Phát triển chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học
Trang trại chăn nuôi của anh Ngô Gia Long, thôn Ấp Thọ Cầu, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) được xây dựng trên diện tích 6.000 m2, có quy mô chăn nuôi 5.000 vịt thịt, 50 lợn nái và 400 lợn thịt. Trong quá trình phát triển chăn nuôi, anh Long đã áp dụng khá triệt để phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Trang trại chăn nuôi của anh Ngô Gia Long, thôn Ấp Thọ Cầu, xã Tượng Lĩnh (Kim Bảng) được xây dựng trên diện tích 6.000 m2, có quy mô chăn nuôi 5.000 vịt thịt, 50 lợn nái và 400 lợn thịt. Trong quá trình phát triển chăn nuôi, anh Long đã áp dụng khá triệt để phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Qua tìm hiểu được biết, anh Long đầu tư xây dựng trang trại theo hướng công nghiệp chuồng kín sử dụng hệ thống làm mát, quạt thông gió. Về nguồn con giống vịt thịt hay lợn nái khi tái nhập đàn đều được mua từ Công ty cổ phần CP bảo đảm chất lượng, sạch bệnh. Giống lợn thịt nuôi tự sản xuất từ lợn nái. Các đối tượng vật nuôi được thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc-xin. Quá trình chăn nuôi, anh Long bổ sung thêm các loại men vi sinh, khoáng chất giúp tiêu hóa tốt, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Những lỗ hổng vào khu chuồng đều được quây lưới chắn côn trùng, phòng ngừa chuột… Công tác vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường xung quanh được thực hiện tốt theo đúng yêu cầu.
Cụ thể, môi trường xung quanh chuồng trại, đường đi được rải vôi bột. Ngay lối vào trang trại được bố trí hố nước vôi khử trùng tiêu độc cho phương tiện vận chuyển và người ra vào khu chuồng. Trong chuồng nuôi được khử trùng tiêu độc định kỳ 5 – 7 ngày/lần, những thời điểm dịch bên ngoài bùng phát mạnh thực hiện 3 ngày/lần. Chất thải chăn nuôi của trang trại được anh Long xử lý qua hệ thống bể lắng và hầm biogas trước khi thải ra môi trường và sử dụng làm phân bón cho cây trồng. Ngay việc chăm sóc cho đàn lợn và vịt đều do người trong gia đình tự làm, trước khi vào chuồng đều khử trùng tiêu độc, có trang bị bảo hộ đầy đủ.
Anh Long cho biết: Từ khi áp dụng phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trang trại không bị dịch bệnh, vật nuôi khỏe mạnh, tăng trọng tốt, tỷ lệ hao hụt rất thấp. Nhờ vậy, đưa lợi nhuận của trang trại tăng lên 30% so với chăn nuôi bình thường trước đây.
Thực tế, phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học đã được nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh áp dụng. Đặc biệt, các trang trại, hộ chăn nuôi quy mô lớn đã áp dụng cơ bản các biện pháp từ nhập con giống chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêm đầy đủ vắc-xin, đến thực hiện khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường xung quanh, hạn chế tối đa việc đưa người bên ngoài vào khu chuồng nuôi… Nhờ đó, thời gian gần đây đàn vật nuôi không bị mắc dịch bệnh.
Như hộ anh Nguyễn Hữu Tiến, xã Đồng Du (Bình Lục) chăn nuôi lợn theo mô hình khép kín. Theo đó, anh Tiến nuôi lợn nái, sản xuất con giống chuyển sang nuôi lợn thịt với quy mô hơn 30 con nái và trên 300 lợn thịt. Cách làm này giúp anh chủ động được nguồn con giống chất lượng, sạch bệnh. Cùng với đó, anh kiểm soát chặt chẽ không để nguồn bệnh xâm nhập vào chuồng trại… Theo anh Nguyễn Hữu Tiến, chăn nuôi hiện nay đang chịu sức ép rất lớn, nhất là về dịch bệnh. Vì thế, bắt buộc người chăn nuôi phải thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học mới có thể bảo vệ được đàn gia súc, gia cầm, hướng đến hiệu quả và lợi nhuận.
Được biết, thời gian qua các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Trong đó, nêu rõ yêu cầu về chuồng trại chăn nuôi, con giống, thức ăn, nước uống, chế độ chăm sóc, vệ sinh chăn nuôi, kiểm soát người ngoài ra vào chuồng trại, kiểm soát phương tiện vận chuyển, xử lý chất thải chăn nuôi, quản lý dịch bệnh… Cụ thể, Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hằng năm đều phối hợp với các địa phương, HTXDVNN tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, trong đó có phương pháp an toàn sinh học. Ngay trong năm 2021, đơn vị phối hợp với tổ chức FAO mở 2 lớp tập huấn chuyên sâu về chăn nuôi an toàn sinh học cho 70 học viên, chủ yếu là các chủ trang trại. Một số mô hình chăn nuôi an toàn sinh học được xây dựng để người dân tham quan, học hỏi và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình.
Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông đánh giá: Phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học là chìa khóa trong phòng chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Các hộ chăn nuôi cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Về phía đơn vị, sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn cho người dân trong quá trình triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, cần nhận thấy việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học vẫn còn hạn chế nhất định. Nổi lên, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phần lớn chưa tuân thủ tốt các quy trình kỹ thuật, như: mua con giống trôi nổi tại thị trường tự do; dùng thức ăn tận dụng; không thường xuyên khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường; không có biện pháp ngăn chặn côn trùng, chuột xâm nhập vào chuồng nuôi… Chính vì vậy, dẫn đến dịch bệnh thường xuất hiện, phát sinh ở những hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Điều này dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh ra diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, kinh tế hộ gia đình.
Thời gian gần đây, chăn nuôi của người dân đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh phát sinh. Cùng với đó, giá bán gia súc, gia cầm thịt bấp bênh, giá thức ăn tăng cao. Từ thực trạng đó, đòi hỏi người chăn nuôi cần quản lý tốt dịch bệnh, tăng cường chế độ chăm sóc cho đàn gia súc, gia cầm. Phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học là giải pháp cần được áp dụng và nhân rộng, để nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi.