Phát triển chanh không hạt ở Liêng Srônh
Nhiều nông dân ở Liêng Srônh (Đam Rông) hôm nay chọn cây chanh không hạt, trồng thuần hoặc trồng xen trên diện tích cà phê sẵn có để tăng thêm thu nhập, tránh việc phụ thuộc hoàn toàn vào cây cà phê như trước.
Ông Trương Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Liêng Srônh cho biết, hiện nay bên cạnh cây cà phê, nhiều loại cây công nghiệp lâu năm như chanh, bưởi, sầu riêng được người nông dân trên địa bàn xã đưa vào trồng và cho những kết quả tích cực, cả về năng suất lẫn chất lượng. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, chanh không hạt được người dân địa phương lựa chọn nhiều, trồng thuần hoặc trồng xen trong vườn cà phê, mang lại hiệu quả kinh tế, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con.
Người đầu tiên trồng chanh không hạt ở Liêng Srônh là ông Lâm Tấn Sơn từ những năm 2010. Nhận thấy cây chanh không hạt phù hợp với đất đai, khí hậu, bước đầu cho hiệu quả kinh tế, ông chia sẻ kinh nghiệm cho những người đồng hương của mình, đến nay những gia đình này vẫn giữ vững và mở rộng diện tích, điển hình như gia đình ông Phạm Minh Thệ (Thôn 2) với 3 ha, gia đình ông Nguyễn Chí Thanh với 1,2 ha… Từ kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ, huyện Đam Rông cũng đã xây dựng mô hình trồng chanh không hạt trên địa bàn để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập và đời sống.
Là người trẻ với tư duy mới, sau khi tốt nghiệp Khoa Nông lâm Trường Đại học Đà Lạt, anh Kon Yông K’Khiếp cũng đã lựa chọn trồng xen canh chanh không hạt với cà phê. Trên diện tích 3 sào trồng cà phê sẵn có, K’Khiếp trồng xen 70 cây chanh. Theo tính toán của anh, khi bước vào giai đoạn kinh doanh chính, mỗi cây chanh có thể cho năng suất 80 - 100 kg/năm. Chanh không hạt thường “đắt hàng” vào mùa nắng, từ thời điểm tháng 10 cho đến sau Tết với giá bán bình quân trên thị trường dao động ở mức 10 - 15.000 đồng/kg. Bên cạnh học hỏi người đi trước, K’Khiếp cũng chủ động tìm tòi, tham khảo các mô hình trồng chanh ở miền Tây để kịp thời “bắt bệnh” cho cây tại vườn. Bởi để cây phát triển bền vững, năng suất, chất lượng cao, người trồng phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nhất là khâu chọn giống và phòng bệnh như sâu ăn lá, nấm hồng gây hại thân cây…
“Chanh là loại cây phải chăm sóc thường xuyên, vất vả hơn cà phê rất nhiều nhưng đây cũng là loại cây cho thu hoạch quanh năm, mỗi tháng hái khoảng 2 đợt. Nhờ đó mà cải thiện được thu nhập của gia đình mình, không phải phụ thuộc hoàn toàn vào cây cà phê như trước nữa”, K’Khiếp chia sẻ.
Chanh không hạt trái to, vỏ mỏng, vị chua và thơm hơn nhiều giống khác nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Theo đó, năm 2016 Hội Nông dân xã Liêng Srônh đã tiến hành khảo sát và triển khai rộng rãi trong hội viên nông dân, khuyến khích bà con thay đổi suy nghĩ, tập quán canh tác, thử sức với loại cây trồng này.
Ông Rơ Ông Ha Doanh - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết, đến nay diện tích chanh không hạt trên địa bàn khoảng 20 ha, trong đó có 5 ha của 16 hộ gia đình người dân tộc thiểu số. “Nhận thấy đây là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần cây cà phê nên chúng tôi đã tổ chức nhiều đợt tham quan, để cho bà con học hỏi từ những mô hình có năng suất cao. Trung tâm Nông nghiệp huyện cũng hỗ trợ về mặt kỹ thuật trồng và chăm sóc nên đến nay hầu hết các vườn đều đã cho thu hoạch ổn định, đạt năng suất”, ông Ha Doanh cho biết thêm.
Đối với bà con DTTS, chanh không hạt là cây trồng mới, tuy không khó nhưng yêu cầu công chăm sóc nhiều và phải nắm vững kỹ thuật để trồng. Tuy nhiên, do sản xuất nhỏ lẻ nên chất lượng chưa đồng đều và chủ yếu bán hàng cho thương lái, nên giá cả không ổn định. Hiện, Hội Nông dân xã vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi, làm theo và nhân rộng lên khoảng 10 ha. Từ đó, sẽ có những điều kiện thuận lợi để tiến hành xây dựng thương hiệu, tìm liên kết và ổn định đầu ra, giúp bà con yên tâm hơn trong quá trình sản xuất.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202009/phat-trien-chanh-khong-hat-o-lieng-sronh-3021959/