Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 1-3-2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi. Trong đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ sẽ bị phạt tiền mức 1-7 triệu đồng; con số này với vi phạm quy định về xử lý nước thải, khí thải chăn nuôi là 3-10 triệu đồng. Dư luận cho rằng, đây là biện pháp hữu hiệu nhằm phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Nghị định số 14/2021/NĐ-CP có nhiều quy định xử phạt nghiêm hành vi vi phạm về chất thải, nước thải, khí thải chăn nuôi. Trong ảnh: Chăm sóc lợn tại trang trại chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, xã Nguyên Khê (huyện Đông Anh). Ảnh: Đỗ Tâm

Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Ngô Tiến Hoàng:
Chăn nuôi hữu cơ là xu hướng phát triển tất yếu

Ngoài quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP còn quy định hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải, nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về khí thải chăn nuôi, nước thải chăn nuôi. Theo đó, hành vi này bị phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ; 5-7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa; 7-10 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Việc xử phạt nghiêm hành vi vi phạm sẽ góp phần buộc các cơ sở chăn nuôi phải thực hiện đúng quy định bảo vệ môi trường. Đây là căn cứ để tiếp tục đưa chăn nuôi hữu cơ trở thành xu hướng phát triển tất yếu.

Cùng với các địa phương, huyện Ứng Hòa đang tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý chất thải; xây dựng kinh tế nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung:
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

Chăn nuôi gia súc, gia cầm của huyện Ba Vì đang có sự tăng trưởng nhanh cả về quy mô và giá trị kinh tế. Tuy nhiên, chăn nuôi cũng đang nảy sinh nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Chăn nuôi càng phát triển thì việc phòng, chống ô nhiễm môi trường càng trở nên cần thiết và cấp bách. Nếu như người dân đô thị luôn phải đối mặt với tình trạng tiếng ồn, rác thải sinh hoạt, khói bụi... thì người dân ở vùng nông thôn lại phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật, đặc biệt là chất thải, nước thải, khí thải từ chăn nuôi.

Trong bối cảnh đó, Nghị định số 14/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 7-5-2018 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản) với việc tăng mức xử phạt sẽ buộc các cơ sở chăn nuôi nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh:
Khuyến khích trang trại đầu tư hạ tầng đạt chuẩn

Phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại cần có sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và nhất là giải quyết thách thức về ô nhiễm môi trường do chất thải, nước thải, khí thải chăn nuôi gây ra. Nghị định số 14/2021/NĐ-CP quy định cụ thể mức xử phạt đối với từng hành vi, đồng thời buộc phải có biện pháp khắc phục hậu quả.

Những quy định này là rất cần thiết nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh; đồng thời khuyến khích các chủ trang trại đầu tư hạ tầng chuồng trại đạt chuẩn để bảo vệ môi trường.

Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, Công ty Luật HiLap (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì):
Thêm chế tài xử lý vi phạm

Hà Nội có nhiều lợi thế về phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, tuy nhiên chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ rất lớn. Những hạn chế trong giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường ngay trong khu dân cư. Để giải quyết tình trạng này, thành phố Hà Nội đã đề ra hàng loạt giải pháp. Đáng chú ý, HĐND thành phố đã có Nghị quyết số 02/2020/NĐ-HĐND ngày 7-7-2020 “Ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Cùng với những quy định tại nghị quyết này, sự ra đời của Nghị định số 14/2021/NĐ-CP của Chính phủ sẽ thêm các quy định để các cơ quan quản lý, chính quyền địa phương kiên quyết hơn trong phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Bà Nguyễn Thị Tơ, xã Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ:
Ngăn chặn ô nhiễm môi trường từ trang trại

Quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn cùng chính sách dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện cho nhiều gia đình, tổ chức mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng, phát triển kinh tế. Tuy vậy, bên cạnh mặt tích cực, một số khu vực nông thôn đang phải đối mặt với thực trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ mắc bệnh trong gia súc, gia cầm tăng cao và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của chính người chăn nuôi.

Để ngăn chặn triệt để những hệ lụy phát sinh do ô nhiễm môi trường từ quá trình chăn nuôi và tránh thiệt hại cho người chăn nuôi, tôi kiến nghị các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra, giám sát để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định tại Nghị định số 14/2021/NĐ-CP.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/994033/phat-trien-chan-nuoi-gan-voi-bao-ve-moi-truong