Phát triển công nghiệp chế biến: Nâng giá trị nông sản Đắk Nông

Là địa phương có thế mạnh về các loại nông sản như cà phê, tiêu, cao su… thời gian qua, ngành Công Thương Đắk Nông đã chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông sản nhằm nâng giá trị cho các sản phẩm này.

Tháng 9/2019, tại cụm công nghiệp xã Thuận An, huyện Đắk Mil, Đắk Nông, Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Tây Nguyên đã tổ chức lễ khởi công xây dựng nhà máy chế biến nông sản chất lượng cao. Dự án là một khu phức hợp các chuỗi chế biến nông sản chất lượng cao như: chế biến cà phê 3 trong 1, 5 trong 1; ca cao 3 trong 1, 4 trong 1; chế biến nước ép trái cây; trà các loại… Khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2020, dự án được kỳ vọng sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị cao, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông sản của địa phương.

Công nghiệp chế biến giúp nâng cao giá trị cà phê Đắk Nông

Công nghiệp chế biến giúp nâng cao giá trị cà phê Đắk Nông

Là đơn vị được thụ hưởng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2016, Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp Nam Hà (xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) đã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn Phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Đắk Nông) hỗ trợ 195 triệu đồng để đầu tư thêm máy sấy đa năng liên hoàn với tổng kinh phí 515 triệu đồng. Thiết bị này giúp Hợp tác xã tăng công suất chế biến từ 1.000 tấn lên 3.000 tấn gấc tươi/năm, nâng cao chất lượng, sản phẩm làm ra có độ khô đồng đều, gia tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu

Đó là hai trong những dự án đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến được tỉnh Đắk Nông đẩy mạnh phát triển trong những năm qua nhằm nâng cao giá trị nông sản địa phương. Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm sản là một trong những mục tiêu trọng tâm được UBND tỉnh Đắk Nông đặt ra tại Quyết định số 03/2006/QĐ-UBND ngày 5/1/2006 vể việc Quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2006 đến 2010, có xét đến năm 2020.

Nhờ đó, đến nay, nhiều loại nông sản địa phương đã thoát được tình trạng bán thô, giá trị thấp. Đơn cử, thời gian qua, công nghiệp chế biến cà phê đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, giúp thu hút các nhà đầu tư có dự án đầu tư với quy mô lớn chế biến sâu sản phẩm cà phê nhân phục vụ cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó, vài năm trở lại đây để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong nước đối với sản phẩm cà phê “sạch”. Do đó, đã có nhiều nhà đầu tư đầu tư dây truyền chế biến cà phê bột nguyên chất chất lượng cao có thương hiệu, uy tín trên thị trường như Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong Đắk Nông (thương hiệu cà phê Dano), Công ty TNHH MTV cà phê Bazan Đắk Nông (thương hiệu Cà phê Enjoy), HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (thương hiệu Cà phê Đắk Đam)... Các sản phẩm cà phê sau chế biến này đã mang lại giá trị tương đối cao, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng, ngày càng khẳng định thương hiệu cà phê Đắk Nông trên thị trường.

Hoặc với cây cao su, ngành công nghiệp chế biến cao su trên địa bàn tỉnh giữ được giá trị sản xuất ổn định nhờ vào vùng nguyên liệu ổn định. Đến nay, đã có 5 đơn vị chế biến mủ cao su với tổng năng lực sản xuất là 18.500 tấn/năm.

Với sản phẩm điều, ngành công nghiệp chế biến điều trong giai đoạn 2011-2020 cơ bản đã phát triển đúng hướng, phù hợp với tiềm năng về nguồn nguyên liệu trên địa bàn tỉnh, giá trị sản xuất của ngành trong giai đoạn luôn giữ được sự ổn định cao, các sản phẩm chế biến có chất lượng cao đạt mục đích cho nhu cầu xuất khẩu.

Tương tự, ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu trong giai đoạn 2011-2020 đã có sự phát triển mạnh mẽ, phù hợp với định hướng phát triển ngành. Đến nay, đã có 10 doanh nghiệp chế biến hồ tiêu với tổng năng lực sản xuất là 26.000 tấn/năm. Một số dự án có năng lực sản xuất lớn như: Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong Đắk Nông (công suất 10.000 tấn/năm), Công ty CP Sam nông nghiệp công nghệ cao (công suất 9.000 tấn/năm).

Các sản phẩm chế biến sâu phục vụ nhu cầu cho xuất khẩu gồm có: tiêu đen, tiêu trắng. Ngoài ra, năm 2015 Công ty CP Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong Đắk Nông đã triển khai đề tài khoa học chế biến sản phẩm tinh dầu tiêu và Piperine qua đó nâng cao giá trị sản phẩm.

Chiến lược tốt đã giúp ngành công nghiệp Đắk Nông ngày càng phát triển, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của kinh tế địa phương. Công nghiệp chế biến trong giai đoạn 2011-2020, cơ bản đã phát huy được tiềm năng sẵn có trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm sau chế biến cơ bản đã đa dạng về chủng loại, đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Việc phát triển công nghiệp có sự kết hợp chặt chẽ với các yếu tố kinh tế - xã hội, các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái.

Nhờ đó, tăng trưởng bình quân GRDP giai đoạn 2016-2020 ngành công nghiệp là 12,22%. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp năm 2020 dự kiến đạt 2.034 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2016 (1.185 tỷ đồng). Cơ cấu ngành công nghiệp trong tổng GRDP của tỉnh tăng từ 7,79% của năm 2016 lên 12,06% vào năm 2020.

Thời gian tới, tỉnh Đắk Nông xác định tiếp tục huy động nguồn vốn các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành công nghiệp có lợi thế so sánh của tỉnh, trong đó có công nghiệp chế biến nông, lâm sản, từ đó tiếp tục nâng cao hơn nữa giá trị các sản phẩm nông sản địa phương.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-cong-nghiep-che-bien-nang-gia-tri-nong-san-dak-nong-137056.html