Phát triển cây dược liệu trở thành sản phẩm đặc trưng của Cam Lộ
Trong những năm qua, huyện Cam Lộ đã tìm kiếm, chuyển đổi thành công mô hình phát triển cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt, khi nhiều sản phẩm cao dược liệu của huyện Cam Lộ được thị trường tiêu dùng ưa chuộng và biết đến, thì định hướng đẩy mạnh phát triển cây dược liệu trở thành sản phẩm đặc trưng, riêng biệt của địa phương, mở ra hướng đi đột phá phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ mỗi năm chế biến tổng sản lượng cao các loại như chè vằng, cà gai leo, hà thủ ô…, trung bình khoảng 135 tấn sản phẩm, tương đương sử dụng khoảng 1.350 tấn nguyên liệu tươi/ năm. Trước đây, nguyên liệu dùng để nấu cao dược liệu người dân phải vào rừng tìm kiếm và khai thác, hoặc thu mua từ các tỉnh khác về, nên sản xuất gặp nhiều khó khăn, không chủ động. Từ năm 2014, chiến dịch “thuần hóa” một số cây như chè vằng, cà gai leo được bà còn làng nghề Định Sơn thử nghiệm cho thấy có thể đưa nguyên liệu nấu cao từ trong rừng về nhà trồng. Bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2015, huyện Cam Lộ bắt đầu cho trồng thử nghiệm 2 ha cà gai leo, 1 ha chè vằng. Đến năm 2016, Cam Lộ tiếp tục mở rộng mô hình trồng thử nghiệm các giống cây dược liệu như cà gai leo, chè vằng, ngưu tất, sinh địa, nghệ lên quy mô gần 30 ha.
Năm 2017, địa phương này mạnh dạn ban hành chính sách phát triển vùng nguyên liệu cao dược liệu với quy mô 30 ha trồng cây chè vằng ở các xã: Cam Nghĩa, Cam Chính, Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Hiếu và thị trấn Cam Lộ, nhằm khắc phục tình trạng khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào cho làng nghề cao dược liệu Định Sơn. Người dân khi tham gia dự án trồng cây chè vằng tập trung từ 0,5 ha trở lên được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón, công làm đất với mức hỗ trợ 15 triệu đồng/ha. Đồng thời, huyện Cam Lộ tạo điều kiện cho bà con tham gia dự án trồng cây dược liệu được vay vốn hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 21 của UBND tỉnh Quảng Trị về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vốn vay phát triển sản xuất kinh doanh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015-2020. Bên cạnh đó, huyện Cam Lộ phối hợp với Sở KH&CN triển khai mô hình trồng thử nghiệm một số cây dược liệu như: sinh địa, ngưu tất, bạch chỉ, hoài sơn, sâm bố chính. Một số doanh nghiệp nắm bắt chính sách hỗ trợ phát triển cây dược liệu của huyện Cam Lộ đã tìm đến đầu tư, như Công ty TNHH QT Minh Điền ở thành phố Đông Hà thực hiện mô hình trồng cây đinh lăng, chè vằng, sâm Bố Chính theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Cam Thủy quy mô 7 ha, liên kết với Công ty TNHH Nông nghiệp Cao Tuệ Lâm và Công ty Cổ phần Traphaco cung ứng giống, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc và cam kết thu mua bao tiêu sản phẩm...
Sau chiến dịch “thuần hóa” một số cây dược liệu thành công, huyện Cam Lộ tiến tới định hướng quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh cây dược liệu tập trung với quy mô hơn 200 ha. Đến nay, toàn huyện Cam Lộ đã phát triển diện tích cây dược liệu hơn 100 ha, gồm 80 ha cây chè vằng, 15 ha cây cà gai leo và một số cây dược liệu khác. Hiệu quả kinh tế của cây dược liệu cao hơn nhiều các loại cây trồng khác. Theo đánh giá, mỗi năm cây cà gai leo cho thu hoạch 2-3 lứa, năng suất khô đạt 20-24 tạ/ha, thu nhập 160-200 triệu đồng/ ha, lãi 100-130 triệu đồng/ha; cây chè vằng mỗi năm thu hoạch 2-3 lứa, năng suất đạt 90 tạ/ha, doanh thu 135 triệu đồng/ha; sâm bố chính năng suất 40 tạ/ha, giá bán 50.000 đồng/kg củ tươi, sau khi trừ chi phí lãi 140 triệu đồng/ha. Hiện nay, các loại cây dược liệu chè vằng và cà gai leo đều có cơ sở chế biến trên địa bàn thu mua bao tiêu sản phẩm nguyên liệu, cung không đủ cầu. Huyện chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với các địa phương mở lớp tập huấn kỹ thuật trồng cây dược liệu, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở chế biến cũng như liên doanh, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ, quảng bá và xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm dược liệu.
Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết: Định hướng của huyện Cam Lộ phát triển cây dược liệu thành hướng đi mũi nhọn, sản xuất chuyên canh vùng nguyên liệu tập trung trước mắt khoảng 200 ha cung cấp cho làng nghề cao dược liệu Định Sơn và các cơ sở chế biến cao dược liệu trên địa bàn, tạo sản phẩm đặc trưng, riêng có của địa phương, xây dựng sản phẩm OCOP. Trên địa bàn huyện Cam Lộ hiện có hơn 1.000 ha đất rừng có độ dốc thấp được quy hoạch vành đai phát triển trang trại, gia trại, trồng cây ăn quả và cây dược liệu. Dự kiến, khi hệ thống công trình thủy lợi Ba hồ Bản Chùa hoàn thành, cùng với công trình thủy lợi Đá Mài - Tân Kim đang phát huy tốt hiệu quả tưới, thì hướng đi trồng cây dược liệu của huyện Cam Lộ sẽ phát triển mạnh, trở thành trung tâm cây dược liệu của tỉnh Quảng Trị và cả khu vực miền Trung.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=150139