút được sự tham gia của các em, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy - học ngoại ngữ của nhà trường”, cô Đặng Thị Kim Phượng chia sẻ.
Với trường vùng khó, giải pháp được thầy Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh đầu tiên là nâng cao nhận thức về vai trò của môn Tiếng Anh cho đội ngũ cán bộ quản lý, GV, HS. Tăng cường quản lý hoạt động học môn Tiếng Anh của HS và quản lý hoạt động của CLB Tiếng Anh trong nhà trường. Bồi dưỡng nâng cao chất lượng về chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ GV Tiếng Anh. Tạo điều kiện cho GV tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng... về đổi mới phương pháp, hình thức, nội dung tổ chức dạy học bộ môn Tiếng Anh và tổ chức hoạt động hiệu quả của CLB Tiếng Anh.
Bảo đảm đầy đủ, tốt các điều kiện hỗ trợ (kinh phí, thiết bị...) cho dạy học bộ môn và hoạt động của CLB Tiếng Anh. Tổ chức hoạt động dạy học bộ môn và các hoạt động của CLB Tiếng Anh bằng hình thức mới như trò chơi, chương trình ngoại khóa, thậm chí học tiếng Anh qua bài hát, video... Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực sẽ kích thích sự sáng tạo cũng như niềm yêu thích học tiếng Anh cho HS. Đặc biệt, cần thực hiện tốt, đầy đủ chế độ, chính sách đối với GV, HS; tuyên dương, khen thưởng kịp thời.
Cô Nguyễn Thị May, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp thì cho rằng, cần đầu tư thêm một số trang thiết bị hiện đại trong phòng học tiếng chuyên biệt để HS có thể tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng hơn trong quá trình học, thực hành ngôn ngữ. Cùng với đó, tìm kiếm đối tác, nhà tài trợ đáng tin cậy; xây dựng chương trình, cuộc thi với giải thưởng cao để khích lệ các em tham gia. Nâng cao năng lực đội ngũ giảng dạy qua tập huấn cùng chuyên gia quốc tế…