Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bền vững
Trong điều kiện dịch bệnh, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, song với quyết tâm thúc đẩy phát triển chăn nuôi, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã tích cực tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung. Việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trong điều kiện dịch bệnh, thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, song với quyết tâm thúc đẩy phát triển chăn nuôi, ngành Nông nghiệp, các địa phương đã tích cực tổ chức sản xuất, chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tập trung. Việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt VietGAHP đang dần trở thành xu hướng ở các địa phương, góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững.
Trước đây, gia đình ông Nguyến Tiến Dũng ở thôn Tiền, xã Tam Thanh (Vụ Bản) nuôi lợn kiểu tận dụng, cơ sở chăn nuôi sơ sài, không có kho để thức ăn, không có hố sát trùng, khử khuẩn. Tuy nhiên, sau khi đàn lợn của gia đình ông bị bệnh dịch tả lợn châu Phi, được sự hỗ trợ của địa phương, ngành Nông nghiệp, ông đã quyết định đầu tư hơn 300 triệu đồng để xây mới 2 dãy chuồng khép kín, có tường rào bao quanh, kho để thức ăn riêng biệt, hệ thống ăn, uống nước sạch tự động… bảo đảm theo yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học có sự kiểm soát quản lý. Sau khi đăng ký việc chăn nuôi với chính quyền địa phương, từ đầu năm 2021 ông Dũng đã vào giống được trên 100 con lợn thịt, 5 con lợn nái. Để bảo đảm an toàn cho đàn lợn, ông Dũng thực hiện nghiêm việc tiêu độc, khử trùng lối đi lại bằng nước vôi, đặt bẫy ngăn chuột, côn trùng xâm nhập vào chuồng, tổ chức cách ly và không cho người lạ vào chuồng. Trước khi vào chuồng cho lợn ăn ông đều tiến hành khử khuẩn, sát trùng tất cả các dụng cụ bảo đảm sạch. Nhờ đó đến nay đàn lợn của gia đình ông Dũng phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh, chuẩn bị xuất chuồng… Theo khảo sát, đánh giá của ngành chức năng, hiện nay phần lớn người chăn nuôi đã quan tâm nhiều hơn đến việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật, thực hiện phát triển chăn nuôi có điều kiện để phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi. Nhờ đó, tỷ lệ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát tại các địa phương giảm nhưng tổng đàn vật nuôi của tỉnh vẫn tiếp tục tăng. Cụ thể, hết quý I-2021, toàn tỉnh ước có khoảng 642.100 con lợn, tăng 36.600 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 15.227 tấn, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020; trọng lượng lợn xuất chuồng bình quân đạt 85 kg/con. Đàn gia cầm ước hiện có 8 triệu 740 nghìn con, tăng 450 nghìn con so với cùng kỳ năm trước; trong đó, đàn gà 6 triệu 280 nghìn con, tăng 330 nghìn con. Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 2.980 tấn, tăng 270 tấn; trong đó, sản lượng gà hơi xuất chuồng ước đạt 2.385 tấn, tăng 195 tấn; sản lượng trứng gia cầm tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Đàn trâu, bò hiện có 37 nghìn con. Chăn nuôi phát triển góp phần quan trọng ổn định thị trường tiêu dùng các loại thực phẩm thiết yếu. Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, giá các sản phẩm chăn nuôi trong quý I-2021 không biến động nhiều. Giá thịt lợn hơi dao động ở mức 80-86 nghìn đồng/kg (tương đương với cùng kỳ năm 2020), giá thịt gà trắng hiện tại đang ở mức 20-35 nghìn đồng/kg (tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với cùng kỳ 2020), thịt gà lông màu vẫn duy trì giá 47-55 nghìn đồng/kg. Các sản phẩm khác vẫn giữa giá ổn định: Trứng gà dao động 1.500-1.700 đồng/quả, trứng vịt có giá 2.000-2.300 đồng/quả. Tuy nhiên, việc tái đàn lợn trên địa bàn các huyện, thành phố được chính quyền và người dân quan tâm và đẩy mạnh, song giá lợn giống vẫn ở mức cao từ 2 đến 2,5 triệu đồng/con lợn giống, tương đương với cùng kỳ năm 2020.
Để bảo đảm an toàn cho đàn vật nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT) đã tích cực giám sát chủ động các loại dịch bệnh. Từ đầu năm đến nay, Chi cục đã lấy 71 mẫu gia cầm, 20 mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn để giám sát bệnh dịch tả lợn châu Phi, 15 mẫu bệnh phẩm giám sát bệnh tai xanh và 15 mẫu bệnh dịch tả lợn cổ điển. Kết quả, tất cả các mẫu gia cầm đều âm tính với vi-rút cúm gia cầm; 4 mẫu dương tính với vi-rút dịch tả lợn châu Phi tại 4 hộ; các mẫu bệnh tai xanh, dịch tả lợn cổ điển đều âm tính… Đồng thời thực hiện giám sát bị động, giám sát an toàn thực phẩm nhằm đưa ra những cảnh báo kịp thời cho người chăn nuôi trong việc phòng, chống các loại dịch bệnh theo mùa. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp còn tích cực xử lý hiệu quả các ổ dịch phát sinh tại các địa phương, góp phần hạn chế dịch bệnh lây lan, như đối với bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xuất hiện thời gian vừa qua. Cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, Sở NN và PTNT, các địa phương cũng tích cực huy động nguồn lực, hướng dẫn các chủ trang trại có đủ khả năng, kinh nghiệm xây dựng phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi lợn. Trước mắt, tranh thủ nguồn vốn đầu tư của tổ chức FAO, Cục Chăn nuôi (Bộ NN và PTNT) xây dựng điểm 4 trang trại ở huyện Ý Yên, Xuân Trường, Hải Hậu nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học, tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ vi sinh trong thức ăn, xử lý chất thải làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường, đồng thời quản lý tốt các loại dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi và tạo ra sản phẩm thịt lợn an toàn, chất lượng cao. Trên cơ sở đó, rút kinh nghiệm và tổ chức nhân ra diện rộng nhằm phát triển chăn nuôi quy mô lớn trong điều kiện dịch bệnh, thời tiết diễn biến phức tạp hiện nay. Ngoài ra, tự bản thân các hộ chăn nuôi lợn cần chủ động tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật mới, đồng thời vận dụng kiến thức, kinh nghiệm để tiếp tục cải tạo, thay đổi phương thức chăn nuôi phù hợp với điều kiện của mình, góp phần xây dựng, hình thành nền chăn nuôi bền vững, an toàn, hiệu quả và giải quyết tốt vấn đề môi trường./.
Bài và ảnh:Văn Đại