Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại
Những năm qua, người chăn nuôi ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung với quy mô trang trại (TT), gia trại. Điều này đã góp phần khai thác được tiềm năng, lợi thế của địa phương, hạn chế rủi ro do dịch bệnh và đem lại hiệu quả kinh tế bền vững.
Thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2025, các địa phương đã tập trung phát triển chăn nuôi các loại vật nuôi chủ lực, phù hợp với quy hoạch và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong, ngoài tỉnh. Trong đó, hình thức chăn nuôi tập trung với quy mô TT, gia trại được chú trọng phát triển, với các loại vật nuôi chủ yếu: trâu, bò, lợn, dê và gia cầm. Năm 2011, toàn tỉnh có 9 TT chăn nuôi lợn nái và lợn hậu bị, đến năm 2015 - 2016 tăng lên 34 TT, hiện là 41 TT. Đối với chăn nuôi gà, năm 2011, toàn tỉnh có 30 TT chăn nuôi gà thương phẩm, 5 TT chăn nuôi gà giống và đẻ trứng thương phẩm; đến nay tăng lên 54 TT gà. Ngoài ra, một số loại vật nuôi có tiềm năng phát triển cũng đang được các địa phương tập trung phát triển theo hình thức chăn nuôi TT như: dê (11 TT), vịt (5 TT), bò (2 TT)...
Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết: Chăn nuôi tập trung theo hình thức TT, gia trại đã, đang được các doanh nghiệp, cá nhân chú trọng. Hàng năm đều có các TT mới được thành lập, phát triển mạnh nhất là TT lợn, gà. Những địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi TT như: Lương Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, đây là những địa bàn nằm dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, phù hợp với quy hoạch phát triển ngành chăn nuôi của tỉnh. Cũng theo đồng chí Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y, trong giai đoạn vừa qua, ngành chăn nuôi của tỉnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, nhất là đối với chăn nuôi nhỏ lẻ ở các hộ dân. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ. Tuy nhiên, đối với các TT chăn nuôi tập trung, do thực hiện tốt biện pháp trong bảo đảm chăn nuôi an toàn sinh học, nên kiểm soát dịch bệnh tốt, hiệu quả kinh tế cao, bền vững.
Lạc Thủy là một trong những địa phương tiêu biểu của tỉnh về phát triển chăn nuôi TT. Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: Từ những năm 2000, huyện đã có chính sách khuyến khích phát triển kinh tế TT, nhưng đến năm 2015, chăn nuôi tập trung theo hình thức TT mới phát triển nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi. Trước đây, huyện có 84 TT, hiện nay, kết quả rà soát theo Thông tư số 02/2020/TT-BNNPTNT thì huyện có 29 TT, trong đó có 16 TT chăn nuôi, với các vật nuôi là: gà Lạc Thủy, lợn, bò 3B, bò sữa. "Tận dụng lợi thế về đường giao thông, vị trí địa lý thuận lợi và hơn 10 nghìn ha diện tích rừng sản xuất, bà con đã phát triển chăn nuôi tập trung theo hình thức TT, gia trại. Các TT chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà, bò đã đạt được hiệu quả kinh tế cao, với thu nhập từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng mỗi năm, tùy vào quy mô chăn nuôi của TT. Phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn tiếp tục được huyện khuyến khích phát triển nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế bền vững” - đồng chí Phó trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy chia sẻ.
Ở Lạc Thủy, ông Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành là một trong những người đi tiên phong về phát triển kinh tế TT. Với diện tích đất hơn 2 ha, ngoài trồng bưởi, ông Lành phát triển chăn nuôi lợn nái, lợn thịt, gà đẻ trứng, gà thương phẩm, với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm. Năm 2019, ông Lành thu được 6 tỷ đồng. Cùng ở thôn Bột, cơ sở chăn nuôi gà Lạc Thủy Tuấn Truyền của anh Trịnh Văn Tuấn cũng đem lại hiệu quả cao, với doanh thu khoảng 3 tỷ đồng mỗi năm.
Trong bối cảnh chăn nuôi theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ khá bấp bênh về đầu ra sản phẩm, nhất là mối đe dọa từ các dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi (do điều kiện chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học), thì phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hình thức TT đang đem lại những hiệu quả kinh tế thiết thực. Với mục tiêu tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bình quân đạt 6 - 7%/năm, tỉnh hướng tới năm 2025, tổng đàn trâu đạt 110 nghìn con, bò 115 nghìn con, lợn 750 nghìn con, gia cầm 9 triệu con, dê 60 nghìn con. Theo đó, tiếp tục tăng tỷ trọng chăn nuôi tập trung trong TT, giảm tỷ trọng chăn nuôi nông hộ để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế và phát triển chăn nuôi bền vững.