Phát triển chăn nuôi quy mô trang trại

Vài năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Yên Châu có nhiều hộ nông dân mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi ở địa phương phát triển bền vững.

Gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn, là một trong những hộ đầu tiên của xã đầu tư trang trại nuôi bò sinh sản. Anh Việt chia sẻ: Trước đây, do chưa chú trọng đầu tư, chủ yếu chăn thả tự nhiên nên đàn bò chậm lớn. Được sự tư vấn của cán bộ chuyên môn về chăn nuôi, gia đình tôi xây dựng chuồng trại kiên cố, đầu tư lắp hệ thống quạt xung quanh chuồng, máng ăn, vòi nước uống tự động, hệ thống xử lý chất thải. Sau 4 năm, mô hình nuôi bò sinh sản bắt đầu có lãi. Hiện, trang trại của gia đình duy trì 40 - 50 con bò sinh sản. Mỗi năm gia đình bán khoảng 30 con bê giống, trừ chi phí lãi khoảng 250 triệu đồng.

Trang trại nuôi bò sinh sản của gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn.

Trang trại nuôi bò sinh sản của gia đình anh Bùi Văn Việt, bản Chiềng Thi, xã Chiềng Pằn.

Theo anh Việt, nuôi bò sinh sản phải biết cách chăm sóc theo từng giai đoạn, đảm bảo bò luôn đủ sức khỏe để có thể sinh sản tốt. Muốn vậy, nguồn thức ăn phải chất lượng thì khi sinh ra bê con mới khỏe mạnh. Ngoài tận dụng các phụ phẩm từ rơm, rạ, thân cây ngô sau khi thu hoạch, gia đình anh dành 0,5 ha đất trồng cỏ giống VA06, tiến hành ủ chua cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn bò và thực hiện các biện pháp phòng dịch nên đàn bò phát triển tốt.

Cũng đầu tư chăn nuôi quy mô trang trại tại xã Chiềng Pằn, anh Hà Văn Hải, bản Thồng Phiêng xây dựng 2 khu chuồng riêng biệt dành nuôi lợn nái và lợn thịt với tổng diện tích gần 3.000m². Anh Hải cho biết: Thời gian trước, gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế không cao. Từ khi xây dựng chuồng trại khép kín, đầu tư hầm biogas để xử lý chất thải, lắp đặt hệ thống cho ăn, uống tự động nhằm hạn chế nhân lực và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên đàn lợn ít dịch bệnh. Hiện trang trại đang có 140 con lợn thương phẩm; 60 con lợn nái. Mỗi năm, xuất bán khoảng 35 tấn lợn thịt và 40 con lợn giống, thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.

Những năm qua, huyện Yên Châu đã tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chuyển từ tập quán chăn thả tự do sang nuôi theo hướng tập trung; quy hoạch vùng trồng cỏ và vận động các hộ chăn nuôi chuyển đổi những diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn, kiểm soát phòng dịch bệnh trên đàn gia súc. Đồng thời, chú trọng cải tạo giống thông qua các đề án bò đực giống lai sind, lợn siêu nạc.

Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các xã vận động người dân tập trung phát triển chăn nuôi theo mô hình chăn nuôi bò, dê vỗ béo và sinh sản; khuyến khích người dân đầu tư phát triển các trang trại, gia trại chăn nuôi. Hiện đàn gia súc toàn huyện Yên Châu có trên 78.000 con, trong đó đàn trâu trên 7.540 con, bò 20.780 con, lợn trên 42.390 con, đàn dê 7.230 con và ngựa 79 con. Toàn huyện hiện có 40 hộ chăn nuôi gia súc theo mô hình trang trại, trong đó có 12 trang trại chăn nuôi lợn quy mô từ 100-300 con; 28 trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê quy mô từ 20-100 con, tập trung chủ yếu các xã: Chiềng Pằn, Chiềng Hặc, Lóng Phiêng, Yên Sơn...

Ông Lại Hữu Hưng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Châu, cho biết: Các hộ chăn nuôi không chỉ áp dụng kỹ thuật mới để chăm sóc, lai tạo giống, nâng cao chất lượng đàn, đầu tư xây dựng chuồng trại đảm bảo, mà còn thay đổi phương thức chăn nuôi theo hướng chủ động nguồn thức ăn, nước uống và cách phòng dịch bệnh hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, số trang trại có quy mô lớn trên địa bàn huyện Yên Châu chưa nhiều. Việc tổ chức sản xuất, kinh doanh chủ yếu theo kinh nghiệm, hiểu biết về thị trường hạn chế; việc tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng còn nhiều khó khăn.

Định hướng chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, huyện Yên Châu tiếp tục đẩy mạnh hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi theo hướng an toàn; thử nghiệm các loại vật nuôi mới có chất lượng, hiệu quả. Tăng cường việc quản lí về lĩnh vực chăn nuôi, thú y và chủ động trong công tác tuyên truyền, cung cấp các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi giúp người chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng và tham gia các dự án để phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi theo hướng hàng hóa; khuyến khích liên kết với các doanh nghiệp để ổn định đầu ra cho sản phẩm, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-chan-nuoi-quy-mo-trang-trai-47979