Phát triển cây dược liệu - sinh kế mới của đồng bào vùng cao
Tại 1 số khu vực, cây dược liệu đem lại hiệu quả kinh tế vượt trội hơn rất nhiều so với cây lương thực, cây ăn quả.
Nằm trên độ cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển, xã vùng cao An Toàn, huyện An Lão (Bình Định) được xem là "thủ phủ" cây dược liệu của tỉnh Bình Định, với nhiều loại cây thuốc quý như: ba kích tím, hà thủ ô đỏ, đảng sâm, chè dây... Nhờ dự án bảo tồn, phát huy giá trị cây bản địa đã mở ra hy vọng giúp bà con dân tộc Ba Na có cuộc sống ấm no, phát triển bền vững hơn.
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, khí hậu và điều kiện tự nhiên tại An Toàn giúp cho các loại cây dược liệu "tích" được nhiều hoạt chất quý, đây là điều kiện tiên quyết khi nhà sản xuất muốn có các loại thuốc nam dược và thực phẩm chức năng chất lượng.
Tại vùng rừng núi An Toàn cũng đang có một số loài cây dược liệu đang sinh trưởng, phát triển rất tốt. Nếu khai thác tiềm năng, lợi thế về đặc điểm đất đai và thời tiết khí hậu của địa phương, thì cây dược liệu sẽ mở ra hướng sản xuất mới, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nông dân...
Trước thực tế trên, dự án trồng cây dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO triển khai tại An Toàn là hướng sinh kế mới cho người dân ở đây.
Hiện, nông dân xã An Toàn đã thành lập 3 tổ liên kết bảo vệ chè dây mọc tự nhiên; trồng 2.000 m2 chè dây tại rẫy; khoanh nuôi dưới tán rừng 5.000 m2 chè dây. Chị Đinh Thị Nớ, người dân địa phương cho biết: Hiện nay, đồng bào Ba Na đã biết quy trình trồng, chăm sóc chè dây và các cây dược liệu khác theo hướng hữu cơ. Ước mong sau này có thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình khấm khá".
Tỉnh Bình Định nhận định việc trồng cây dược liệu giúp chủ động được nguyên liệu trong sản xuất nam dược, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời mở ra cơ hội thoát nghèo cho đồng bào DTTS tại địa phương.