Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Việt Nam tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh
Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Việt Nam có nhu cầu lớn về năng lượng và đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Sáng 1/7/2024, tại thủ đô Seoul, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có cuộc Tọa đàm bàn tròn với lãnh đạo gần 20 tập đoàn lớn hàng đầu của Hàn Quốc trong các lĩnh vực. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo các Bộ, ngành trong nước tháp tùng Thủ tướng tham dự Tọa đàm.
Tại Tọa đàm, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã phát biểu, nêu đề xuất, kiến nghị và lãnh đạo các bộ, ngành trong nước đã phản hồi theo 3 nhóm lĩnh vực: Công nghiệp - năng lượng; tài chính - ngân hàng; công nghệ thông tin - y dược - đầu tư tổng hợp.
Liên quan đến lĩnh vực năng lượng, ông Jung Yeoin - Chủ tịch Doosan Enerbility cho biết, Tập đoàn vào Việt Nam từ 2006 và đang tập trung đầu tư các dự án tại Việt Nam.
Doanh nghiệp chia sẻ mong muốn tham gia các dự án điện gió, điện khí của Việt Nam, cung cấp thiết bị của nhà máy phát điện như turbine... vào các dự án.
“Phát điện là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước, chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ và cùng Việt Nam đào tạo về chuyên môn” - ông Jung Yeoin cho biết.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh Việt Nam có nhu cầu lớn về năng lượng và đang thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc đến tìm hiểu, mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ký, ban hành 4 quy hoạch ngành gồm: Quy hoạch điện lực quốc gia; Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia; Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt quốc gia; Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.
“Quy hoạch đã có, cơ chế thu hút nhà đầu tư cũng đã và đang được hoàn thiện, do vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể yên tâm khi mở rộng đầu tư tại Việt Nam” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin.
Thông tin sơ bộ về tình hình phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm qua, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện nay Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 39 trên thế giới, có tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 6,5 - 7%; đặc biệt năm 2023 tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam đạt đến hơn 8%.
Chưa kể, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng rất lớn, trung bình mỗi năm trong khoảng 730 - 735 tỷ USD. Ngoài ra, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, là 1 trong 15 quốc gia có môi trường thu hút đầu tư nước ngoài lớn...
Ngoài ra, với quy mô dân số lớn, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, nhu cầu sử dụng điện cao, đặc biệt, với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đang nỗ lực để bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững. Đến năm 2050, sản lượng điện năng của Việt Nam phải đạt 510KW, gấp 8 lần công suất hiện nay, do đó, nhu cầu thu hút đầu tư vào lĩnh năng lượng vô cùng quan trọng, đảm bảo mục tiêu cung ứng đủ điện năng trong mọi tình huống.
Để đáp ứng nhu cầu điện năng phục vụ cho sản xuất, phát triển kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 6 giải pháp, cụ thể:
Một là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế cạnh tranh trong mua bán điện, đặc biệt là thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Hai là, áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế phát triển điện mặt trời áp mái theo hướng tự sản, tự tiêu.
Bốn là, rà soát điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường.
Năm là, trình lên Chính phủ, Quốc hội cơ chế phát triển điện khí.
Sáu là, đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu đầu tư trong các lĩnh vực năng lượng mới.
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho biết, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác đầu tư trong lĩnh vực năng lượng mới nên rất mong doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư ở Việt Nam, phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam.
Cũng tại Tọa đàm, làm rõ thêm một số vấn đề cụ thể mà các nhà đầu tư quan tâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ thêm Việt Nam đang đa dạng hóa các nguồn điện. Nhu cầu sử dụng điện những tháng đầu năm nay đã tăng 15% và với đà này còn tiếp tục tăng, song theo Thủ tướng, Việt Nam bảo đảm không thiếu điện.
Kết luận Tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan hệ hai nước chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay trên tất cả các lĩnh vực, đang phát triển hết sức sôi động và thực chất. Nhiều cơ hội hợp tác kinh tế song phương tiếp tục được mở ra.
Bên cạnh những thuận lợi, hợp tác giữa hai nước cũng có những khó khăn, thách thức, tác động bởi tình hình thế giới và khu vực. Do đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng cần phải có giải pháp phù hợp để phát huy thế mạnh, khai thác thuận lợi, hóa giải các khó khăn, thách thức, đưa quan hệ thương mại - đầu tư giữa hai nước phát triển hơn nữa, xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, đáp ứng mong mỏi của nhân dân hai nước.
Đánh giá cao các ý kiến tại tọa đàm, Thủ tướng cho biết luôn mong muốn lắng nghe, trân trọng những đóng góp chân thành, thẳng thắn và sẵn sàng trao đổi về các kiến nghị, đề xuất, sáng kiến hợp tác thiết thực của các tập đoàn, doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng hoan nghênh, cảm ơn và mong muốn các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc tiếp tục mở rộng đầu tư, hợp tác với Việt Nam, cùng nhau thúc đẩy "những chân trời hợp tác mới", trên cơ sơ sở cách tiếp cận mang tính "toàn cầu, toàn diện, toàn dân", hướng tới mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2025 và 150 tỷ USD vào năm 2030.
Thủ tướng đề nghị bên cạnh hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, hai bên cần tăng cường hợp tác trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành mới nổi như trí tuệ nhân tạo, trong các lĩnh vực cách mạng công nghiệp lần thứ tư….
Thủ tướng đề nghị các tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ Việt Nam về nguồn tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, góp ý hoàn thiện thể chế, chính sách, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực quản trị thông minh (cả quản trị doanh nghiệp và quản trị quốc gia).
Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị các nhà đầu tư Hàn Quốc tiếp tục tích cực tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân khi khó khăn, thiên tai, người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của doanh nghiệp Hàn Quốc, chuỗi giá trị toàn cầu.
Tháp tùng chuyến công tác của Thủ tướng tới Hàn Quốc, Đoàn Bộ Công Thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Cục, Vụ chức năng thuộc Bộ: Vụ Thị trường châu Á - châu Phi; Vụ Chính sách thương mại đa biên; Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế; Văn phòng Bộ; Báo Công Thương...
Tại Hàn Quốc, bên cạnh các hoạt động của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng Đoàn công tác của Bộ Công Thương cũng có các buổi làm việc, chủ trì ký kết các Biên bản ghi nhớ với các Bộ đối tác.