Phát triển cơ khí chế tạo: Không để lỡ nhịp

Sau nhiều năm hoạt động, từ các doanh nghiệp (DN) nhỏ, sản xuất mặt hàng cơ khí thông dụng, đến nay các DN, hợp tác xã (HTX) cơ khí trên địa bàn tỉnh đã không ngừng lớn mạnh, sản xuất các loại hình kết cấu thép phức tạp phục vụ xây dựng các công trình thủy điện, chế tạo máy… Một số DN không ngừng sáng tạo, liên kết đầu tư trong lĩnh vực cơ khí tự động hóa, sản xuất Robot, cơ khí chính xác, từng bước nâng tầm vị thế ngành cơ khí Bắc Giang.

Đa dạng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường

Được thành lập năm 2012, Công ty TNHH Kim khí Bắc Giang đầu tư hơn 12 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị và xây dựng nhà xưởng rộng hơn 2 nghìn m2 tại khu 34, xã Song Mai (TP Bắc Giang). Sau hơn 10 năm hoạt động, DN đã sản xuất và lắp đặt thành công nhiều hạng mục công trình có kết cấu thép phức tạp, quy mô khá lớn và khó thực hiện.

Ông Ngô Quang Tới, Giám đốc Công ty cho biết, sản phẩm chủ yếu của DN là thiết bị cơ khí thủy công dùng cho các nhà máy thủy điện quy mô từ 3-19 MW, bao gồm: Đường ống áp lực, khe cửa van, các thiết bị nâng, khối lượng từ 3-15 tấn. DN đã tham gia sản xuất, cung ứng, lắp đặt sản phẩm cho nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ tại các tỉnh: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Doanh thu bình quân của DN đạt 50 tỷ đồng/năm. Công ty hiện có gần 50 cán bộ, công nhân đang làm việc, thu nhập từ 9-12 triệu đồng/người/tháng.

Đường ống áp lực dùng cho thủy điện do Công ty TNHH Kim khí Bắc Giang sản xuất.

Đường ống áp lực dùng cho thủy điện do Công ty TNHH Kim khí Bắc Giang sản xuất.

Theo Hội Các DN Cơ khí tỉnh Bắc Giang, ngoài các sản phẩm như của Công ty TNHH Kim khí Bắc Giang, với năng lực hiện có, DN cơ khí trong tỉnh có thể sản xuất được nhiều sản phẩm cơ khí chính xác, khối lượng lớn, như: Linh kiện vũ khí quân dụng, lò hơi, cánh van thủy lực, lò quay siêu trường siêu trọng (phục vụ các nhà máy sản xuất xi măng), đóng tàu, thuyền (cỡ vừa và nhỏ); thiết kế, lắp đặt cầu vượt, cầu cảng; sản xuất khuôn mẫu; lắp đặt và chế tạo phụ tùng máy công nghiệp… Đặc biệt, một số DN đã phát triển, nghiên cứu chế tạo và sản xuất thành công nhiều sản phẩm cơ khí tự động hóa.

Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Alpha Việt Nam (thành lập năm 2012), thị trấn Vôi (Lạng Giang) là một điển hình. Những năm đầu hoạt động, DN chủ yếu gia công các sản phẩm kết cấu thép cho ngành xây dựng. Một số công trình tiêu biểu của DN như: Nhà thép tiền chế cho các nhà máy của Tập đoàn Casablanca, Khu công nghiệp (KCN) Đồng Văn II, huyện Duy Tiên (Hà Nam), hệ thống các nhà máy xử lý rác thải tại huyện Tân Yên… Để bắt kịp xu hướng phát triển công nghệ số, đáp ứng nhu cầu thị trường và ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn tỉnh, tháng 12/2020, Công ty đã thành lập thêm Công ty cổ phần Cơ khí và tự động hóa Alpha Vina. Đồng thời đầu tư xây dựng xưởng lắp máy tại lô C232 và C233, đường Nguyễn Thái Học, xã Tân Mỹ (TP Bắc Giang).

"Mục tiêu trong thời gian tới của ngành cơ khí Bắc Giang là tập trung phát triển cơ khí chính xác, cơ khí phụ trợ. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, doanh thu toàn ngành đạt từ 4-5 nghìn tỷ đồng/năm. Trong tương lai xa hơn, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần" - Ông Đinh Hồng Quân, Chủ tịch Hội Các DN cơ khí tỉnh Bắc Giang.

