Phát triển Chương trình OCOP tại Hà Nội: Những kết quả bước đầu

Phát triển Chương trình OCOP có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực; gia tăng giá trị; phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp theo chuỗi giá trị; là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp...

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT Hà Nội năm 2019, qua rà soát, 7 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội bước đầu đã đạt nhiều kết quả tích cực trong triển khai xây dựng nông thôn mới.

Ví như: thị xã Sơn Tây đã có 6/6 xã; huyện Phúc Thọ có 22/22 xã; huyện Chương Mỹ có 25/30 xã; huyện Sóc Sơn có 20/25 xã;…đạt 19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Căn cứ theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 5-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành tiêu chí huyện nông thôn mới và quy định thị xã, TP trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới, hiện Hà Nội đang rà soát mức độ hoàn thành 9 tiêu chí với 14 chỉ tiêu tại 7 huyện, thị xã trên địa bàn đã đăng ký trong năm 2019 và năm 2020.

Có thể thấy, 7 huyện, thị xã cơ bản còn gặp khó khăn về một số tiêu chí như: giao thông, y tế, văn hóa, giáo dục, môi trường. Do vậy, Hà Nội đang tập trung chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án để hoàn thành đủ các tiêu chí theo quy định.

Về triển khai chương trình OCOP, ngày 8-7-2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3629 về việc Kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm TP Hà Nội đến năm 2020.

Theo kế hoạch này, Hà Nội sẽ kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành chương trình OCOP đồng bộ từ cấp TP đến cấp huyện, xã. Phấn đấu 100% cán bộ quản lý chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành; 100% các nhà quản lý của các tổ chức, DN, HTX, chủ hộ có đăng ký sản xuất, kinh doanh tham gia chương trình OCOP được đào tạo, tập huấn.

Theo đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 phát triển, đánh giá, xếp hạng sản phẩm từ 800 đến 1.000 sản phẩm; trong đó, có từ 500 sản phẩm tham gia được đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp TP, 100 sản phẩm được tham gia đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp quốc gia theo quy định.

Theo ông Ngô Tất Thắng, Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng chương trình mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và một số nước trên thế giới; đồng thời, tập huấn cho các đại biểu dự hội nghị về cách thức triển khai thực hiện chương trình OCOP tại Việt Nam cũng như thành công của một số địa phương trong triển khai thực hiện chương trình OCOP.

Đánh giá sản phẩm OCOP của Đông Anh. Ảnh: Đặng Hiếu

Đánh giá sản phẩm OCOP của Đông Anh. Ảnh: Đặng Hiếu

Nhiều tiềm năng hứa hẹn chưa khai thác

Nhận thức được vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP, thời gian qua, Đông Anh đã tập trung cao độ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình theo tinh thần Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 và Quyết định số 3629/QĐ-UBND ngày 8-7-2019 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm TP Hà Nội đến năm 2020.

Theo đó, UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND ngày 2-8-2019 về việc triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm huyện Đông Anh đến năm 2020. Trong đó, mục tiêu đến hết năm 2020, trên địa bàn huyện có từ 30-40 sản phẩm được TP đánh giá, phân hạng, công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao, tập trung ở nhóm thực phẩm, thủ công mỹ nghệ, đồ uống, du lịch,… Đây là những sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở địa phương, đã có thương hiệu và đang tích cực xây dựng và phát triển thương hiệu.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND huyện đã tổ chức trưng bày 20 gian hàng giới thiệu 200 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP của huyện nhân dịp Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Đông Anh.

Đồng thời, UBND huyện cũng chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội tổ chức hội nghị về triển khai tổ chức Chương trình OCOP; chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn Huyện xây dựng xong kế hoạch triển khai Chương trình; tổng hợp đăng ký của các chủ thể tham gia Chương trình;… Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 133 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP huyện Đông Anh đến năm 2020.

Để Chương trình được triển khai bền vững, Đông Anh cũng tổ chức hội nghị hướng dẫn lập hồ sơ sản phẩm đăng ký tham dự chương trình; chỉ đạo tổ chức khảo sát, hướng dẫn trực tiếp tại các cơ sở sản xuất có sản phẩm đăng ký để lựa chọn, đánh giá, phân hạng đợt 1 năm 20 sản phẩm thuộc 3 nhóm: thực phẩm, đồ uống, thủ công mỹ nghệ.

Theo đó, ngày 14-11 vừa qua, UBND huyện đã tổ chức đánh giá, phân hạng 20 sản phẩm này; và Đông Anh là huyện đầu tiên của Hà Nội thực hiện đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

Qua hoạt động này cho thấy, trong thực tế, các cơ sở sản xuất và các sản phẩm tham gia Chương trình năm 2019 còn ít so với tiềm năng của các xã, thị trấn. Các sản phẩm tham gia Chương trình chưa đa dạng. Còn nhiều cơ sở sản xuất thiếu kế hoạch bảo vệ, đánh giá tác động môi trường; mẫu mã bao bì một số sản phẩm ở mức độ thô sơ, đơn giản, thiếu tính đặc sắc. Đa số các sản phẩm thường sử dụng kênh bán hàng truyền thống. Thị trường tiêu thụ chủ yếu tập trung trong TP, chưa chú trọng đến hệ thống phân phối và ít quan tâm đến hoạt động quảng bá; nhiều cơ sở sản xuất chưa có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm, chưa ghi hồ sơ lô sản xuất,…

Công tác thông tin, tuyên truyền Chương trình OCOP tại xã, thị trấn chưa thực sự sâu rộng. Sự vào cuộc của nhiều cơ quan liên quan chưa đồng bộ. Quy mô sản xuất của các cơ sở sản xuất chủ yếu còn nhỏ lẻ, kiến thức về kinh doanh, tiếp cận thị trường còn yếu.

(Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới TP Hà Nội)

Đỗ Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phat-trien-chuong-trinh-ocop-tai-ha-noi-nhung-ket-qua-buoc-dau-196570.html