Phát triển công nghiệp hỗ trợ, khi địa phương tích cực đồng hành

Mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, địa phương và DN là chương trình hợp tác mà Bộ Công Thương triển khai, ghi nhận kết quả tích cực.

Ngày 29/8 đã diễn ra Tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương” do Tạp chí Công Thương tổ chức.

Tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương”

Tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương”

Mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ phát huy hiệu quả

Với nhiều nỗ lực từ Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương, thời gian qua, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tăng cường tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, năng lực cung ứng của các doanh nghiệp không còn là vấn đề đáng ngại như những năm về trước.

Trong đó, mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai, bước đầu ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Một số doanh nghiệp đã thành công áp dụng mô hình cải tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất, dần tiếp cận và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của chuỗi giá trị toàn cầu. Tham gia vào chương trình, các địa phương cũng cho thấy vai trò tích cực hơn trong hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nhìn chung, đến nay, các địa phương còn khá thụ động trong triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ nói riêng. Việc xây dựng và thực hiện các chính sách, phát triển công nghiệp hỗ trợ riêng biệt, đặc biệt là công tác bố trí nguồn lực và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn chế. Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam lại là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và hoạt động của doanh nghiệp gắn chặt với địa phương.

Nhìn nhận thực tế, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho hay, thời gian qua, một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng…, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương, đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình. Những chính sách này tập trung chủ yếu vào một số nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo đó một số địa phương làm rất tốt, như: TP. Hồ Chí Minh đã có chính sách cho các dự án ưu tiên được vay vốn bằng cách cấp bù lãi suất. Cụ thể, ngày 19/7/2024, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đã ban hành Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND về thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn”- lãnh đạo Cục Công nghiệp nhìn nhận

Liên quan đến nội dung này ông Phạm Tuấn Anh cho hay, chính sách cấp bù lãi suất cũng đã được đưa vào trong dự thảo của Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. “Quan điểm Bộ Công Thương, bước đầu để các địa phương triển khai, mà vai trò của các địa phương là rất lớn. Đối với chính sách thu hút đầu tư của địa phương cũng cần có sự ràng buộc nhà đầu tư, khi họ được hưởng các chính sách ưu đãi thì cũng phải có trách nhiệm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, ví dụ có thể trong một thời gian nhất định đưa một số lượng doanh nghiệp của Việt Nam tham gia vào cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI. Đây là một nội dung mà các địa phương rất nên lưu ý”- ông Phạm Tuấn Anh chỉ ra.

Địa phương vào cuộc, doanh nghiệp quyết tâm

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương để triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương để triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương để triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Từ năm 2022, Bộ Công Thương đã thành lập một tổ công tác gồm các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, trong đó Cục Công nghiệp là đơn vị thường trực, để làm việc với các địa phương. Cụ thể, chúng tôi đã làm việc với khoảng 15 địa phương nhằm trao đổi những nội dung về các chính sách của Trung ương đã ban hành và trên cơ sở đặc thù của từng địa phương thì tiếp tục xây dựng những chính sách cho phù hợp với các địa phương.

“Nếu không có các chính sách thiết thực, đủ mạnh và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương để thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng sẽ có nguy cơ bỏ lỡ các dòng vốn đầu tư lớn trong xu thế chuyển dịch của chuỗi giá trị toàn cầu cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp”- đại diện lãnh đạo Cục Công nghiệp nêu

Ông Dương Minh Hải - Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cho hay, nhờ sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Công Thương cùng với Tập đoàn Samsung, KIMSEN đã được lựa chọn là một trong năm doanh nghiệp tham gia vào chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến doanh nghiệp. Với những sự hỗ trợ như vậy từ các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương, Ban lãnh đạo KIMSEN đã có một định hướng chiến lược chuyển sang phát triển lĩnh vực gia công cơ khí cho ngành công nghiệp hỗ trợ. “Đến nay, những sản phẩm của KIMSEN đã tham gia cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI hoạt động tại Việt Nam và xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng trên 50% sản lượng của chúng tôi là dành cho các hoạt động xuất khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp FDI trong nước”- ông Dương Minh Hải bày tỏ.

Bên cạnh việc tư vấn cải tiến hiện trường KIMSEN cũng được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp trong việc đào tạo các kỹ sư, các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, lập trình các chương trình CNC, những sản phẩm yêu cầu có độ chính xác cao. “Chúng tôi đánh giá rất cao đối với những chính sách và hoạt động thiết thực của các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác mà Bộ Công Thương đã liên kết là hoạt động mà giúp cho KIMSEN trong giai đoạn chúng tôi đang chuyển mình tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”- lãnh đạo Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN nói.

Hay như Toyota Việt Nam đã có một chương trình hợp tác lâu năm với Bộ Công Thương. Năm nay là năm thứ tư chương trình này được triển khai với kết quả đang ghi nhận.

Cụ thể, có những đơn vị đã giảm được tồn kho lên đến 59% và tiết kiệm được gần 4.000 m2 diện tích nhà xưởng. Như vậy là họ có thể tiết kiệm rất nhiều tiền trong việc chi trả chi phí thuê diện tích nhà xưởng hoặc có thể nâng cao được công suất, sản lượng của họ mà không cần phải đầu tư thêm. Có những đơn vị loại bỏ đến hàng chục tấn trang thiết bị không cần thiết và có đơn vị thậm chí đã tăng được năng suất lao động lên đến hơn 70%.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ, đối với Toyota, chương trình giúp chúng tôi một lần nữa khẳng định quyết tâm nâng cao tỉ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, ổn định được sản xuất. “Trong năm 2024 chúng tôi cũng vừa tổ chức một chương trình khởi động tại nhà máy Toyota Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ thêm cho 5 nhà cung ứng trong năm nay”- ông Nguyễn Trung Hiếu thông tin.

Trên cơ sở những kết quả tích cực đã đạt được trong chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và các địa phương, Bộ Công Thương mong các doanh nghiệp tham gia chương trình nhanh chóng có kế hoạch đẩy mạnh triển khai, phát huy hơn nữa tính hiệu quả mà chương trình mang lại, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp trên địa bàn nói riêng và các doanh nghiệp công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ trên tại các địa phương nói chung.

Ông Phạm Tuấn Anh thông tin, trong các chính sách mà Bộ Công Thương đề xuất tại Nghị định sửa đổi Nghị định số 111/2015/NĐ-CP chúng tôi cũng đưa ra những chính sách liên quan đến tạo lập thị trường, đến xây dựng các cụm liên kết ngành; cũng như các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp như vấn đề tín dụng,…

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung cũng như công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, sẽ phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng chính sách tại địa phương để làm sao hỗ trợ được trực tiếp cho các doanh nghiệp.

Để làm được điều này, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ hơn nữa từ Trung ương đến địa phương cũng như những đột phá trong tư duy hành động để doanh nghiệp không bỏ lỡ “thời cơ vàng” gia nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị. Cùng với sự định hướng, đồng hành từ Trung ương, thì vai trò hỗ trợ, sát cánh cùng doanh nghiệp từ phía các địa phương là vô cùng quan trọng.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-cong-nghiep-ho-tro-khi-dia-phuong-tich-cuc-dong-hanh-342289.html