Phát triển cây dược liệu trên vùng cao nguyên

Đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) vừa có 1 vụ thu hoạch cây dược liệu thắng lợi, tạo đà mở rộng diện tích trồng cây dược liệu trên cao nguyên Bắc Hà, góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân.

Nhằm thực hiện Dự án Phát triển cây dược liệu Bắc Hà, toàn huyện Bắc Hà (Lào Cai) đã triển khai trồng hàng chục ha cây dược liệu, trong đó chủ yếu là cây đương quy và cát cánh, cùng một số cây khác như bạch truật, bạch chỉ, đẳng sâm…

Bên cạnh tăng diện tích trồng, chính quyền địa phương đã tích cực chuyển giao tiến bộ KHKT cho bà con các xã vùng Dự án như Tả Văn Chư, Lùng Phình, Na Hối… Theo đó, bà con luôn chú trọng canh tác, bảo đảm đúng quy trình kĩ thuật do cán bộ chuyên môn hướng dẫn nên hiệu quả kinh tế mang lại rất khả quan.

Cụ thể, bà con nông dân huyện Bắc Hà đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích hơn 40 ha cây đương quy, đạt trữ lượng trên 240 tấn củ tươi và hơn 30 ha cây cát cánh, trữ lượng gần 200 tấn củ. Các sản phẩm củ tươi sau thu hoạch được Trung tâm DVNN huyện thu mua hết với giá đã cam kết ổn định. Sau đó, toàn bộ sản phẩm được chuyển về trung tâm huyện sơ chế, sấy khô và cung ứng, bán cho các công ty dược trong nước.

1 vùng trồng cây dược liệu trên cao nguyên Bắc Hà.

1 vùng trồng cây dược liệu trên cao nguyên Bắc Hà.

Với cây dược liệu cát cánh, ngành Nông nghiệp huyện Bắc Hà đánh giá, hiệu quả kinh tế mang lại khá cao, đạt từ 80-90 triệu đồng/ha, gấp 5-6 lần so với cấy lúa, trồng ngô. Do đó, bà con rất hăng hái mở rộng diện tích.

Thậm chí có 1 số hộ gia đình chỉ trồng cây dược liệu cát cánh, nhưng thu được 5,8 tấn củ tươi, mang về nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Đây là nguồn thu rất lớn đối với một gia đình nông dân vùng cao.

Cũng trong những năm gần đây, Trung tâm DVNN huyện Bắc Hà đã được Hội đồng Khoa học tỉnh nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với nhiều loại giống dược liệu gồm đương quy, đan sâm, cát cánh,.... Nhờ đó đến nay, huyện đã tự chủ được nguồn giống tốt và quy trình kỹ thuật chuẩn đối với ba loại cây này. Điều này giảm bớt được chi phí đầu vào và bảo đảm được nguồn giống tốt cho vụ sản xuất mới.

Được biết, toàn bộ diện tích cây trồng vừa qua được thực hiện trong khung thời vụ tốt nhất, nên tránh được những đợt rét lạnh khắc nghiệt mùa đông, tỉ lệ nảy mầm đạt trên 90%. Hiện nay, bà con đang tiếp tục theo dõi, chăm sóc, diện tích trồng đang trong giai đoạn nảy mầm. Huyện Bắc Hà phấn đấu đến năm 2025 trồng được khoảng 200ha dược liệu.

Chương trình vinh danh vì sự phát triển dược liệu Việt Nam.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phat-trien-cay-duoc-lieu-tren-vung-cao-nguyen-169231002082301913.htm