Phát triển công nghệ mở: Xu hướng không thể đảo ngược

Công nghệ mở giúp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng của thời đại số, như an toàn thông tin, khai thác dữ liệu, khả năng kết hợp của các công ty với nhau; đồng thời tận dụng được sức sáng tạo của toàn dân.

Trên thế giới, khái niệm phần mềm tự do nguồn mở bắt đầu từ năm 1983, với ý tưởng các phần mềm máy tính cần được tự do sao chép, chia sẻ, nghiên cứu cải tiến và thích nghi. Sau hơn 30 năm, phần mềm nguồn mở hiện diện ở mọi nơi, có trong hầu hết ứng dụng thương mại. Các hãng phần mềm lớn trên thế giới, như google, facebook… đều tham gia phát triển và đóng góp cho dự án phần mềm nguồn mở.

 Xây dựng mã nguồn mở tốt, tạo ra sản phẩm cạnh tranh

Xây dựng mã nguồn mở tốt, tạo ra sản phẩm cạnh tranh

Ông Nguyễn Trọng Đường - Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết: Hiện nay, có gần 3 triệu tổ chức, doanh nghiệp từ 70 quốc gia trên thế giới đã tham gia vào cộng đồng nguồn mở GitHub; 35/50 công ty Top đầu thế giới đang tham gia hoặc cử đội tham gia vào các dự án mã nguồn mở trên diễn đàn này. Ngoài Mỹ, Trung Quốc là nước đứng thứ 2 về ứng dụng mã nguồn mở. Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang xếp hạng 3 và thuộc Top 20 thế giới về ứng dụng mã nguồn mở, sau Singapore (thứ 17), Malaysia (thứ 18).

"Việc phát triển các dự án nguồn mở là xu hướng không thể đảo ngược của ngành công nghệ toàn cầu. Do đó, Việt Nam cần phải lọt vào Top 10 các bảng xếp hạng về tăng trưởng phần mềm nguồn mở" - ông Nguyễn Trọng Đường nói.

Trên thực tế, dù đã tiếp cận xu hướng mở khá sớm (từ những năm 2000), tuy nhiên tốc độ phát triển công nghệ mở của nước ta vẫn theo sau một số nước. Sự chậm phát triển trong lĩnh vực phần mềm nguồn mở đến từ những hạn chế do văn hóa "đóng", tình trạng cát cứ dữ liệu và sự thiếu quan tâm của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào mảng công nghệ này.

Ông Nguyễn Trọng Đường cho rằng, Việt Nam cần phát triển công nghệ mở tập trung vào 3 trụ cột, gồm: Hệ sinh thái mở Make in Vietnam, thúc đẩy văn hóa mở, phát triển cộng đồng mở.

Trong đó, để phát triển hệ sinh thái công nghệ mở, doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn phải làm gương, ưu tiên kinh phí nghiên cứu và phát triển (R&D) cho các dự án nguồn mở. Việt Nam cũng hướng tới việc thúc đẩy văn hóa mở với sự tham gia của cộng đồng các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ.

Theo nhận định của các chuyên gia, sử dụng phần mềm nguồn mở trong phát triển doanh nghiệp đem đến 3 lợi thế: Giảm công sức trong phát triển phần mềm, tăng chất lượng của dịch vụ sản phẩm và dịch vụ cung cấp đầu ra, giảm chi phí và giá thành cho sản phẩm dịch vụ đầu ra. Việt Nam muốn hưởng lợi từ việc ứng dụng và phát triển phần mềm nguồn mở thì cần thúc đẩy cả hai mảng: Xây dựng nguồn nhân lực và tạo thị trường.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Vương Quang Long - Tổng giám đốc Công ty Tomochain - chia sẻ: Công nghệ mã nguồn mở là xu hướng lớn của thế giới, vì rất nhiều công nghệ mã nguồn mở hiện nay đã được ứng dụng trong các công ty công nghệ lớn như microsoft, google… Việc tham gia vào dòng chảy này giúp Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ, thay vì phải mua phần mềm từ những nhà cung cấp lớn. Đây là cơ hội lớn để chúng ta giải quyết được những bài toán lớn, chi phí thấp.

"Việt Nam cần có chính sách để mời gọi các chuyên gia giỏi từ nước ngoài, không chỉ người Việt mà cả quốc tế tham gia vào phát triển công nghệ mã nguồn mở, nhằm xây dựng cộng đồng mã nguồn mở tốt và tạo ra các sản phẩm cạnh tranh với thế giới" - ông Long đề xuất.

Trong đại dịch Covid-19, nhiều ứng dụng số Việt Nam, trong đó có Bluezone, CoMeet… đã được mở mã nguồn hoặc phát triển nhanh trên nền nguồn mở, góp phần chống dịch và đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-cong-nghe-mo-xu-huong-khong-the-dao-nguoc-147953.html