Với sự đầu tư bài bản từ tuyển dụng nhân lực đến mua sắm trang thiết bị nghiên cứu, sản xuất, lắp đặt, quảng bá sản phẩm, năm 2022 Công ty sản xuất thành công robot phục vụ máy cắt CNC (gia công, sản xuất phụ tùng xe máy) cho Công ty TNHH Công nghiệp Strong Way, KCN Khai Quang (Vĩnh Phúc). Thiết kế, chế tạo và lắp đặt robot gá, gia công phụ kiện cho sản phẩm xe ô tô điện Vfe33 của Vinfast,… tổng trị giá gần 7 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ khí và tự động hóa Alpha Vina khẳng định: “Hiện Công ty đã xây dựng được tệp khách hàng khá rộng. Với đội ngũ kỹ sư đã từng có kinh nghiệm thiết kế cơ khí, đồ gá, máy tự động cho các khách hàng như Toyota shokki, Aishin seiki, NT Techno, NT Seimitsu, Denso tại Nhật Bản, Công ty chúng tôi hoàn toàn đảm nhận được các công việc đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu khách hàng”.

Dư địa phát triển lớn

Trên địa bàn tỉnh hiện có hàng trăm DN, HTX, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, với các nhóm chính, gồm: Sản xuất thép, kết cấu thép; chế tạo (các thiết bị máy móc, nồi hơi, thủy công); lắp đặt, sửa chữa. Trong đó có 37 DN tham gia hoạt động tại Hội Các DN Cơ khí tỉnh Bắc Giang, hầu hết là DN có quy mô vừa và nhỏ. Trừ một số công ty có quy mô trung bình với doanh thu hơn 100 tỷ đồng/năm, như: Công ty cổ phần Thép Phương Trung, Công ty cổ phần Thép Tuấn Cường, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng số 2 Hà Bắc; quy mô trung bình với doanh thu từ 50 đến dưới 100 tỷ đồng/năm, như: Công ty cổ phần Thép số 10, Công ty cổ phần Thép Phương Bắc, Công ty cơ khí Quế Sơn... còn lại là các đơn vị quy mô nhỏ với doanh thu từ 10 đến dưới 50 tỷ đồng/năm. Doanh thu của ngành cơ khí trong tỉnh đạt gần 3 nghìn tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động.

Sản xuất kết cấu thép tại Công ty cổ phần kết cấu thép ASC Vina (Lạng Giang).

Sản xuất kết cấu thép tại Công ty cổ phần kết cấu thép ASC Vina (Lạng Giang).

Ngành công nghiệp cơ khí được đánh giá giữ vai trò chủ đạo trong thực hiện cuộc cách mạng kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện sống; có vị trí quan trọng trong hệ thống các ngành công nghiệp, là "quả tim của công nghiệp nặng”. Nhận thức được điều này, vừa qua, Ban Chấp hành Hội Các DN Cơ khí tỉnh Bắc Giang đã tư vấn phản biện, đề xuất các giải pháp hỗ trợ phát triển DN, sẵn sàng cùng DN thành viên tiếp xúc với các sở, ngành của tỉnh trong việc tháo tháo gỡ khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Đồng thời mở rộng quan hệ hợp tác với các nhà máy cơ khí quốc phòng; tiếp cận với các tập đoàn cơ khí lớn của nước ngoài để học tập kinh nghiệm, nâng cao trình độ sản xuất và giới thiệu tiềm năng của Bắc Giang để các DN nước ngoài đầu tư. Đại diện Phòng Kỹ thuật an toàn - Môi trường, Sở Công Thương cho biết, để giúp các DN, HTX cơ khí có điều kiện phát triển, nâng cao năng lực sản xuất, nâng tính cạnh tranh, tỉnh đã đầu tư nhiều tỷ đồng (từ nguồn Quỹ Khuyến công) hỗ trợ mua trang thiết bị máy móc, đào tạo nhân lực sản xuất.

Dù nhận được hỗ trợ và đạt nhiều kết quả trong sản xuất, kinh doanh nhưng ông Đinh Hồng Quân, Chủ tịch Hội các DN Cơ khí tỉnh Bắc Giang cho rằng, ngành cơ khí của tỉnh cần được quan tâm đầu tư hơn nữa về trình độ kỹ thuật, nguồn vốn vay ưu đãi mới đủ sức cạnh tranh và phát triển. Bởi hiện cơ bản các DN cơ khí trên địa bàn tỉnh đều sử dụng nguồn vốn tư nhân. Trong khi việc đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác, tự động hóa đòi hỏi nguồn vốn lớn, kỹ thuật cao. Trong tương lai, Bắc Giang có thêm nhiều khu, cụm công nghiệp với hàng loạt nhà máy sản xuất lớn. Đây là dư địa để ngành công nghiệp cơ khí phụ trợ phát triển. Do đó, nếu không có sự chung sức từ phía chính quyền, các DN cơ khí trên địa bàn sẽ bị lỡ nhịp.

“Mục tiêu trong thời gian tới của ngành cơ khí Bắc Giang là tập trung phát triển cơ khí chính xác, cơ khí phụ trợ. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, doanh thu toàn ngành đạt từ 4-5 nghìn tỷ đồng/năm. Trong tương lai xa hơn, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần”, ông Quân nói.

Bài, ảnh: Thế Đại

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/399717/phat-trien-co-khi-che-tao-khong-de-lo-nhip.html