Phát triển cây hồ tiêu, thách thức và triển vọng. Bài 1: Người trồng tiêu lao đao

Niên vụ hồ tiêu 2018 - 2019 tiếp tục là một năm khó khăn đối với người trồng hồ tiêu ở Quảng Trị khi giá cả liên tục giảm và đang ở mức thấp kỉ lục trong khoảng 10 năm qua. Tiêu rớt giá, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp khiến người dân lâm vào cảnh 'bỏ thì thương, vương thì nặng' đối với loại cây vốn một thời được ví như 'vàng đen' này.

 Nhiều diện tích hồ tiêu ở các địa phương đang trong tình trạng vàng lá

Nhiều diện tích hồ tiêu ở các địa phương đang trong tình trạng vàng lá

Chật vật đối phó với sâu bệnh và tiêu rớt giá

Tranh thủ kiểm tra vườn tiêu với phần lớn diện tích bị vàng lá, anh Nguyễn Ngọc Hải, Tổ trưởng Tổ trồng tiêu thôn Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ ngậm ngùi nói: “Thời gian qua ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán kéo dài nên cây tiêu có hiện tượng héo, chết chậm, một số diện tích bị rệp sáp phá hoại làm ảnh hưởng đến kinh tế của người trồng tiêu. Giờ chúng tôi chỉ có cách chờ mưa xuống, tiến hành vệ sinh vườn tiêu và tiếp tục chăm cây cho vụ mới. Vụ vừa rồi gia đình tôi cố gắng huy động người thu hái được chừng nào thì đem phơi khô cất lại, chờ lúc nào tiêu lên giá thì bán chứ bán thời điểm này quá lỗ”. Xã Cam Chính hiện có hơn 164 ha hồ tiêu, trong đó diện tích tiêu kinh doanh hơn 146 ha.

Vụ tiêu năm nay, năng suất bình quân đạt 11 tạ/ha, tăng so với năm 2018 là 6 tạ/ha, sản lượng 160,82 tấn, tăng 88,72 tấn so với năm 2018. Năng suất cải thiện hơn năm ngoái, tuy nhiên tình hình sâu bệnh trên cây tiêu diễn biến phức tạp. Tại vườn tiêu tập trung 7,5 ha ở Cồn Trữa được trồng từ năm 2016, hầu hết diện tích cây bị bệnh tuyến trùng rễ gây hại, cây bị vàng lá. Để khắc phục và hạn chế bệnh lây lan gây hại, xã chuẩn bị triển khai cho người dân xử lí đồng loạt vườn tiêu bị bệnh bằng thuốc Nocaph. Gắn bó với cây tiêu hàng chục năm nay, ông Trần Văn Vinh, ở thôn Liêm Công Tây, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh không khỏi xót xa khi nhìn vườn tiêu bị vàng lá, rụng đốt do bệnh tuyến trùng hoành hành. Vườn tiêu của gia đình ông có khoảng 400 cây, trong đó lẫn cả tiêu cũ trồng từ trên 10 năm và số tiêu mới trồng khoảng 3 - 4 năm.

Ông Vinh cho biết: “Người trồng tiêu lao đao vì sâu bệnh gây hại liên tục, vào cuối năm ngoái thì đối phó với tình trạng cây tiêu bị bệnh chết nhanh, chết chậm, năm nay thì hạn hán kéo dài, thiếu nước nên tiêu vàng lá hàng loạt. Đối với gia đình tôi, may ra còn có số tiêu mới 4 năm tuổi trồng theo mô hình của dự án hỗ trợ là còn phát triển tạm ổn, giờ cố gắng chăm sóc để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của sâu bệnh. Giá tiêu xuống thấp khiến người trồng tiêu cũng lơ là chăm sóc vườn cây”. Tại xã Vĩnh Thành có hơn 123 ha diện tích hồ tiêu, trong đó diện tích cho thu hoạch là 87,8 ha. Để đối phó với tình hình hạn hán, một số hộ trồng tiêu chịu khó đào giếng để lấy nước tưới vườn cây, tuy nhiên phần lớn đều chăm sóc cầm chừng, thậm chí nhiều hộ còn bỏ bê việc thu hái bởi giá bán không bù được tiền công thuê người hái. Một cân hạt tiêu khô thời điểm hiện nay có giá dao động chỉ từ 45.000 - 48.000 đồng, trong khi đó, vào khoảng năm 2015, giá hồ tiêu đạt đỉnh điểm lên đến 230.000 đồng/kg tại vườn.

Nguyên nhân của tình trạng hồ tiêu liên tục rớt giá trong những năm gần đây được nhận định là do “cung” nhiều hơn “cầu”. Tình trạng này bắt nguồn từ việc diện tích trồng hồ tiêu cả nước phát triển vô cùng “nóng” trong giai đoạn từ năm 2013 - 2018, trong vòng 5 năm, diện tích hồ tiêu cả nước đã tăng gấp 3 lần so với trước đó.

