Phát triển chợ nông thôn, miền núi: Hợp sức tháo gỡ vướng mắc

Với hạn chế là chợ họp theo phiên, theo buổi, số hộ kinh doanh cố định tại chợ ít nên việc kêu gọi đầu tư xây dựng chợ ở các xã vùng cao vẫn gặp nhiều khó khăn.

35 - 40% hàng hóa tiêu thụ qua hệ thống chợ

Trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí số 7 về “Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn” (chợ nông thôn) được đánh giá có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển mạng lưới chợ nông thôn sẽ góp phần tích cực tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, tạo điều kiện cho thương nhân cung cấp hàng hóa thiết yếu, nâng cao đời sống và thu nhập cho lao động khu vực nông thôn.

Nhận thức được tầm quan trọng của chợ đối với sự phát triển của mỗi địa phương nên mặc dù ngân sách của địa phương còn hạn chế nhưng nhiều tỉnh đã quan tâm chỉ đạo và dành ngân sách xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn nói chung và địa bàn nông thôn nói riêng, như: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hòa Bình, Tiền Giang, Trà Vinh…, Một số tỉnh, thành phố còn tích cực huy động nguồn vốn xã hội hóa để xây chợ như: Tuyên Quang, Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Ninh Thuận, Gia Lai, Bình Phước, Cần Thơ, Kiên Giang...

Trong tổng số chợ đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, số chợ đạt hiệu quả chiếm khoảng 97%, giá trị hàng hóa dịch vụ qua hệ thống chợ chiếm 35% - 40%, góp phần không nhỏ vào việc phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân.

Chợ nhỏ - làm gì để thu hút đầu tư?

Tuy nhiên, kết quả rà soát, đánh giá, tổng hợp tình hình thực hiện Tiêu chí số 7 về chợ nông thôn trên toàn quốc đang cho thấy, nhiều tỉnh miền núi như: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Yên Bái, Hòa Bình…, đến nay vẫn còn nhiều xã không có chợ, hoặc chợ chỉ họp 1 tuần/lần, sáng họp trưa tan. Số lượng người buôn bán thường xuyên, cố định tại các chợ chỉ chiếm khoảng 47%.

Nhộn nhịp chợ phiên xã Bản Díu, huyện Hoàng Xu Phì, tỉnh Hà Giang

Nhộn nhịp chợ phiên xã Bản Díu, huyện Hoàng Xu Phì, tỉnh Hà Giang

Chính bởi thời gian hoạt động ngắn, giao thương hạn chế nên chương trình xây dựng NTM thực hiện đã được 10 năm nhưng các chợ ở địa bàn vùng sâu, vùng xa phần lớn là chợ cũ được nâng cấp, cải tạo chứ ít chợ được xây mới, một số chợ không còn phù hợp đã được di dời... Nguyên nhân là do, nhu cầu nguồn lực để xây dựng chợ khá lớn mà ngân sách địa phương có hạn. Việc thu hút nguồn vốn xã hội hóa cũng không hề đơn giản với nhiều địa phương. Để khắc phục hạn chế này, Bộ Công Thương đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó chủ trương xây dựng cơ chế khuyến khích, thúc đẩy các tổ chức tham gia đầu tư xây dựng các dự án chợ nông thôn, đặc biệt là các dự án thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Thực hiện tốt các chương trình khuyến công quốc gia, khuyến công địa phương, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu hàng hóa… nhằm giúp doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân bổ, hỗ trợ nguồn vốn cho các địa phương đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp chợ; hỗ trợ kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý và kinh doanh chợ tại các địa phương. Kiến nghị Bộ Tài chính hướng dẫn xác định giá trị tài sản còn lại đối với các chợ đã được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước khi chuyển đổi sang mô hình Hợp tác xã quản lý chợ. Kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh một số tiêu chí trong Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9211:2012 thiết kế chợ cho phù hợp với địa phương. Kiến nghị UBND cấp huyện điều phối ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để bố trí cho đầu tư mới, cải tạo nâng cấp các chợ nông thôn…

Nếu có được sự hợp sức của các bộ, ngành, địa phương…, như giải pháp đưa ra, có cơ sở để tin rằng, chợ nông thôn sẽ trở thành nơi giao thương hàng hóa hiệu quả của đồng bào vùng cao.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-cho-nong-thon-mien-nui-hop-suc-thao-go-vuong-mac-137634.html