Phát triển cây thức ăn chăn nuôi

Thanh Hóa có tổng đàn gia súc lớn với các loại con nuôi như trâu, bò sữa, dê... Để giải quyết vấn đề về nguồn thức ăn, nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn gia súc, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây trồng làm thức ăn chăn nuôi. Có thể nói, không chỉ có giá trị dinh dưỡng cao đối với gia súc, các loại cây thức ăn chăn nuôi còn mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với một số cây trồng khác đang được canh tác trên cùng đơn vị diện tích.

Người dân xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy) thu hoạch ngô sinh khối.

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, huyện Như Thanh đã tận dụng quỹ đất để xây dựng vùng nguyên liệu thức ăn xanh, phục vụ chăn nuôi đại gia súc và cung cấp cho các trang trại bò sữa trên địa bàn. Tại xã Phú Nhuận, người dân đã chuyển đổi đất trồng các loại cây kém hiệu quả kinh tế, đất vườn tạp sang trồng các loại cây thức ăn chăn nuôi như cỏ voi, cỏ VA06, Mulato, ngô dày... với tổng diện tích 45 ha. 70 hộ sản xuất được xã định hướng các giống phù hợp với thổ nhưỡng, các loại con nuôi và hướng dẫn người dân cách chăm sóc, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách. Anh Lê Đắc Duẩn, thôn Phú Phượng 1, một trong những hộ có diện tích trồng lớn, cho biết: "Để chủ động nguồn thức ăn xanh cho đàn bò, tôi đã cải tạo hơn 2 ha đất bỏ hoang của gia đình để trồng cỏ voi. Cỏ có ưu điểm là dễ trồng, khả năng sinh trưởng nhanh, năng suất cao. Việc trồng cỏ voi không những giúp gia đình tôi chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi, tiết kiệm chi phí trong quá trình sản xuất mà còn giúp nâng cao năng suất, chất lượng con nuôi”.

Ông Ngô Xuân Thân, Chủ tịch UBND xã Phú Nhuận, cho biết: Việc mở rộng diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi sẽ giúp người dân nhận thấy tầm quan trọng của nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng trong chăn nuôi, từ đó thay đổi tập quán chăn nuôi theo hình thức chăn thả, hướng đến nền chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Ngoài việc chủ động được nguồn thức ăn xanh cho trâu, bò trong mùa đông, các hộ còn cung cấp cho các trang trại bò sữa, trừ chi phí, người dân thu lãi khoảng 100 triệu đồng/ha/năm. Cũng theo ông Thân: Hiện nay, bên cạnh trồng cây thức ăn cho gia súc, nhiều hộ dân đã đầu tư các loại máy cắt, máy nghiền cỏ voi, ngô dày để phục vụ sản xuất.

Hiện nay, tại các huyện Lang Chánh, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Ngọc Lặc... việc phát triển diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi đang được triển khai thực hiện thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nhiều mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình chuyển đổi sang trồng ngô dày làm thức ăn chăn nuôi tại xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy); mô hình chuyển đổi ngô năng suất thấp sang trồng ngô dày tại xã Thúy Sơn (Ngọc Lặc); mô hình trồng cỏ VA06, Mulato xã Phú Nhuận (Như Thanh)... Nhờ đó, diện tích trồng cây thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh những năm qua tăng nhanh khoảng 15.000 ha, trong đó, khoảng 80% là diện tích trồng các giống cỏ như: VA06, Mulato, cỏ voi... Không chỉ phục vụ chăn nuôi nông hộ, các địa phương đã khuyến khích người dân phát triển cây thức ăn chăn nuôi gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp.

Điển hình tại xã Cẩm Yên (Cẩm Thủy), HTX dịch vụ nông nghiệp và thủy lợi Cẩm Yên đã hỗ trợ cho các hộ dân tham gia sản xuất cây ngô sinh khối với tổng diện tích hơn 120 ha/năm. Với ưu điểm như khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết, chịu hạn, chống chịu sâu bệnh cao, thời gian sinh trưởng ngắn nên người dân có thể sản xuất ngô sinh khối được 3 vụ/năm. Toàn bộ thân, lá, bắp được xay nhỏ để gia súc ăn trực tiếp hoặc ủ chua, làm viên nén... Hiện, phần lớn diện tích sản xuất ngô sinh khối trên địa bàn xã Cẩm Yên được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty CP Thực phẩm sữa TH và cung cấp cho một số trang trại nuôi bò tại các huyện Yên Định, Bá Thước...

Hiệu quả từ thực tế cho thấy, việc mở rộng diện tích trồng cây làm thức ăn chăn nuôi không chỉ là chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà còn nâng cao hiệu quả cho chăn nuôi gia súc. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, thực hiện chuyển đổi diện tích đất sản xuất hiệu quả kinh tế thấp sang trồng cây thức ăn chăn nuôi, nhất là các huyện có điều kiện tự nhiên về đất đai, như: Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thọ Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Bá Thước... Đồng thời, thực hiện các biện pháp lựa chọn giống cỏ có khả năng chịu hạn, chịu rét, chịu sương muối tốt, như: VA06, Mulato, cỏ voi... áp dụng thâm canh để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đi đôi với đó, chỉ đạo các HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ cây ngô dày sinh khối, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-cay-thuc-an-chan-nuoi/181035.htm