Loay hoay với bài toán chất lượng

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tiêu Quảng Trị nổi tiếng với hương vị thơm và cay, tuy nhiên việc áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất còn hạn chế, dẫn đến năng suất và sản lượng còn khá thấp so với tiềm năng. Đơn cử, cùng một giống tiêu nhưng ở các vùng như Tây Nguyên, Bình Phước năng suất cao gấp 1,5-2 lần so với sản xuất tại Quảng Trị. Bên cạnh những điều kiện thuận lợi để mở rộng phát triển diện tích hồ tiêu thì vẫn tồn tại không ít khó khăn đối với người trồng tiêu trên địa bàn tỉnh.

Đối với chu kì sinh trưởng của cây tiêu, thời gian ra hoa và đậu trái thường vào cuối tháng 11, 12 hằng năm, thời gian này trùng với thời tiết mưa, rét nên khả năng đậu quả cũng bị hạn chế. Thời gian qua tình hình sâu bệnh thường xuyên xảy ra, các loại bệnh hại chủ yếu trên cây tiêu là bệnh tuyến trùng hại rễ, bệnh chết nhanh chết chậm (thối gốc rễ), thán thư, xoắn lá, rệp sáp… Trong đó nặng nhất là bệnh thối gốc, rễ do nấm phytopthra gây hại. Việc người dân phát triển diện tích hồ tiêu trong khi chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về khoa học kĩ thuật đã tạo điều kiện cho sâu bệnh gây hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cây trồng. Một khó khăn nữa là hiện tại, hầu hết các giống tiêu đang trồng là giống tiêu Vĩnh Linh, chất lượng cao, năng suất trung bình chiếm tỉ lệ 80%.

Tuy nhiên các giống tiêu đã tồn tại lâu trên địa bàn, không được phục tráng nên phần lớn đã bị thoái hóa. Chỉ tính riêng trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, diện tích hồ tiêu đến thời điểm hiện nay là 1.305 ha, trong đó vườn tiêu già cỗi chiếm từ 30- 40%, năng suất thấp. Các vườn tiêu cũ không cải tạo được, cũng không thể phá bỏ để trồng mới vì việc cải tạo đất cần nhiều thời gian và chi phí lớn. Do vậy đối với những vườn tiêu cũ, tỉ lệ cây dễ bị nhiễm bệnh tương đối cao. Năm 2018, diện tích tiêu đưa vào kinh doanh trên địa bàn huyện Vĩnh Linh là 1.085 ha và sản lượng 727 tấn, giảm 653 tấn so với năm 2017, đạt 61,9% so kế hoạch do năng suất chỉ đạt 6,7 tạ/ha.

Hiện nay không riêng gì đối với Quảng Trị mà cả nước chưa có vườn ươm giống chuẩn, giống hiện tại chủ yếu được tuyển lựa qua quá trình canh tác của địa phương cho nên có hàng chục loại giống, lai tạp khác nhau, làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu. Mặt khác, việc quản lí các giống tiêu trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do người trồng tiêu quen với việc tự lấy giống tiêu trên các vườn tiêu cũ để trồng mới. Đối với những vườn tiêu trồng mới, người dân cũng đang đối mặt với nguy cơ thua lỗ bởi thời điểm đầu tư thì giá hồ tiêu lên cao nhưng với giá như hiện nay không thể bù chi phí chăm sóc, thu hoạch chứ chưa nói đến chuyện có lãi.

Bà Lê Thị Thúy Kiều, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Linh chia sẻ thêm: “Phát triển bền vững cây hồ tiêu trên địa bàn huyện Vĩnh Linh nói riêng và các địa phương trong tỉnh nói chung vẫn còn nhiều rào cản, trong đó phải kể đến việc chưa xây dựng được nhiều mô hình sản xuất tiêu sạch, tiêu bền vững, đảm bảo chứng nhận VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Bởi so với hồ tiêu trồng đại trà thì giá tiêu sạch luôn được bao tiêu ở mức cao hơn, nhiều nơi cá biệt cao hơn từ 2 - 3 lần. Nông dân cũng an tâm hơn về vấn đề đầu ra cho sản phẩm”.

Nhiều khó khăn mà ngành sản xuất hồ tiêu đang đối mặt đang đòi hỏi cần có những giải pháp vừa để hỗ trợ kịp thời người nông dân, vừa để duy trì sản xuất bền vững, nâng cao giá trị của sản phẩm hồ tiêu.

Thanh Trúc- Lê An

(Còn nữa)

Bài 2: Hướng đến một nền sản xuất hồ tiêu bền vững

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141626