Phát triển chế biến gỗ ở Đoan Hùng

PTĐT - Xác định phát triển kinh tế lâm nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng, giá trị gia tăng chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ là hướng đi chủ đạo trong thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp của huyện Đoan Hùng, những năm qua, huyện đã và đang tập trung phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển công nghiệp chế biến gỗ, nhờ đó góp phần xóa đói - giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân trên địa bàn.

Nghề chế biến gỗ đem lại thu nhập cao cho các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. - Cơ sở chế biến gỗ của ông Nguyễn Minh Tiến, khu 7, xã Ngọc Quan.

Nghề chế biến gỗ đem lại thu nhập cao cho các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện. - Cơ sở chế biến gỗ của ông Nguyễn Minh Tiến, khu 7, xã Ngọc Quan.

Thực hiện tốt kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, huyện đẩy mạnh đầu tư thâm canh tăng năng suất, nâng cao hiệu quả sử dụng rừng, khuyến khích chuyển đổi diện tích rừng bạch đàn tái sinh kém hiệu quả sang trồng keo hạt ngoại mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Toàn huyện hiện có tổng diện tích đất lâm nghiệp gần 13.000ha, trong đó diện tích rừng sản xuất trên 12 nghìn ha, rừng đặc dụng trên 600ha, rừng phòng hộ trên 260ha. Duy trì ổn định diện tích rừng, hàng năm, huyện trồng mới trên 1.500ha rừng tập trung, nâng tỷ lệ che phủ rừng trên 45%; sản lượng gỗ khai thác ước đạt 117.000m3. Cùng với phát triển rừng, việc phát triển ngành chế biến gỗ luôn được huyện quan tâm. Toàn huyện có trên 1.000 cơ sở kinh doanh và chế biến gỗ, trong đó một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có quy mô lớn với công suất chế biến ước đạt từ 400-600m3/ngày như: Công ty TNHH Thanh Lam (xã Ngọc Quan), Công ty TNHH chế biến lâm sản Phúc Đại Thành (xã Vân Du)… cùng nhiều cơ sở chế biến nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình. Những năm gần đây, tỷ lệ các cơ sở chế biến, kinh doanh gỗ xẻ, gỗ thanh tăng mạnh, các sản phẩm chế biến chủ yếu như: Dăm mảnh, ván bóc, ván xẻ, ván thanh, chế tác và kinh doanh đồ mộc gia dụng. Các sản phẩm sau chế biến được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh, một phần được xuất sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan. Nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm. Ngoài ra, các làng nghề mộc truyền thống cũng được huyện quan tâm duy trì, phát triển. Cùng với tiêu thụ nguồn nguyên vật liệu tại chỗ, các cơ sở, doanh nghiệp còn thu mua lâm sản từ các địa bàn lân cận để chế biến, tạo việc làm, đa dạng hóa sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.Mặc dù có lợi thế về sản xuất lâm nghiệp, số lượng các doanh nghiệp, cơ sở chế biến gỗ tăng mạnh qua các năm nhưng ngành công nghiệp chế biến gỗ của huyện vẫn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc trồng rừng sản xuất mới chủ yếu tập trung vào cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy giấy, băm dăm, ván bóc, chưa phát triển trồng rừng gỗ lớn phục vụ chế biến hàng xuất khẩu và đa dạng hóa sản phẩm từ gỗ rừng trồng. Vì vậy, giá trị của rừng trồng thấp, phụ thuộc rất nhiều vào giá thu mua nguyên liệu. Phần lớn là các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện có quy mô nhỏ, thậm chí siêu nhỏ với mô hình chủ đạo sản xuất kiểu hộ gia đình, thiếu hình thức tổ chức tập thể như: Hợp tác xã, tổ hợp tác. Do công nghệ, thiết bị lạc hậu, chưa được đầu tư đúng mức nên hầu hết các cơ sở chỉ thực hiện một hoặc vài công đoạn với sản phẩm chủ yếu là chế biến thô rồi bán cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu để thực hiện công đoạn hoàn thiện và tiêu thụ sản phẩm. Thời gian tới, huyện Đoan Hùng tập trung phát triển chế biến với phát triển sản xuất lâm nghiệp, thực hiện quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, quy hoạch rừng gỗ lớn, tăng chất lượng giống cây nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ. Phối hợp với các ngành chức năng, lực lượng Kiểm lâm tăng cường quản lý rừng, kiểm soát việc kinh doanh lâm sản nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào hợp pháp trước khi đưa vào chế biến. Đồng thời khuyến khích các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ đẩy mạnh đầu tư, ứng dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất; chủ động thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ khuyến công, hỗ trợ các làng nghề mộc truyền thống, hình thành liên kết từ cung cấp nguyên liệu đến sơ chế, chế tác các sản phẩm về gỗ, tiêu thụ sản phẩm sau chế biến…

Thùy Phương

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202003/phat-trien-che-bien-go-o-doan-hung-169697