Phát triển cơ sở hạ tầng - tín hiệu tích cực từ các cụm công nghiệp

Ngày 25-5-2017, Nghị định 68/2017/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CCN) ra đời. Cùng với chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại được ban hành theo Nghị quyết số 29/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh đã 'thổi luồng gió mới' vào 'làn sóng' đầu tư hạ tầng CCN.

Vận chuyển gạch không nung đi tiêu thụ tại Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Gia Hiếu, CCN thị trấn Thường Xuân (Thường Xuân).

Trước khi có Nghị định 68 và Nghị quyết 29, mặc dù việc quy hoạch các CCN đã được thực hiện từ lâu nhưng không thu hút được nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Trước năm 2017, toàn tỉnh chỉ có CCN Hà Dương (Hà Trung) thành lập, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật dựa trên nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương. Việc thiếu đầu tư hạ tầng khiến các doanh nghiệp (DN) gặp khá nhiều khó khăn trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh trong các CCN. DN phải tự thỏa thuận giải phóng mặt bằng với người dân, tự đấu nối, xây dựng hệ thống điện, nước, đường giao thông... làm tăng thời gian, chi phí đầu tư dự án. Do đó, tỷ lệ lấp đầy các CCN trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng trong việc thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Nghị định 68 ra đời, bên cạnh việc phân định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Sở Công Thương, UBND cấp huyện về nguyên tắc đầu mối trong quản lý CCN, tạo thuận lợi cho DN khi tìm hiểu, thực hiện các thủ tục đầu tư thì cơ chế ưu đãi DN khi đầu tư kết cấu hạ tầng và sản xuất, kinh doanh trong CCN cũng rộng mở hơn. Theo đó, các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật CCN sẽ được miễn tiền thuê đất 11 năm. Dự án kinh doanh hạ tầng CCN làng nghề sẽ được miễn tiền thuê đất 15 năm. Chủ đầu tư hạ tầng được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư và hưởng các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong CCN cũng được miễn tiền thuê đất 11 năm và được xem xét vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với mức không quá 70% tổng mức đầu tư. Nghị định cũng quy định về cơ chế báo cáo thống kê xây dựng dữ liệu, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua thực hiện quy tắc một cửa liên thông trong thực hiện thủ tục hành chính..., tạo điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình đầu tư dự án; sản xuất, kinh doanh của DN.

Theo thông tin từ Sở Công Thương, từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 15 chủ đầu tư tham gia kinh doanh kết cấu hạ tầng tại 15 CCN (chưa bao gồm CCN Hà Dương), với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3.403 tỷ đồng, đó là: CCN Bắc Hoằng Hóa, huyện Hoằng Hóa 50 ha; CCN Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa 19,37 ha; CCN Thái Thắng, huyện Hoằng Hóa 30,71 ha; CCN nghề cá Hòa Lộc, huyện Hậu Lộc 19 ha; CCN làng nghề Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc 6 ha; CCN Tam Linh, huyện Hà Trung 39,68 ha; CCN Hà Phong II, huyện Hà Trung 50 ha; CCN Thọ Minh, huyện Thọ Xuân 18 ha; CCN Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy 25 ha; CCN Hải Long, huyện Như Thanh 24,5 ha; CCN Vạn Hà, huyện Thiệu Hóa 17,5 ha; CCN Khe Hạ, huyện Thường Xuân 30 ha; CCN Đông Văn, huyện Đông Sơn 20 ha; CCN Cống Trúc, huyện Quảng Xương 50 ha; CCN Vĩnh Minh, huyện Vĩnh Lộc 30 ha.

Ngày 19-10-2018, CCN Đông Văn, huyện Đông Sơn đã chính thức được thành lập. Dự án do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị - Công ty CP, làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thiện đưa vào sử dụng năm 2021. Các ngành nghề được định hướng thu hút đầu tư là: Nhóm các dự án sản xuất vật liệu xây dựng, cấu kiện bê tông gạch không nung; chế biến khoáng sản, chế biến cao lanh, sản xuất thủy tinh lỏng, chế biến đá, cát các loại; dịch vụ cho thuê kho bãi, trưng bày giới thiệu sản phẩm, vận chuyển, giao hàng hóa các loại; nhóm các dự án công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ; nhóm các dự án điện, điện tử, viễn thông, điện lạnh; nhóm các dự án chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, chế biến nông sản; nhóm các dự án văn phòng phẩm... Được đầu tư với số vốn hơn 267 tỷ đồng trên diện tích 20 ha, đây sẽ là CCN đầu tiên tại huyện Đông Sơn được đầu tư bài bản về hạ tầng kỹ thuật và kỳ vọng sẽ góp phần tạo việc làm, phát triển ngành công nghiệp của huyện Đông Sơn trong thời gian tới.

Được biết, hiện nay các chủ đầu tư đang tích cực thực hiện các thủ tục liên quan để đầu tư dự án. Tuy nhiên, trong số 16 CCN đã được thành lập, hiện chỉ có CCN nghề cá Hòa Lộc bảo đảm tiến độ đầu tư. Chủ đầu tư dự án này là Công ty TNHH BNB Hà Nội đã hoàn thiện cơ bản hạ tầng kỹ thuật dự án và đang tiến hành các bước kêu gọi DN vào đầu tư sản xuất, kinh doanh trong cụm. Một số CCN đang gặp khó do vướng mắc giải phóng mặt bằng và các thủ tục đầu tư, nhất là những diện tích CCN được quy hoạch trên đất lúa.

Đồng chí Trương Văn Tuyên, Trưởng Phòng Quản lý Công nghiệp nông thôn, Sở Công Thương, cho biết: Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25-5-2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển CCN đã tạo ra được hành lang pháp lý thống nhất quản lý CCN từ tỉnh đến huyện, làm cơ sở cho các cơ quan quản lý, chủ đầu tư hạ tầng và các đơn vị liên quan chấp hành đúng chủ trương, quy định của Nhà nước về phát triển CCN. Công tác quy hoạch, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng và quản lý hoạt động của CCN ngày càng được nhận thức một cách đúng, đủ, tổ chức thực hiện theo trình tự, quy định của pháp luật, hạn chế việc phát triển CCN tự phát, thiếu quy hoạch như trước đây. Tuy nhiên, để tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư hạ tầng triển khai dự án đúng tiến độ, các địa phương cần tích cực hơn trong vấn đề phối hợp giải phóng mặt bằng. Trong quá trình thu hút dự án sản xuất, kinh doanh, cần lựa chọn, bố trí dự án đầu tư vào CCN phù hợp với mục tiêu quy hoạch. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xem xét, bổ sung các dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực các dự án vay vốn tín dụng ưu đãi. Đồng thời, nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ, ưu đãi về thuế thu nhập DN cho các chủ đầu tư hạ tầng và các DN sản xuất, kinh doanh trong CCN.

Tùng Lâm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-co-so-ha-tang-tin-hieu-tich-cuc-tu-cac-cum-cong-nghiep/98476.htm