Phát triển cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn

Cơ sở hạ tầng thương mại (HTTM) nông thôn là tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM). Thời gian qua, huyện Yên Châu đã chỉ đạo các xã trên địa bàn lựa chọn hình thức thực hiện tiêu chí phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa, nâng cao đời sống người dân, góp phần xây dựng NTM.

Chợ Chiềng Pằn được nâng cấp phục vụ nhu cầu mua bán của người dân.

Chợ Chiềng Pằn được nâng cấp phục vụ nhu cầu mua bán của người dân.

Từ năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1980/QĐ-TTg về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, theo quy định mới, cơ sở HTTM nông thôn bao gồm chợ nông thôn hoặc nơi mua bán, trao đổi hàng hóa. Quy định này đã gỡ “nút thắt” cho nhiều xã trong thực hiện tiêu chí số 7. Căn cứ những điều chỉnh này, những năm qua, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Yên Châu đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tiêu chí cơ sở HTTM nông thôn theo hướng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế; chú trọng công tác quy hoạch, thiết kế chợ phù hợp quy định và thói quen tiêu dùng của người dân; góp phần giảm những áp lực trong huy động nguồn lực xây dựng hệ thống cơ sở HTTM nông thôn, giúp các địa phương tập trung nguồn vốn hoàn thành các tiêu chí khác.

Phiêng Khoài là xã vùng cao biên giới của huyện Yên Châu với trên 20 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào), đặc biệt có đường quốc lộ 6C chạy qua nên thuận tiện cho việc trao đổi, mua bán sản phẩm hàng hóa. Thực hiện tiêu chí cơ sở HTTM nông thôn, Đảng ủy, chính quyền xã đã đặt mục tiêu xây dựng chợ Phiêng Khoài trở thành chợ trung tâm cụm xã. Ông Đặng Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài, cho biết: Khi chưa quy hoạch chợ, người dân trên địa bàn xã chủ yếu mua bán, trao đổi hàng hóa trên tuyến đường trục xã, tình trạng ách tắc giao thông trong ngày họp chợ thường xuyên diễn ra. Từ năm 2016, xã được đầu tư gần 6,8 tỷ đồng xây mới chợ bảo đảm tiêu chí NTM. Để chợ hoạt động hiệu quả, xã đã thành lập ban quản lý chợ, có nội quy, quy chế hoạt động bảo đảm an ninh trật tự và an toàn phòng, chống cháy nổ trong khu vực chợ. Các khu vực kinh doanh được bố trí, sắp xếp phù hợp với nhu cầu kinh doanh của tiểu thương. Sau một thời gian đi vào hoạt động, chợ trung tâm cụm xã Phiêng Khoài đã trở thành mô hình điểm cho chuyển đổi thành công từ chợ dân sinh sang chợ thương mại, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa và phục vụ đời sống của người dân, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Khác với xã Phiêng Khoài, xã Viêng Lán có vị trí nằm giáp với vùng đã có chợ nên không quy hoạch xây dựng chợ. Thay vào đó, xã đã khuyến khích hộ cá thể đầu tư xây dựng cửa hàng kinh doanh tổng hợp đạt chuẩn; đồng thời, mở gần 20 cửa hàng tạp hóa khác đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân; do vậy xã vẫn đạt tiêu chí về cơ sở HTTM nông thôn. Chị Hà Thị Hoan, tiểu thương buôn bán tại xã Viêng Lán, chia sẻ: Do điều kiện dân cư phân bố không đồng đều, trung tâm xã cách chợ thị trấn Yên Châu không xa nên nếu xây dựng chợ cũng khó thu hút các tiểu thương. Ngoài ra, hầu hết các bản đều có điểm buôn bán kinh doanh nhỏ lẻ. Hiện, cửa hàng kinh doanh tổng hợp của gia đình được xây dựng kiên cố, bảo đảm các yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, có đầu tư biển hiệu, thời gian mở cửa phù hợp cho việc mua sắm của người dân.

Tùy điều kiện thực tế, các xã trên địa bàn huyện Yên Châu đã thực hiện linh hoạt, cân đối nguồn lực để lựa chọn xây dựng chợ hoặc thay thế bằng các cửa hàng tổng hợp nhằm giảm gánh nặng kinh phí cho địa phương. Đến nay, toàn huyện đã có 9/14 xã hoàn thành tiêu chí số 7 về cơ sở HTTM nông thôn. Ngoài chợ trung tâm huyện Yên Châu và chợ thị trấn Yên Châu, hiện có 4 chợ ở các xã được đầu tư kiên cố và đi vào hoạt động hiệu quả, gồm: Chợ trung tâm xã Chiềng Đông; chợ trung tâm xã Chiềng Pằn; chợ trung tâm cụm xã Phiêng Khoài; chợ phiên vùng cao bản Lao Khô 1 (Phiêng Khoài). Đa số các địa phương sau khi được hỗ trợ vốn đầu tư xây dựng chợ đều làm tốt công tác quản lý, điều hành hoạt động của các hộ kinh doanh, tiểu thương; tình trạng mất an toàn thực phẩm, phòng cháy, chữa cháy được quản lý hiệu quả hơn. Hệ thống các cửa hàng, siêu thị mini được phân bố ngày càng nhiều và hợp lý; đa dạng các loại hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, sinh hoạt, sản xuất của nhân dân.

Việc tích cực triển khai các giải pháp hoàn thiện hệ thống cơ sở HTTM đã góp phần thúc đẩy quá trình giao thương, trao đổi hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, làm thay đổi rõ rệt diện mạo tại khu vực nông thôn và đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Yên Châu.

Thanh Huyền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-trien-co-so-ha-tang-thuong-mai-nong-thon-31075