Phát triển chăn nuôi theo hướng 'làm ăn lớn'

Những năm gần đây, số mô hình chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, thay vào đó là sự phát triển nhanh của trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Đây là xu hướng tích cực, góp phần phát triển ngành chăn nuôi theo hướng bền vững.

Năm 2014, bà Phạm Thị Duy, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) bắt đầu xây dựng chuồng trại để nuôi gà quy mô khoảng 1.000 con/lứa. Sau một thời gian, nhận thấy những hạn chế của việc chăn nuôi nhỏ lẻ, năm 2019, bà mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi lên gần 5.000 con gà/lứa.

Bà Duy chia sẻ: Khi chuyển sang chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia đình có thể nhập con giống, thức ăn, thuốc thú y trực tiếp từ các công ty với giá rẻ hơn so với mua tại cửa hàng, đại lý nhỏ lẻ. Hằng năm, tôi được tham gia nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Nhờ đó, tôi có thêm kiến thức phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và tự tin tăng tổng đàn, nâng cao thu nhập (trung bình mỗi năm, gia đình xuất bán 3 lứa gà, lợi nhuận gần 100 triệu đồng/lứa).

Bà Duy chăm sóc đàn gia cầm.

Bà Duy chăm sóc đàn gia cầm.

Tại thị trấn Nông trường Phong Hải, trang trại nuôi thủy sản của ông Bàn Trọng Nghĩa là một trong những cơ sở có quy mô lớn của địa phương. Trước đây ông Nghĩa chỉ nuôi quy mô nhỏ, chủ yếu phục vụ gia đình, còn dư bán tại chợ gần nhà. Năm 2013, ông quyết định chuyển từ nuôi quảng canh sang thâm canh. Ông đã đầu tư 150 triệu đồng xây bờ ao, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước vào - ra, mua 6 máy sục khí, 3 máy bắn cám tự động hẹn giờ cho cá ăn. Với 3 ao nuôi (diện tích mặt nước 6.000 m2), ông nuôi 3 loại cá (trắm, chép, rô phi đơn tính), trung bình thu 8 tấn cá/năm.

Ông Nghĩa cho biết: Khi chuyển sang nuôi cá thâm canh, tôi chủ động ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường ao nuôi giúp giảm và kiểm soát được dịch bệnh nên hiệu quả kinh tế tăng 2 - 3 lần so với nuôi thông thường. Hiện nay, sản phẩm cá của gia đình cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh qua các thương lái chứ không phải mang cá đi bán như trước.

Không chỉ hộ bà Duy, ông Nghĩa, những năm gần đây, thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật và kiến thức đầu tư phát triển kinh tế, tư duy sản xuất của các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh dần thay đổi. Năm 2021 và 9 tháng năm 2022, ngành nông nghiệp đã tổ chức và phối hợp tổ chức hơn 100 hội nghị, lớp tập huấn về các nội dung: Kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học, phát triển chăn nuôi bền vững gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải chăn nuôi, tuyên truyền về quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi…

Ông Bàn Trọng Nghĩa đầu tư phát triển thủy sản quy mô trang trại cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Bàn Trọng Nghĩa đầu tư phát triển thủy sản quy mô trang trại cho hiệu quả kinh tế cao.

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các hộ làm hồ sơ cấp chứng nhận trang trại chăn nuôi; thực hiện các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học. Hiện toàn tỉnh có 379 trang trại chăn nuôi (tăng 36 trang trại so với cuối năm 2021); có 132 trang trại chăn nuôi đạt tiêu chí kinh tế trang trại có giá trị sản xuất đạt từ trên 2 tỷ đồng/năm trở lên (tăng 9 trang trại so với năm 2021), trong đó 10 cơ sở chăn nuôi công nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Trước đây, tình trạng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ xả nước thải ra đường, vứt xác động vật bừa bãi thường xuyên xảy ra tại địa phương. Hiện nay, hầu hết trang trại chăn nuôi trên địa bàn đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải tiên tiến, tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi giảm khoảng 60%.

Việc chuyển dịch theo xu hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại đã đáp ứng đúng định hướng phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ chăn nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tính đến hết tháng 9/2022, tổng đàn gia súc toàn tỉnh đạt 598.000 con, đàn gia cầm hơn 5 triệu con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng 53.600 tấn, sản lượng thủy sản đạt 8.600 tấn. Sản phẩm chăn nuôi đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của tỉnh và có một phần xuất bán ra ngoài tỉnh.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362349-phat-trien-chan-nuoi-theo-huong-lam-an-lon