Phát triển cây ăn quả ở huyện Như Xuân

Những năm gần đây, huyện Như Xuân đã tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích đất sản xuất, đất vườn hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây ăn quả, bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Nông dân xã Xuân Hòa chăm sóc cây ăn quả.

Năm 2018, được sự khuyến khích và hỗ trợ của UBND xã, ông Lê Văn Lợi, xã Xuân Hòa (Như Xuân) đã đầu tư hơn 400 triệu đồng để cải tạo 15 sào đất vườn của gia đình để trồng bưởi, cam. Theo ông, ban đầu khởi nghiệp khá vất vả, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc nên cây phát triển chậm, thu nhập thấp. Không nản chí trước khó khăn, ông vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tham khảo học tập kỹ thuật chăm sóc cây từ những mô hình đã thành công ở trong, ngoài địa phương về áp dụng. Đến nay, trang trại trồng bưởi, cam của gia đình đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Để nâng cao chất lượng và mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, gia đình ông Lợi đã chú trọng áp dụng khoa học - kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. “Tuy quy trình chăm sóc khắt khe hơn, vốn đầu tư cũng nhiều hơn nhưng chất lượng quả vượt trội và giá bán cao hơn, hiệu quả kinh tế cũng tăng lên rõ rệt”, ông Lợi chia sẻ.

Để đạt hiệu quả kinh tế cao, ngoài khuyến khích người dân phát triển cây ăn quả theo hướng tập trung, huyện Như Xuân đã phối hợp với các đơn vị liên quan mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn quả, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, hỗ trợ các xã, thị trấn thành lập các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp để liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây ăn quả cho người dân. Cùng với đó, huyện tập trung rà soát, quy hoạch những vùng có diện tích đất lúa, ngô, cây lâm nghiệp hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao. Huyện liên tục đẩy mạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao giá trị cho sản phẩm cây ăn quả. Nhờ sự nỗ lực trên, đến nay, tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt gần 1.200 ha; trong đó, có 950 ha đã cho thu hoạch, diện tích trồng tập trung từ 1 ha trở lên đạt 356,8 ha, chủ yếu là các loại cây ăn quả, như: cam đường Canh, cam Xã Đoài, bưởi da xanh, bưởi Diễn, xoài keo, ổi, thanh long... Để tiếp tục nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế từ các loại cây ăn quả, huyện đã triển khai thực hiện Quyết định số 198/QĐ-UBND ngày 12-1-2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2025. Theo đó, huyện Như Xuân phấn đấu đến hết năm 2022 tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt gần 1.380 ha; giá trị kinh tế từ cây ăn quả đạt 180 triệu đồng/ha/năm. Đồng thời, đến năm 2025 tổng diện tích cây ăn quả đạt 2.560 ha, diện tích cây ăn quả tập trung đạt gần 1.700 ha, giá trị kinh tế đạt 220 triệu đồng/ha/năm và có ít nhất 80% sản phẩm cây ăn quả bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, có 30% (tương đương 768 ha) diện tích được chứng nhận sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP.

Đồng chí Lê Tiến Đạt, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Như Xuân, cho biết: Để đạt được các mục tiêu đề ra, huyện tiếp tục vận động Nhân dân tích tụ ruộng đất, hỗ trợ kinh phí mua giống và chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển các vùng cây ăn quả tập trung quy mô lớn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tiếp tục phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật về cải tạo vườn tạp, chiết, ghép cây ăn quả; sản xuất hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân. Đồng thời, thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến để hình thành các chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất cây ăn quả, gắn sản xuất với thu hoạch để nâng cao giá trị và chất lượng cây ăn quả, nhất là tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung.

Chi Phạm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-cay-an-qua-o-huyen-nhu-xuan/155733.htm