Phát triển cây dược liệu gắn với chế biến, tiêu thụ
Đảm bảo các điều kiện phát triển cây dược liệu bền vững, một số hợp tác xã, tổ hợp tác đã liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Hợp tác xã dược liệu Thuận Hằng, xã Thái Sơn (Hàm Yên) vừa liên kết với Công ty cổ phần Nông nghiệp sạch công nghệ cao Quảng Bình (Quảng Bình) đầu tư trồng 4,1 ha cây dược liệu, trong đó 1 ha cây sâm bố chính, 3 ha cát sâm, 0,1 ha khôi nhung. Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết, tham gia liên kết, HTX phải chịu sự giám sát chặt chẽ, thực hiện chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại cho cây theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có hoạt chất hóa học. Ông Thuận cho rằng, bị “áp đặt” làm theo tiêu chuẩn nhưng đổi lại công ty cam kết sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm sản xuất ra theo đúng giá thị trường nên các thành viên rất phấn khởi. Hiện tại, giá doanh nghiệp niêm yết thu mua sâm bố chính là 140 nghìn/kg củ tươi và 170 nghìn/kg đối với củ cát sâm.
Mô hình trồng thử nghiệm cây sa nhân dưới tán rừng phát triển rất tốttrên địa bàn xã Thái Sơn (Hàm Yên).
Mô hình liên kết trồng cây xạ đen dưới tán rừng của Trung tâm thực nghiệm, thực hành Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) và Tổ hợp tác trồng xạ đen phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) đã phát huy hiệu quả. Đồng chí Nguyễn Công Tĩnh, Chủ tịch UBND phường Mỹ Lâm cho biết, qua 6 năm thực hiện mô hình liên kết sản xuất xạ đen đã mang lại lợi ích kép, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp địa phương, người dân có thêm thu nhập.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cây dược liệu đang đứng vào top đầu trong những cây có giá trị kinh tế cao, đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Cũng vì giá trị kinh tế cao nên cây dược liệu đang tạo ra sức hút lớn, hiện tại nhiều địa phương, bà con chủ động đưa cây dược liệu vào thâm canh, xen canh trên diện tích đất vườn, dưới tán rừng... Toàn tỉnh hiện có trên 200 ha cây dược liệu, tăng 70 ha so với năm 2018, gồm các loại cây: Quế, nghệ, gừng, đinh lăng, xạ đen, cát sâm, sả...
Phát triển cây dược liệu trở thành ngành sản xuất hàng hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với ngành Y học cổ truyền tỉnh khai thác hiệu quả, bảo tồn các loại cây dược liệu bản địa. Đồng thời, hướng dẫn các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu tổ chức lại sản xuất, thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hoạt động trong lĩnh vực hóa dược để đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, sản xuất theo tiêu chuẩn, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, đảm bảo các điều kiện để cây dược liệu phát triển bền vững nhất. Ngoài ra sở cũng nghiên cứu, sưu tầm, đưa một số giống cây dược liệu mới vào trồng nhằm đa dạng hóa sản phẩm dược liệu của tỉnh.
Đồng chí Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năm 2019, Sở đã làm việc với Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, đưa cây sa nhân về trồng thử nghiệm tại một số địa phương. Hiện tại một số mô hình trồng thử nghiệm cây sa nhân sinh trưởng, phát triển rất tốt. Đây là cây dược liệu quý dùng trong hóa dược có giá trị kinh tế rất cao tại một số tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, người dân đã thành công từ mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng, đem lại nguồn lợi kinh tế lớn.