Phát triển chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản an toàn
Quảng Ngãi hiện đang đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn, qua đó giúp kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, hướng đến bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Sau 4 năm triển khai thực hiện mô hình sản xuất lúa gạo VietGAP, với quy mô 50ha tại 2 xã Đức Thạnh, Đức Phú (Mộ Đức), năm 2022, Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT đã được ngành chuyên môn cấp giấy chứng nhận "Chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn" đối với 3 sản phẩm (gạo lứt Ấn Trà, gạo lứt đỏ Ấn Trà, gạo lứt tím Ấn Trà). Xác định việc sản xuất lúa gạo VietGAP phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, do đó cùng với chuyển giao quy trình kỹ thuật cho nông dân, Công ty TNHH Nông Lâm nghiệp TBT đã đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sơ chế, chế biến và đóng gói sản phẩm.
Các sản phẩm gạo lứt Ấn Trà được người tiêu dùng đánh giá cao, khẳng định vị thế trên thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Thanh Hoa, ở xã Đức Thạnh cho biết, tôi rất thích gạo lứt tím Ấn Trà. Khi biết ngành chức năng công nhận sản phẩm gạo lứt tím an toàn, tôi yên tâm sử dụng.
Chi nhánh Công ty TNHH MTV Muối Sahu, xã Phổ Châu (TX.Đức Phổ) cũng được công nhận "Chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn” đối với 6 sản phẩm được chế biến từ muối Sa Huỳnh (muối hột, muối hầm, muối xay, muối bọt, muối tre và hoa muối). Chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn này tiêu thụ bình quân 200 tấn muối Sa Huỳnh mỗi năm, để chế biến thành các sản phẩm có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường. Đơn cử như hoa muối có giá từ 34 - 36 nghìn đồng/kg, cao gấp 15 - 17 lần muối nguyên liệu; muối ống tre giá từ 90 - 100 nghìn đồng/kg, cao gấp 50 lần muối nguyên liệu.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT), đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 32 “Chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn” được thẩm định và cấp giấy chứng nhận. Các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được thẩm định, đánh giá nhiều tiêu chí liên quan đến quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến và đóng gói sản phẩm. Qua đó, đáp ứng các điều kiện về truy xuất nguồn gốc, xuất xứ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý cũng như chất lượng sản phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Đặng Tấn Thương cho biết, thời gian đến, chi cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để các chuỗi cung ứng nông, lâm, thủy sản thực phẩm an toàn đến gần hơn với người tiêu dùng, đặc biệt là trường học, doanh nghiệp cũng như các bếp ăn tập thể. Qua đó, đảm bảo nguồn thực phẩm đầu vào, đặc biệt là thực phẩm tươi sống phải có tiêu chuẩn VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn. Cùng với đó, chi cục tăng cường công tác giám sát, cảnh báo, thanh tra, kiểm tra đột xuất nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở vi phạmquy định về chất lượng an toàn thực phẩm. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn hoàn thiện thủ tục, quy định truy xuất nguồn gốc thực phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.