Phát triển chăn nuôi ở xã vùng cao

Khai thác tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm gần đây, người dân xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai) đã đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi. Đây là một trong những hướng đi giúp người dân trong xã nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Mô hình nuôi lợn thịt của người dân bản Có Nàng, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai).

Mô hình nuôi lợn thịt của người dân bản Có Nàng, xã Chiềng Khay (Quỳnh Nhai).

Để phát triển chăn nuôi bền vững theo hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại, gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường, xã đã vận động nhân dân tận dụng diện tích đất nương kém hiệu quả để trồng cỏ voi VA06 làm nguồn thức ăn nuôi nhốt gia súc tập trung. Bên cạnh đó, xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi cho người dân; hướng dẫn bà con lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế ở từng bản. Ngoài sự hỗ trợ con giống từ các Chương trình 135, 30a, xã đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển chăn nuôi. Tính riêng từ đầu năm đến nay, thông qua các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội của xã, đã có hơn 400 hộ dân vay trên 36 tỷ đồng vốn ưu đãi từ các ngân hàng để đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống chăn nuôi và trồng gần 18 ha cỏ làm thức ăn cho gia súc.

Trong quá trình phát triển chăn nuôi, xã đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông thường xuyên về các bản hướng dẫn nhân dân thực hiện gia cố chuồng trại bảo đảm ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè; ủ rơm bằng urê để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, nhất là vào mùa đông giá rét kéo dài. Cùng với đó, thực hiện tiêm vắc xin định kỳ phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Theo đó, trong 11 tháng năm nay, đã tiêm hơn 10.700 liều vắc xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho trâu, bò, phòng dịch tả lợn; phun khử trùng tiêu độc... Nhờ đó, đàn vật nuôi của xã phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh. Hiện toàn xã có hơn 5.100 con trâu, bò; gần 1.900 con dê; hơn 3.100 con lợn trên 2 tháng tuổi và trên 30.500 con gia cầm các loại.

Đến thăm mô hình chăn nuôi của gia đình anh Lò Văn Siểu, bản Nong Trạng. Anh Siểu cho biết: Năm 2009, thực hiện chương trình di dân TĐC phục vụ xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La, gia đình tôi cùng 22 hộ dân ở bản Púa, xã Chiềng Bằng chuyển đến tái định cư tại bản Nong Trạng, xã Chiềng Khay. Đến nơi ở mới, đất sản xuất nông nghiệp hạn chế và chủ yếu trồng ngô, sắn, năng suất thấp, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2010, tôi vay anh em họ hàng được hơn 40 triệu đồng, cùng số tiền tiết kiệm của gia đình mua 6 con bò giống về nuôi. Sau nhiều năm nhân đàn, đến nay, gia đình tôi có 25 con bò, vừa qua, bán 10 con bò, thu hơn 150 triệu đồng. Ngoài ra, còn nuôi 12 con dê, gần 100 con gia cầm. Để có nguồn thức ăn, gia đình tôi đã trồng hơn 400 m² cỏ voi, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp dự trữ thức ăn cho đàn gia súc vào mùa đông.

Còn gia đình ông Tẩn Văn Pặp, bản Phiêng Bay, nhờ phát triển chăn nuôi đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định. Hiện, gia đình ông đang nuôi 35 con bò, gần chục con lợn thịt, trung bình mỗi năm thu trên 100 triệu đồng từ chăn nuôi.

Thời gian tới, xã Chiềng Khay tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân phát triển chăn nuôi theo hướng tăng quy mô đàn, chăn nuôi nhốt chuồng, tập trung; mở rộng diện tích trồng cỏ, thực hiện phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi; phấn đấu đưa chăn nuôi trở thành nghề chính ở xã, giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững.

A Mua

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-chan-nuoi-o-xa-vung-cao-35588