Phát triển công nghiệp chế biến nông sản
Phát triển công nghiệp chế biến nông sản được xác định là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp và giảm thiểu rủi ro trong sản xuất. Sự phát triển của công nghiệp chế biến nông sản góp phần làm chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, đẩy nhanh tiến độ chương trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương.
Sơ chế ớt xuất khẩu tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm, thị trấn Quán Lào (Yên Định).
Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành, xã Trung Thành (Nông Cống) chuyên chế biến dứa và ngô ngọt xuất khẩu. Anh Hoàng Ngọc Hà, giám đốc công ty, cho biết: Trước đây, nhìn bà con nông dân tại một số địa phương trồng dứa khá vất vả, nhưng vào vụ thu hoạch rộ thì giá rẻ, thậm chí phải đem cho, tôi tự nghĩ tại sao không gắn nông nghiệp với chế biến. Từ đó, tôi tìm hiểu các loại máy chế biến, học hỏi các cách thức chế biến nguồn nguyên liệu này và ký kết tiêu thụ dứa với nông dân các huyện Yên Định, Cẩm Thủy, thị xã Bỉm Sơn..., với tổng diện tích gần 200 ha, tiêu thụ khoảng 15.000 tấn dứa nguyên liệu/năm. Hiện, sản phẩm dứa đóng hộp của doanh nghiệp được người tiêu dùng tin tưởng và cho giá trị kinh tế cao. Công ty cũng đang có hướng mở rộng liên kết với nhiều vùng nguyên liệu ở các địa phương khác để bảo đảm tạo ra lượng hàng hóa thường xuyên.
Hiện toàn tỉnh có 235 doanh nghiệp, HTX chế biến, kinh doanh gỗ và lâm sản; 29 doanh nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; 80 doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản và hơn 600 cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản. Từ việc phát triển công nghiệp chế biến nông sản đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất. Các cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: ớt xuất khẩu, dứa, cà chua, dưa các loại... được mở rộng. Nhiều doanh nghiệp đầu tư thiết bị hiện đại phát triển công nghiệp chế biến, như: Nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo của Công ty CP Thương mại Sao Khuê, xã Đông Hoàng (Đông Sơn); Công ty CP Đầu tư và Chế biến rau quả nông sản Thanh Hóa, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa... Nhiều mô hình sản xuất rau, quả theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm đang phát triển mạnh tại các địa phương; trong đó, tập trung nhiều tại các huyện Nông Cống, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Yên Định...
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả tích cực, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản ở tỉnh ta vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Hầu hết các cơ sở sản xuất, chế biến quy mô nhỏ lẻ, mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô bằng phương pháp thủ công truyền thống nên giá trị gia tăng chưa cao, tổn thất nhiều. Các nông sản chủ lực như lạc, cà chua, rau màu... sau khi thu hoạch, ngoài số lượng được bán ngay, số còn lại chủ yếu chỉ được sơ chế, đóng gói bao bì và tích trữ theo phương pháp cũ, lạc hậu ảnh hưởng đến chất lượng, sản lượng và thời gian bảo quản sản phẩm ngắn.
Để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao hiệu quả sản xuất, tiêu thụ kịp nông sản cho nông dân và đa dạng hóa sản phẩm cho tiêu dùng. Khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, ứng dụng công nghệ cao trong từng khâu sản xuất, giảm xuất khẩu sản phẩm thô. Tập trung phát triển ngành nghề nông thôn bền vững trên cơ sở bảo vệ làng nghề, đào tạo nghề, phát triển nghề truyền thống. Gắn hoạt động kinh tế của các làng nghề với dịch vụ, du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Cùng với đó, tập trung phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản, thủy sản giữa doanh nghiệp và nông dân; từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông sản, thủy sản. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư phát triển công nghệ bảo quản, chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản.